Hình ảnh này là một phần món lẩu cá linh mà người viết được thưởng thức ở làng nổi Tân Lập, trung tâm Đồng Tháp Mười, vào giữa mùa nước nổi (từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm).
Được đãi món ăn lừng danh nhất nhì miền Tây đúng vào cao điểm nước nổi, lại ở “lãnh địa” của đặc sản sông nước, có thể coi là hữu duyên.
Người nấu bếp quen tay, làm rất nhanh. Những con cá linh tươi mởn kích cỡ đều tăm tắp như sinh tư sinh tám. Đuôi cá được cúp nhẹ ở chót để vẫn giữ lại phần vây gân giòn. Mũi dao nhỏ lướt một đường dọc thân cá gần phía bụng để lấy hết ruột ra ngoài. Vậy là chỉ cần rửa qua một lượt nước nữa là cho bầy cá lên nằm trên dĩa chờ vô nồi.
Kế bên là rổ bông điên điển vàng ươm vừa mới hái từ ngoài đồng nước về. Còn nhiều loại rau như cải trời, nhút, lá súng, cùng gia vị đồng hành để làm nên món lẩu. Nhưng nhắc đến lẩu cá linh, người ta nghĩ ngay đến bông điên điển, nhất định không thể thiếu.
Ai đã đem bông điên điển vào với cá linh. Ăn rau khác với cá linh được không. Cá linh mà không kèm bông điên điển thì ra làm sao. Một sự mặc định chẳng ai phủ nhận. Vị ngọt béo của cá linh phải đi cùng vị thơm mềm của điên điển.
Đó là sự hòa hợp của hương vị thiên nhiên. Khi đàn cá linh theo con nước sông Mê kông tràn về đồng bằng, thì trên cánh đồng lúp xúp, hàng cây điên điển trổ bông rực rỡ. Cá lưới lên, bông hái xuống. Người bơi xuồng trên mặt nước giữa hai loại nguyên liệu, gom vô trong tầm tay.
Một người làm du lịch ở địa phương góp mặt trong bữa ăn, kể câu chuyện bắc nồi cá linh ngay trên xuồng, dong dọc theo hàng điên điển rồi tuốt bông xuống thẳng nồi. Hòa trong vị lẩu cá linh, có mùi con nước lớn đượm phù sa, có hương gió đồng thổi qua man mác.
Vậy đó, cá linh không chỉ là món ăn truyền lại từ thời cha ông đi mở đất phương Nam. Cá linh giờ đây được chế biến thành nhiều món ngon, từ miệt thứ lên thị thành. Mà trong đó, lẩu cá linh nổi danh, được nhiều người ưa chuộng, hợp khẩu vị ẩm thực của số đông.
Cá linh non đầu mùa ngon nhất, giá bán cao hơn. Nhưng đã là “nhất phẩm” được thiên nhiên ban tặng cho đồng bằng sông Cửu Long, thì cả mùa cá linh đều từ ngon đến rất ngon.
Những con cá trời cho này giờ thành thương phẩm, được “rộng” trong thùng sục ô xy để chuyển từ nơi đánh bắt lên phố, ra chợ, về nhà. Bữa lẩu cá linh bông điên điển trên bàn ăn gia đình, như sự nối dài sản vật này từ không gian nơi nó sinh ra, lan đi mãi.
Nguồn: VietNam Travel Life