Bán hàng online không chỉ là một xu hướng của thời đại mà còn là “chiếc phao cứu sinh” của không ít người bị cắt giảm thu nhập, bất ngờ lâm vào cảnh thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong những ngày sống chung với dịch COVID-19, ngoài chuyện khẩu trang, cách ly xã hội,… thì “bán hàng online” cũng là một cụm từ được người ta nhắc tới nhiều nhất. Công việc này đã trở thành “chiếc phao cứu sinh” của không ít người bị cắt giảm thu nhập, bị thất nghiệp, nghỉ không lương…
Những “doanh nhân online” bất đắc dĩ và khó khăn bước đầu
Chị Lâm Thị Hồng – Hiệu trưởng của một trường mầm non tư thục đóng tại Cầu Giấy – mấy tháng nay đã phải chuyển sang bán hàng online khi học sinh nghỉ học, trường đóng cửa, không có doanh thu trong khi vẫn phải lo chi phí thuê mặt bằng hàng tháng.
“Biết làm gì ngoài bán hàng online bây giờ vì đó là nghề bắt đầu dễ nhất, nó giúp tôi có thêm một khoản thu nhập để trang trải qua thời gian này, chị chia sẻ. Nhờ quen biết những đầu mối cung cấp thực phẩm chất lượng cho nhà trường nên chị Hồng tận dụng luôn nguồn để bán đồ ăn, rau củ thường ngày trên facebook cá nhân. Tuy nhiên, các khách hàng của chị Hồng chủ yếu cũng chỉ là phụ huynh học sinh và họ cũng không thể mua đi mua lại mãi một vài món ăn nên sự nghiệp buôn bán tay ngang của cô hiệu trưởng lại thêm một cửa ải khó khăn hơn.
Chị Nguyễn Hương Giang (36 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân) cũng gặp một khó khăn khác khi bán hàng online. Công ty cho nghỉ việc không lương, áp lực tiền sinh hoạt hàng ngày và tiền tiền lãi nợ mua nhà hàng tháng, chị nghĩ ra cách tận dụng vốn tự có là khả năng nấu nướng để bán đồ ăn sáng phục vụ cư dân trong chính chung cư mình đang ở.
Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng mới bắt tay được 1 tuần chị Giang đã cảm thấy khá oải. “Làm đồ ăn sáng nên cứ phải thức khuya dậy sớm, chưa kể còn phải tự mình đi ship hàng tới tận phòng khách vì ở trong chung cư mà làm sao mà thuê ship bên ngoài, nấu ăn rã tay rồi đi ship rã chân thực sự mệt toàn thân luôn”, chị Giang méo mặt tâm sự.
Bán hàng online tưởng chừng như đơn giản khi không phải bỏ tiền thuê mặt bằng, không cần quá nhiều vốn và ai cũng có trong tay nguồn khách từ mạng xã hội. Nhưng có thực sự bắt tay vào lĩnh vực đầy tính cạnh tranh này mới thấy rõ những khó khăn mà không phải cứ có thời gian, có chút vốn là có thể thành công.
Nói như thế không có nghĩa là những người phát triển từ mô hình kinh doanh online khó có thể “ngóc đầu lên được” hay chỉ được xem là “phường buôn thúng bán mẹt” như nhiều người nghĩ. Trong thực tế đã có rất nhiều người quyết chí làm giàu từ công việc bán hàng online.
Phó giám đốc khởi nghiệp từ sạp hàng xén: Bán hàng online cũng là một nghề, cần học hỏi và đổi mới
Chị Đỗ Thị Vân, 31 tuổi, hiện đang giữ chức phó giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất lắp ráp xe tải có tiếng tại Hà Nội, thế nhưng ít ai biết chị khởi nghiệp từ nghề bán hàng online. Đến giờ chị vẫn làm song song cả 2 việc.
Chi bắt đầu bán online từ những món hàng là túi xách, giày dép mua đi bán lại rồi rao trên trang facebook cá nhân của mình. Nhờ sự chăm chỉ, tận dụng thời gian mọi lúc mọi nơi để làm việc mà sau 3 tháng chị đã dành dụm được 80 triệu đồng. Dù buôn bán thêm ngoài giờ hành chính nhưng chị Vân vẫn làm tốt công việc tại công ty và được cất nhắc lên vị trí phó giám đốc kinh doanh.
Chị thừa nhận, thành công của chị đến từ sự chịu khó học hỏi, chịu khó tích lũy và chịu khó tận dụng thời gian. Đó cũng là những tố chất mà chị Vân nghĩ rằng một người muốn bắt đầu bằng nghề buôn bán qua mạng cần có: “Tôi đi lên bằng sự kiên trì và học hỏi dần mỗi ngày. Thực sự, bán hàng kinh doanh cũng là một nghề, cần học hỏi và đổi mới theo xu hướng. Tôi có thói quen theo dõi một vài người bán hàng mà tôi ngưỡng mộ, buổi tối tôi thường dành ra một tiếng để vào facebook họ tìm hiểu xem họ viết bài bán hàng thế nào, trả lời khách ra sao và quảng cáo cho sản phẩm như thế nào để học hỏi và áp dụng cho bản thân. Sự tử tế và cái tâm cũng là yếu tố giúp tôi tạo dựng thương hiệu cá nhân cho mình”.
