Trang chủ Khám phá Làng muốn gọi ai thì… huýt sáo

Làng muốn gọi ai thì… huýt sáo

10
0
Chia sẻ

Tại Kongthong, Meghalaya (Ấn Độ), mỗi người đều có 2 cái tên. Một tên là danh xưng bình thường, nhưng chỉ được sử dụng trên các giấy tờ tùy thân và tên còn lại là… một đoạn nhạc. Nó được gọi là tên giai điệu. 

Nhà lá truyền thống của người Khasi làng Kongthong.
Nhà lá truyền thống của người Khasi làng Kongthong.

Văn hóa mẫu hệ

Kongthong là ngôi làng hẻo lánh giáp biên giới Bangladesh của Ấn Độ. Nó nổi tiếng sở hữu những “chiếc cầu sống” tuyệt đẹp, được kết bằng rễ của cây đa búp đỏ (Ficus elastica).

Trong các cánh rừng nhiệt đới, đa búp đỏ là loài thực vật quen thuộc. Chúng xòe tán rộng, có phần rễ trên không phát triển mạnh. Rễ đa búp đỏ dày, dai và lớn rất nhanh. Tại những nơi có dòng suối chảy qua, người làng Kongthong cố tình đan rễ của những cây đa búp đỏ đối diện nhau thành cầu.

Trải qua thời gian, chiếc cầu rễ cây tự nhiên ngày một trưởng thành, vững chắc. Trừ khi cây đa búp đỏ chết, còn không thì chiếc cầu sống mãi. Hiện tại, trong Kongthong có vài cây cầu rễ đa búp đỏ đã “già” đến 500 năm tuổi.

Cư dân của làng Kongthong là người Khasi. Đây là một trong các bộ lạc thiểu số ở bang Meghalaya. Họ nói tiếng Khaisi và có tổng dân số khoảng 1,4 triệu người. Người Khasi phân tách thành 7 nhóm nhỏ: Khynriam, Pnar, Bhoi, War, Maram, Lyngngam và Diko. Tuy nhiên, tất cả đều thuộc văn hóa mẫu hệ.

Trong gia đình Khasi, con gái út được quyền thừa kế tài sản và có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già. Sau khi mẹ mất, con gái út thay thế vị trí chủ gia tộc. Làng Kongthong có 130 hộ với khoảng 700 người. Gần như toàn bộ dân làng sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Nhà của họ là những túp lều đơn sơ, được be lợp bằng phên tre và tranh.


Khi cần gọi ai, người Khasi làng Kongthong huýt sáo tên giai điệu của người đó.

Tên dài 20 giây

Truyền thuyết của người Khasi làng Kongthong kể rằng, trong rừng rậm có linh hồn ác quỷ chuyên gây ốm yếu cho con người. Nó rình rập nghe trộm tên và nếu biết được, gọi lên thì sẽ khiến con người lăn ra đau bệnh.

Từ xưa, dân làng Kongthong cố tình đặt tên con cái bằng giai điệu. Chúng thường dài từ 15 – 20 giây khi gọi tên. Mỗi lần cần gọi ai, người làng Kongthong lại huýt sáo tên giai điệu của người đó.

Họ tin rằng cái tên dài ngoẵng và tiếng huýt sáo sẽ khiến ác quỷ khó phát hiện, nghe lỏm mất tên. Ngoài tên địa danh Kongthong, ngôi làng này còn được biết đến với biệt danh độc nhất vô nhị: Làng Huýt sáo (Whistling village).

Tuy bộ lạc Khasi có hàng triệu thành viên, nhưng tục đặt tên bằng giai điệu lại chỉ có ở 700 người Khasi làng Kongthong. Vào một buổi chiều tiết trời có vẻ ảm đạm, Shidiap Khongsti (50 tuổi) huýt sáo một giai điệu. Vài giây sau, Barailang Khongsti (23 tuổi) – cháu trai của bà đáp lại cũng bằng tiếng huýt sáo và chạy tới gần.

