Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài khoảng 9 giây nhưng nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người. Trong clip, cô gái trẻ bổ quả mít ra ăn ngay như dưa hấu khiến ai cũng bất ngờ và tỏ ra thích thú. Ở phần bình luận, nhiều người tò mò về quả mít lạ lẫm này.
Những người từng thưởng thức giống mít này cho biết nó có vỏ màu xanh, tỏa mùi thơm nhẹ, khi xẻ ra sẽ không có hạt, không có mủ, vị ngọt thanh, hơi giống vị sữa chua. (Ảnh: danviet)
Loại mít không mủ, không hạt, không xơ, bổ ra có thể ăn ngay như dưa hấu đang “gây bão” cộng đồng mạng. Thực tế, đây không phải là mít “đột biến” mà là loại mít không hạt Ba Láng. Trong khi các quả mít bình thường có nhiều mủ, muốn ăn cũng phải tách xơ, bỏ hạt, thì loại mít này đặc biệt hơn, chỉ cần bổ ra từng miếng nhỏ và cắn ăn ngay.
Giống mít này được lai tạo bởi nông dân Trần Minh Mẫn, tại phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ. Người dân nơi đây cho biết giá của loại mít này từ 50.000-70.000 đồng/kg, một trái mít có thể nặng lên đến 20kg, như vậy một trái mít không hạt có giá khoảng 1 triệu đồng.
Nông dân Trần Minh Mẫn, người lai tạo ra giống mít đặc biệt này.
Ông Mẫn cho biết hiện nay vườn của ông không đủ số lượng để cung ứng ra thị trường, kể cả mít giới thiệu cho khách đến tham quan vườn nhà cũng không đủ.
Ngoài cung cấp mít thành phẩm, ông Mẫn cũng tập trung cấy ghép cây giống để nhân rộng giống mít quý. Ban đầu chỉ ở khu vực Ba Láng nhưng hiện cây giống xuất bán khắp các tỉnh thành trong cả nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Ông từng chia sẻ mỗi năm ông cung cấp 40.000 cây, mỗi cây 35.000 đồng, thu nhập 1,4 tỷ.
Điểm đặc biệt ở giống mít này là khi xẻ trái sẽ không có mủ; múi và xơ (có thể ăn cả xơ) có màu vàng, cơm dày, vị ngọt thanh…(Ảnh: vietnamnet)
Ông Mẫn kể, vào năm 2007, do 1 ha vườn sầu riêng của gia đình thoái hóa nên ông quyết định đi tìm giống cây mới để thay thế. Và trong một lần dự hội thảo tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ông được giới thiệu về giống mít lạ có nguồn gốc từ Myanmar. Thấy giống mít hiếm và chỉ còn 1 cây nên ông xin người bạn cho chiết nhánh đem về quê trồng.
Khi cây lớn cho rất nhiều trái, trái to nhất hơn 20kg. Bên trong quả mít rất khác so với giống mít bình thường, vì thế ông đã đem nó đi giới thiệu khắp nơi và đặt cho nó cái tên mít không hạt Ba Láng (tên địa danh, nơi ông Mẫn trồng loại mít này). Những năm qua, cây mít giống lạ này được biết đến nhiều hơn và được bán ở rất nhiều nơi, từ các nông trại cây giống đến chợ mạng và các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, số lượng đặt hàng mua mít trái và cây giống của ông ngày càng tăng, khách tìm đến nhà ông không chỉ ở các vùng miền trong cả nước mà có cả người nước ngoài.
Theo ông Mẫn, giống mít không hạt khá dễ trồng, nhưng để đạt được năng suất cao cần phải được trồng vùng đất cao, đồi núi, còn ở đồng bằng sông Cửu Long thì phải trồng trên mô cao.
Ông Trần Minh Mẫn được bình chọn là 1 trong 24 gương mặt nông dân tiêu biểu trong 30 năm đổi mới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và 5 năm chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”.
“Tuổi tôi đã cao, không gì hơn ngoài việc đưa sản phẩm của quê hương đi xa, được người dân nhiều nơi tiếp nhận, thay thế cây mít truyền thống cho lợi nhuận thấp, từ đó thay đổi cuộc sống như tôi” – ông Mẫn chia sẻ.
Nguồn: Pháp luật Việt Nam