Có khoảng sân rộng 160m², chị Phạm Thị Thanh Thúy (39 tuổi, Q.Thủ Đức) tận dụng làm khu vườn nhỏ, trang trí bằng những món đồ tái chế từ rác thải của gia đình, hay những món đồ chị… lượm từ bãi rác về.
Với mong muốn có khu vườn nhỏ, tạo không gian xanh để gia đình, bạn bè thoải mái ngồi uống trà, trò chuyện cùng nhau những lúc rảnh rỗi, chị Thúy tận dụng những món đồ bỏ đi của gia đình, hay trong những lần đi ngang bãi rác thấy vật dụng gì còn sử dụng được, chị đem về để tái chế thành món đồ trang trí thêm cho khu vườn.
Tiếc vì những kỷ niệm gắn với chiếc nôi có tuổi đời 50 năm được 3 thế hệ của gia đình sử dụng, chị đóng thành ghế ngồi trang trí bên trong sân vườn. Đó cũng là sản phẩm tái chế đầu tiên của chị Thúy, từ đó chị mê luôn công việc này.
Chị Thúy cho biết thấy rác nhựa khi bị thải ra môi trường không tự phân hủy, chị quyết định mang về trang trí cho khu vườn thêm sinh động.
Có lần chị mang chiếc bồn tắm hư bị vứt bên đường về nhà, dùng keo dán lại thả bèo, thả cá, biến thành hồ cá có một không hai.
Từ lần đó, những lần đi ngang các bãi rác thấy món đồ nào còn dùng được, chị Thúy đều mang về nhà để làm vật trang trí. Những vỏ chai không ai mua, bị vứt ngoài đường, sợ đội thu gom bị thương khi thu gom vỏ chai, chị Thúy lượm đem về làm hàng rào cây xanh. Hay những con heo đất, chiếc nồi bị bể được chị tận dùng trồng cây. Những chiếc vỏ xe cũ được tái chế thành xích đu cho các con chơi.
Sân nhà chị Thúy có diện tích 160m², có nhiều vật dụng tái chế như chiếc đàn cũ, bàn, tấm thớt, khúc gỗ, heo đất, bồn tắm, vỏ xe… Ngoài ra, chị còn tận dụng diện tích trống để trồng rau quả sạch cho gia đình sử dụng.
Nguồn: Tuổi Trẻ