Bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La như cô gái e ấp trong sắc trắng hoa của sơn tra, màu tím của hoa đỗ quyên.
Bản Nậm Nghiệp nằm ở độ cao trên 2.000m, có diện tích lớn cây phong, sơn tra, đỗ quyên… có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Trên đường leo đỉnh Tà Chì Nhù, du khách đừng quên dành thời gian khám phá bản làng bình yên này.
Giữa tháng 3, anh Nguyễn Trọng Cung, sinh năm 1992, cùng 11 người bạn khác đặt chân đến Nậm Nghiệp. Khi đến nơi, cả nhóm như vỡ òa trước rừng sơn tra trắng muốt, che khuất cả bản làng bên dưới.
Nhóm anh Cung mất khoảng bảy tiếng từ Hà Nội lên xã Ngọc Chiến bằng xe 16 chỗ. Nhóm chọn phương tiện xe máy để tiếp tục hành trình từ trung tâm xã Ngọc Chiến lên bản Nậm Nghiệp hơn 10km. Chi phí thuê xe máy tầm 250.000 đồng/ngày.
Trong chuyến hành trình leo núi Tà Chì Nhù, cả nhóm dừng chân tại Nậm Nghiệp, một trong những nơi đẹp và yên bình nhất của người H’mông.
“Hoa sơn tra hay còn gọi là táo mèo trắng muốt trong trẻo trong ánh nắng, vẻ đẹp không hề thua kém hoa mận ở Mộc Châu”, anh Cung nói.
Anh Cung nhận xét, đường từ Ngọc Chiến lên Nậm Nghiệp khá khó đi, gần như là đường địa hình dốc thoải đất đỏ, khi trời mưa đường khá trơn trượt và nguy hiểm cho người đi đường vì có thể gặp đất đá sạt lở hai bên. Xe máy là phương tiện tối ưu, nếu không thì phải sử dụng xe bán tải có gầm cao.
Đường đi có nhiều khúc cua gắt, hơn năm năm trước, cung đường này là ác mộng với không ít người. Chỉ có người dân là di chuyển dễ dàng, còn người miền xuôi lên đây phải di chuyển chậm, cẩn thận nhìn khúc cua phía trước xem có người đi ngược chiều hay không.
Nhìn đám trẻ con H’mông đang chơi kéo co trong bản làm cho cả nhóm nhớ về tuổi thơ của mình. “Nậm Nghiệp yên bình quá”, một thành viên khác trong nhóm anh Cung reo lên. Cả nhóm ai nấy thích thú ghi lại hình ảnh chơi đùa của các em.
Hai anh em tầm 6-7 tuổi đang trò chuyện dưới gốc sơn tra. Bắt gặp hai anh em, nhóm anh Cung đã xin nghỉ lại tại nhà hai em, chỉ trả tiền cho hai bữa ăn và chỗ ngủ, nếu muốn thưởng thức thịt lợn cắp nách, bạn có thể nhờ chủ nhà mổ lợn.
Giữa tháng 3, hoa sơn tra vẫn còn nhưng số khác đã tàn và bắt đầu ra lá non. Khoảng tháng 6, tháng 7 người dân địa phương sẽ bắt đầu thu hoạch quả để ngâm rượu thuốc.
Hoa sơn tra nở theo chùm như hoa mận, có nhụy vàng. Loài cây này chịu được sương gió, thân cây to, sống lâu sẽ trở thành cây cổ thụ được ví như sức sống của bản làng.
Ngày thứ hai, cả nhóm thức dậy từ 4:00 sáng, tập kết tại điểm leo Tà Chì Nhù cách bản Nậm Nghiệm 7km. Đường ghập ghềnh khó đi. Cả nhóm để lại xe máy ở bìa rừng, theo chân nhóm khuân vác men theo con đường mòn lên núi. Một porter (người dẫn đường) hướng dẫn sau người leo. Chi phí thuê porter từ 400.000-500.000 đồng/người.
Càng tiến về phía trước, đỉnh Tà Chì Nhù càng hiện ra rõ hơn trong làn sương mỏng đầy nguyên sơ với suối và hoa rừng. Từ chân dốc lên đỉnh núi 2979m này mất tầm năm tiếng. Trên đỉnh, gió khá lớn nhưng bù lại là một quang cảnh ngoạn mục thu vào tầm mắt.
Bạn có thể chọn đường khác là từ bản Nậm Nghiệp đi xuyên qua rừng chè và đỗ quyên cổ thụ. Rừng Tà Chì Nhù có nhiều cây phong, anh thảo, long đởm… chứ không chỉ có đỗ quyên.
Nhóm có mặt trên đỉnh lúc 11:00 giờ và tầm 14:30 giờ chiều là xuống đến bản Nậm Nghiệp. Ở đây hiện tại chưa có chỗ lưu trú cho đông người. Du khách thường tự tìm vị trí tổ chức cắm trại.
Cánh rừng sơn tra nhìn từ đỉnh núi xuống là những mảng màu xen kẽ. Hành trình kết thúc trong điệu nhạc du dương của người H’mông vang vọng giữa núi đồi. Cả nhóm ai nấy đều luyến tiếc khi chia tay những người dân bản thân thiện, hiếu khách.
Tổng chi phí chuyến đi khoảng 1,7 triệu đồng cho một người, gồm hai bữa ăn tại nhà người địa phương, ngoài ra bạn có thể chuẩn bị thức ăn riêng.
Để đến xã Ngọc Chiến, bạn có thể di chuyển theo cách thứ nhất từ Hà Nội đến Sơn La, sau đó theo hướng đường 106, huyện Mường La đến xã Ngọc Chiến một đoạn tầm 25km. Cách thứ hai, vẫn từ Hà Nội, bạn đi hướng Mù Cang Chải, Yên Bái đến chân đèo Khau Phạ có biển chỉ dẫn đến Nậm Khắt một đoạn 11km, sau đó rẽ hướng Mường La để đến xã Ngọc Chiến.Có nhiều homestay cho du khách qua đêm ở xã Ngọc Chiến. Du khách có thể trải nghiệm văn hóa dân tộc đa dạng cùng người bản địa H’Mông, Thái… với chi phí từ 100.000 đồng/đêm. Trong đó, dịch vụ tắm suối nước nóng rất phổ biến cho cả bể đơn và bể tắm tập thể, chi phí dưới 100.000 đồng/người.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị