Trang chủ Khám phá Khu chợ côn trùng bán đầy bọ xít, châu chấu… hiếm có...

Khu chợ côn trùng bán đầy bọ xít, châu chấu… hiếm có Việt Nam

69
0
Chia sẻ

Nằm ven Quốc lộ 6, chợ Nà Si luôn tấp nập kẻ bán người mua mỗi buổi chiều hàng ngày. Ngoài thứ làm nên thương hiệu là côn trùng, các mặt hàng được bày bán ở đây đều là sản vật bản địa, mùa nào thức ấy.

Bọ dừa

Người bán hàng là phụ nữ Thái đen trong trang phục dân tộc đẹp mắt, dịu dàng, hồn hậu chia sẻ những thứ thơm thảo cây nhà lá vườn hoặc kiếm được trong rừng chứ không thuần túy là chuyện bán mua. Thế nên chợ nhộn nhịp mà ấm áp, tươi vui.

Sản vật bản địa mùa nào thức nấy

Bà Lò Thị È, 60 tuổi, người Thái đen, ở bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, vừa nhặt lại rổ trứng kiến vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.

Để có rổ trứng kiến cho bà mang ra chợ bán với giá 25.000 đồng/100g, hai người con của bà phải đi chọc từ bốn giờ sáng đến sáu giờ sáng.

Khu chợ côn trùng bán đầy bọ xít, châu chấu... hiếm có Việt Nam
Trứng kiến

“Một người dùng sào chọc, một người cầm rổ đỡ, phải trèo lên cây cao mới chọc được, kiến nó đốt đau lắm. Mỗi ngày chỉ được hai, ba cân thôi. Trứng kiến gói lá chuối nướng, đánh trứng rán, nấu canh bột năng, nấu canh lá lốt, đồ xôi,… ăn ngon lắm”, bà cho biết.

Có rất nhiều loại kiến nhưng người Thái chỉ khai thác trứng hai loài kiến để ăn, đó là kiến vàng (kiến chua), tiếng Thái là mất sốm vì chúng có vị chua. Kiến chua màu hung vàng, chân dài lêu nghêu, làm tổ vào tháng bảy, tháng tám, trên những cành cây cao bằng cách ghép nhiều lớp lá cây lại. Ghép tổ xong chúng bắt đầu đẻ trứng và nuôi trứng non thành nhộng rồi nở thành kiến non. Một loại nữa là kiến đen, tiếng Thái là mất hày, thường làm tổ vào tháng hai, tháng ba, mỗi tổ có từ hàng trăm đến hàng nghìn con. Trứng kiến đen to bằng hạt gạo, màu trắng, ăn thơm, bùi, ngậy.

Bà Lò Thị È, người khai sinh chợ Nà Si và gắn bó với nó suốt 20 năm nay. Ảnh: Lê Việt Cường

Khác với trứng kiến đi chọc vào sáng sớm, con bọ dừa, tiếng Thái là manh mun phải đi soi từ tối hôm trước.

Chị Tòng Thị Huân, 46 tuổi, người Thái đen ở bản Cượm, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, kể rằng: “Cháu tôi đi soi cả đêm mới được sáu lạng. Đội cái đèn pin ở trán, soi lên trên cây, cây gì cũng có, thấy đậu trên cành, lá thì bắt.” Bọ dừa được chị bán với giá 15.000 đồng/100g. Bọ dừa rửa sạch, cho nước măng chua, muối, mỡ, nước măng chua vào rang giòn lên ăn bùi, ngon, thơm.

Ngoài ra, chợ còn có bán các loại côn trùng khác như: ve sầu, chuồn chuồn nước (xin cơm), bọ xít, dế mèn, sâu tre, châu chấu,… Thế nên nơi đây được mệnh danh là “chợ côn trùng lớn nhất Tây Bắc.”

Ve sầu

Chắc hẳn nhiều người sẽ cười và bảo rằng “đời thiếu gì cái ăn mà lại phải ăn côn trùng” nhất là thời buổi sơn hào hải vị ê hề này. Nhưng theo ông Lường Song Toàn, nhà nghiên cứu văn hóa Thái, đó mới chính là văn hóa dân gian, thể hiện tập quán khai thác những sản vật phong phú từ thiên nhiên để phục vụ đời sống của con người. Đó cũng chính là văn hóa bản địa, tri thức bản địa.

