Du khách đến Cần Giờ ngoài tham quan Rừng Sác, đến đảo Khỉ, còn có dịp tìm hiểu cuộc sống bình dị của người dân nơi đây.
Khi trời vừa hửng sáng, anh Nguyễn Văn Nghĩa, nhà ở ấp Cộng Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM, tranh thủ ra biển để cào hến. Anh dựng chiếc xe máy rồi băng qua bãi biển đầy xác nghêu.
Điểm đến của anh là khu vực bãi biển gần một resort, vào thời khắc bãi cát nguyên sơ chưa in dấu chân người. Trước khi cào, anh vốc thử một nắm bùn để xem lượng hến tập trung nhiều hay ít.
Sau vài động tác khuấy tay xuống lớp bùn lẫn cát ngập dưới làn nước biển, anh đã có câu trả lời.
Anh nói người có kinh nghiệm, chỉ cần di chân xuống bùn đã cảm nhận được có hến ở bên dưới hay không. Ngay sau đó, anh ngồi hụp hẳn xuống nước, hai tay cầm cào, lắc, xoay để xúc lên đám hến nằm xếp lớp ẩn dưới mặt bùn.
Ngay mẻ xúc đầu tiên, lưới của người đàn ông này đã nặng trĩu hến. Giữa vô số hến nhỏ kích cỡ bằng đầu ngón tay, lẫn vào những con nghêu lớn.
Anh Nghĩa tu một hơi nước lấy sức làm việc tiếp. Chỉ chừng gần nửa giờ, số hến anh cào đã được vài chục ký.
Dụng cụ cào hến được tận dụng từ dụng cụ cào nghêu, nhưng thay bằng lưới có mắt nhỏ hơn. Bộ cào gồm khung sắt chữ nhật cắt hình răng cưa một bên, cuộn lưới, có giá thành trên dưới 200.000 đồng.
Anh Nghĩa có thêm bạn cùng cào tên Bình. Anh Bình quờ tay trúng phải vỏ chai khách du lịch thiếu ý thức ném xuống biển.
Cũng chỉ trong thời gian ngắn, anh Bình đã thu hoạch được lượng hến không kém anh Nghĩa.
Hến ở biển Cần Giờ sinh sôi nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Cứ sau một thời gian ngắn, bãi biển ở đây lại đầy những đám hến, nhiều người như anh Nghĩa đến “dọn” bớt.
Nắng lên, khách du lịch lục tục kéo ra bãi tắm, xem người địa phương cào hến.
Anh Nghĩa kéo những mẻ cào cuối cùng và kết thúc buổi làm với khoảng 100 kg hến.
Anh cho biết, trước đây hến cào được về dành để cho heo, vịt ăn, ít khi bán thương phẩm. “Giá bán hến rẻ lắm, không cao bằng giá nghêu, hến lại nhanh chết, hư ngay trong ngày nên không ai đem lên Sài Gòn bán”, anh nói. Tuy vậy, hiện nay hến đã được giá, có khi trúng mùa, người dân đi cào bán được tiền triệu mỗi ngày.
Nguồn: VnExpress