Nữ phiên dịch viên kiêm “đồng nát”: Tiền quan trọng nhưng uy tín và thương hiệu còn quan trọng hơn
Cách đây 6 năm, sau khi du học trở về nước, chị Phí Thu Huyền (sinh năm 1987) làm phiên dịch cho một cơ quan nước ngoài, sau đó từng đảm nhận vị trí phiên dịch tại Bộ Ngoại giao và hiện đang công tác tại đại sứ quán Campuchia tại Hà Nội. Mặc dù vậy, chi Thu Huyền vẫn “ham” lấn sân sang việc bán hàng qua mạng vì nghĩ “bạn bè bán được sao mình không bán được”.
Từng bị bạn bè trêu đùa là “con đồng nát” vì thượng vàng hạ cám cái gì cũng bán, nhưng chị Huyền chỉ cười trừ cho rằng dù là bán hàng qua mạng thì vẫn phải học mọi kỹ năng, không phải tự dưng mà có người thành công với nghề kinh doanh online.
Nhờ việc xác định bán hàng online cũng là nghề, đều cần phải học hỏi và phát triển thì từ những ngày đầu chỉ có 1-2 đơn/ngày, chị Huyền dần trở thành một trong những đầu mối bán hải sản đắt khách nhất nhì Hà Nội. “Tôi đọc khá nhiều tài liệu về loại hình kinh doanh online và dần thực hiện từng bước một, mọi thứ tôi đều làm chu đáo. Nhờ vạch ra một lộ trình rõ ràng mà tôi bắt đầu có khách vãng lai, họ ăn ngon rồi giới thiệu bạn bè, cứ thế ngày một đông khách hơn, chị chia sẻ.
Kết quả sau 6 năm bán hàng, chị Huyền có một lượng khách “khủng”, thu nhập nghề tay trái được chị tiết lộ gấp mấy lần công việc chính, tự mua được những thứ mình thích và chăm lo đầy đủ cho 3 con.
Bí quyết thành công chị rút ra 2 yếu tố chính, đó là chất lượng nguồn hàng và cách chăm sóc khách hàng. “Những mặt hàng trước khi giới thiệu tới khách thì chính bản thân mình và người thân mình đều thử trước để đánh giá rồi mới dám mang đi bán. Sau khi bán được hàng cho khách, mình cố gắng hỏi han cảm nhận của khách hàng , lắng nghe mọi thắc mắc, phàn nàn và cố gắng bù hoàn cho khách đầy đủ trong trường hợp hàng hóa gặp rủi ro. Tiền quan trọng nhưng uy tín và thương hiệu của mình còn quan trọng hơn”, chị chia sẻ.
Nữ nhân viên bất động sản thất nghiệp khởi sắc từ bán đồ homemade
Công ty cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Nguyễn Thanh Loan “bỗng dưng” thất nghiệp. Nguồn thu nhập hàng tháng không còn, buộc chị Loan phải nghĩ ra cách kinh doanh tại nhà bằng vốn tự có.
Nắm bắt nhu cầu ăn uống, mua thực phẩm lên cao trong những ngày cách ly xã hội, chị Nguyễn Thanh Loan quyết định bán hàng ăn homemade như nộm chân gà, bò khô, nem chua rán… và nhận order theo số lượng khách đặt. Bằng cách này, chị có thể hạn chế được rủi ro tồn vốn, tồn hàng, “tiền tươi thóc thật, doanh thu đếm được theo ngày.
Thời gian đầu, số lượng đơn đặt hàng của chị chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu khách hàng ủng hộ là hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng nhờ tài nghệ nấu nướng, cùng với việc lắng nghe góp ý từ khách hàng, tích cực nhờ bạn bè quảng cáo mà chị đã điều chỉnh các công thức nấu ăn hoàn thiện hơn, phù hợp với số đông. Mặc dù, chỉ mới bắt đầu công việc từ khi nghỉ dịch nhưng sau hơn 2 tháng số đơn hàng của chị đã tăng từ 5-6 đơn/ngày lên tới 20-30 đơn mỗi ngày, mang đến mức thu nhập khấm khá không thua gì thời điểm đi làm hành chính.
“Bán hàng ăn cần sự chịu khó 1 thì bán hàng ăn online thì cần đến 10. Thời gian đầu tôi khá mệt mỏi khi không bán được nhiều nhưng tôi chịu khó nhờ khách phản hồi, feedback trên trang cá nhân để quảng cáo thêm thì đồ tôi làm cũng được mọi người tin tưởng và yêu thích nhiều hơn”, chị Loan cho hay.
Dù chưa từng có kinh nghiệm buôn bán nhưng nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu, nhanh nhẹn nắm bắt xu hướng mà chị Loan đã phần nào đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp bán hàng bất đắc dĩ do công ty cắt giảm nhân sự.
Đối với chị Đỗ Vân, chị Thu Huyền hay chị Thanh Loan, bán hàng online chỉ là một công việc “tay ngang” để tăng thêm nguồn thu bên ngoài cho gia đình nhưng họ đều xem đây là công việc có sự đầu tư rất nghiêm túc về thời gian cũng như kiến thức. Sự chịu khó học hỏi những người xung quanh, lấy chữ tín làm đầu thay vì đặt lợi ích lợi nhuận lên trên là những bí quyết giúp những “tri thức online” đi được một hành trình dài bền bỉ, khi mà cơn bão “bán hàng online” đang sốt lên từng ngày.
Nguồn: Thời đại Plus