Dung dị, thân tình

Ngoài thứ làm nên thương hiệu là côn trùng, chợ Nà Si còn bán cá quả, cá chép, cá trắm, cá rô, lươn, trạch, tôm, tép, ốc, ếch, nhái, gà, vịt; các loại thức ăn chín: cá nướng (pa pỉng tộp), gà nướng… ; các loại rau rừng: cỏ bợ, tầm bóp, dớn, bò khai, măng… ; các loại gia vị, hoa quả, mật ong rừng… và các loại sản vật mùa nào thức đấy của người Thái đen bản địa.

Chuồn chuồn nước (xin cơm)

Chợ Nà Si họp vào buổi chiều hàng ngày, bắt đầu từ 12 giờ 30 phút đến khoảng 17 giờ 30’-18 giờ. 70% số người bán hàng thực phẩm là người dân thuộc các xã: Hát Lót, Chiềng Mung, Mường Bon, Chiềng Mai,… Chợ nằm ngay bên Quốc lộ 6 nên ngoài dân địa phương, rất nhiều khách du lịch đi qua thấy vui mắt cũng dừng lại tham quan, mua sắm. Trung bình mỗi ngày, một người bán hàng ở chợ thu được từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.

Hỏi chuyện về chợ, chị Hà Thị Soan, 50 tuổi, một người bán hàng ở chợ, cho hay: “Bà È chính là người khai sinh ra chợ này đấy.” Hóa ra tôi đã hỏi chuyện bà bán trứng kiến, bà tổ của chợ mà không biết.

Bọ xít

Tôi liền quay lại sạp hàng của bà È ở cuối chợ và nghe được câu chuyện ra đời thật dung dị của ngôi chợ. Chuyện là, 21 năm trước, bà È không đi làm thuê mà ngày ngày ra vệ đường cái (Quốc lộ 6) bán cua, hến, măng… Thấy bà bán được vài người phụ nữ trong bản học theo.

Anh Lò Văn Lả, Trưởng bản Co Hiên, Trưởng ban Quản lý chợ Nà Si, kể rằng ngày đó trên bãi đất 5% của xã để lại, bà con trong bản mang con tôm, con tép, cá suối hay mớ rau rừng đến bán, dần dần nhiều người đến bán, dẫn đến người mua cũng tăng lên. Thấy đông người bán, lắm người mua, ban quản lý hai bản Co Hiên và Nà Si đã kiến nghị với Ủy ban nhân dân xã thành lập chợ và giao cho hai bản tự đầu tư xây dựng và quản lý.

Cà đắng

Năm 2014, từ 54 triệu đồng nguồn vốn của hai bản đóng góp, chợ Nà Si được đầu tư xây dựng với cột bê tông, mái lợp frôximăng và nền láng xi măng, có nhà để xe, nhà vệ sinh.

Ban quản lý chợ gồm sáu người, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, quản lý chợ, tuyên truyền công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người bán, người mua hàng… Đến nay, số lượng người bán hàng trong chợ luôn duy trì từ 70 người đến 100 người mỗi ngày, phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con trong vùng.

Rau bợ

Bà Lò Thị È cười hiền hậu đúc kết về nơi đã gắn bó với mình suốt 21 năm nay: “Sáng đi kiếm, chiều đi bán nên toàn thứ tươi sống, ngon lắm!”

Chị Đào Thị Ngọc Thu, từ thành phố Ninh Bình lên Sơn La công tác, trên đường về rẽ vào chợ Nà Si thăm thú, mua mỗi loại côn trùng một ít mang về ăn và làm quà. Chị tâm sự rằng lần nào lên Sơn La cũng phải đi chợ Nà Si vì: “Không khí ở chợ rất thân tình, buôn bán thì có sao nói vậy, hầu như không có nói thách, mặc cả.”

Người Thái đen bán hàng ở chợ rất thân tình.

Nguồn: VietNamNet