Trong túp lều, Shidiap thong thả rót một tách trà lal sha (trà đỏ địa phương). “Chúng tôi không nhớ truyền thống đặt tên bằng giai điệu này có từ bao giờ” – Barailang bắt đầu câu chuyện – “Từ khi mới lớn lên và mỗi lần vào rừng đi săn, tôi đều thấy cha anh mình gọi nhau bằng tiếng huýt sáo”.

Ở Kongthong, chỉ trong vòng một tuần sau khi sinh con, người mẹ phải sáng tạo ra làn điệu âm nhạc mới làm tên cho đứa trẻ của mình. Họ rất kỵ bị trùng với người khác, bao gồm cả những cư dân đã khuất. Cả 700 thành viên của Kongthong đều có tên giai điệu khác biệt, không ai bị lặp với ai.

“Tôi nhớ hết tên giai điệu của bọn trẻ trong làng” – Shithoh Khongsti (50 tuổi), chủ một cửa hàng tạp hóa lên tiếng – “Mỗi khi chúng chạy qua, tôi lại huýt sáo tên từng đứa. Tuy chưa nhớ hết tên giai điệu của tất cả mọi người trong làng, nhưng tôi vẫn thuộc lòng khoảng 500 người”.


Cầu rễ đa búp đỏ ở làng Kongthong.

Tự hào lưu truyền

Trong tiếng Khasi, truyền thống đặt tên bằng giai điệu được gọi là jingrwai iawbei, có nghĩa “bài hát được truyền từ người mẹ đầu tiên của gia tộc”. Người Khasi tin tổ mẫu của họ là bà Ka Iawbei.

Mặc dù không chắc cái tên này và jingrwai iawbei có liên quan gì với nhau không, Giáo sư lịch sử CA Mawlong (Đại học North-East Hill, Shillong) hồ nghi giữa cả 2 tồn tại sự “dây mơ rễ má”.

Ngày nay, mỗi cư dân Khasi làng Kongthong vẫn có 2 cái tên, 1 tên bình thường và 1 tên giai điệu. Trên tất cả các giấy tờ tùy thân, họ dùng tên thật (vì tên giai điệu quá dài). Ngoại trừ kiêng dè quỷ dữ, cư dân ở đây còn thích huýt sáo gọi tên nhau vì nó du dương, chất chứa nhiều tình cảm.

Thiếu nữ làng Kongthong khi lấy chồng xa sẽ mang theo truyền thống đặt tên giai điệu, cố gắng phát huy và giữ gìn. Người bên ngoài đến làng sinh sống hoặc làm dâu, rể thì được đặt tên giai điệu mới.

“Nếu sau này, người tôi kết hôn là con gái làng khác và cô ấy muốn sống ở Kongthong” – Barailang đỏ mặt giả sử – “Mẹ hoặc các dì ruột của tôi sẽ đặt cho cô ấy một cái tên giai điệu để gọi”.

Đặc biệt, người Khasi làng Kongthong còn có 2 tên giai điệu khác nhau: Dài (tên đầy đủ) và ngắn (tên thân mật). Khi ở trong làng, họ thường gọi nhau bằng tên ngắn cho tiện, còn khi giữa rừng thì sử dụng tên dài.

Những năm gần đây, nhiều thanh niên Kongthong đã rời làng ra thành phố lập nghiệp. Song dù ở đâu, họ vẫn thân ái gọi nhau bằng cách huýt sáo. “Chúng tôi tự hào về tên giai điệu của mình” – Barailang cho biết – “Chúng tôi muốn giữ gìn truyền thống đặt tên này, để nó sống mãi”.

Tại Meghalaya, Kongthong là một trong những điểm nóng du lịch. Sự nên thơ của những cây cầu rễ đa búp đỏ cùng không khí thiên nhiên trong lành thu hút du khách các nơi ghé thăm.

Kongthong có một số lều được dựng riêng với mục đích phục vụ khách du lịch. Họ luôn vui vẻ và sẵn lòng giới thiệu văn hóa tên gọi độc đáo của mình cho bất cứ ai quan tâm.

Nguồn: Giáo dục và Thời đại