Mua chiếc TV mới hàng chục triệu đồng là hợp lý nhưng vài chục nghìn mua chiếc khăn là sự lãng phí nếu một người biết phân loại hàng hóa theo các mức độ nhu cầu.
“Dù bỏ bao nhiêu tiền hay cân nhắc bao lâu đi chăng nữa, thứ to nhất người mua thường có được sau mỗi đợt giảm giá khuyến mại (sale) chính là nỗi thất vọng cùng cảm giác tội lỗi”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong nhận định.
Có nhiều nguyên nhân như chất lượng món đồ không như mong muốn hay xuất hiện các sản phẩm khác hấp dẫn hơn. Để “xoa dịu” bản thân, chúng ta lại tiếp tục mua sắm và cuối cùng rơi vào vòng lặp khuyến mãi – mua – hối hận.
Theo ông Phong, về cơ bản, sự hối hận sau bất kỳ hành động nào là vấn đề liên quan đến nhận thức chứ không phải cảm xúc. “Cảm giác hối hận sau khi mua sắm luôn lặp lại do chúng ta đã chọn sai đối tượng để giải quyết. Thay vì điều chỉnh nhận thức, chúng ta lại chỉ tập trung vào cảm xúc của mình”, chuyên gia phân tích.
Muốn kết thúc vòng lặp khuyến mãi – mua – hối hận, bạn nên dán nhãn cho mọi món hàng mới mua thành đồ thiết yếu, đồ phát triển và đồ xa xỉ.
Đồ thiết yếu là những thứ phải dùng. Nếu thiếu chúng, dù chỉ trong một ngày, cuộc sống sẽ bị đảo lộn.
Đồ phát triển là những thứ dùng ít nhất 3 – 5 ngày liên tục nhằm mục đích tăng trải nghiệm cá nhân và khám phá. Chúng khác với đồ thiết yếu ở chỗ đòi hòi thời gian làm quen, ứng dụng.
Đồ xa xỉ là những thứ rất ít dùng, chỉ được sử dụng khi bạn muốn tăng trải nghiệm, nếu thiếu cũng không gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
“Nếu dán nhãn như vậy, bạn sẽ rất ngạc nhiên khi một chiếc khăn mùa đông giá 79.000 đồng có thể được dán nhãn xa xỉ còn một chiếc tivi 65 inch lại trở thành đồ thiết yếu”, thạc sĩ Phong nói.
Nhờ phương pháp trên, bạn sẽ tự buộc bản thân sử dụng những món đồ mới và rút kinh nghiệm từ những quyết định mua sắm sai lầm. Thay vì tiếp tục rơi vào “bẫy sale”, bạn sẽ nhận ra nhu cầu thực sự của mình, phân biệt được những thứ hữu ích và không hữu ích, cuối cùng dần dần mua sắm có ý thức hơn.
Nguồn: VnExpress