Trang chủ Tiêu dùng Mở công ty cho thuê quần áo triệu USD từ lời than...

Mở công ty cho thuê quần áo triệu USD từ lời than ‘không có gì để mặc’

15
0
Chia sẻ

Từ lời than kinh điển “không có gì để mặc” của chị em phụ nữ, đôi vợ chồng Singapore quyết định nghỉ công việc ngân hàng, mở công ty cho thuê quần áo.

“Thành thật mà nói, chúng tôi không biết mình ngu ngốc hay dũng cảm”, vợ chồng Chris Halim và Raena Lim kể lại quyết định nghỉ việc để dùng 40.000 USD khởi nghiệp với ứng dụng cho thuê quần áo Style Theory.

Ngày nay, nó là nền tảng cho thuê thời trang nổi tiếng ở Singapore, cho phép người dùng thuê đồ không giới hạn với mức phí cố định hàng tháng. Công ty hiện do SoftBank hậu thuẫn, có hơn 200.000 thuê bao ở Singapore và Indonesia, cung cấp khoảng 50.000 quần áo và hơn 2.000 chiếc túi.

Ý tưởng đến với họ vào năm 2006 – khi Raena Lim còn làm việc tại Goldman Sachs – thảo luận cùng chồng về câu hỏi hóc búa của các chị em là không có gì để mặc. Khoảnh khắc then chốt nảy ra khi Chris hỏi vợ rằng “Tại sao em có quá nhiều quần áo mà luôn phàn nàn rằng không có gì để mặc?”.

Là một người xuất thân từ ngành tài chính, quen với việc áp dụng logic và toán học nhưng Lim chợt cảm thấy tuyệt vời với vấn đề phi logic ấy. Cô từng có những năm đầu sự nghiệp làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Kenya, và rất muốn sở hữu một dự án tốt đẹp cho riêng mình. Khi nghĩ đến tác động của ngành thời trang với môi trường, cô nhận ra cơ hội đã đến.

Vợ chồng Raena Lim và Chris Halim. Ảnh: Style Theory
Vợ chồng Raena Lim và Chris Halim. Ảnh: Style Theory

Sản xuất dệt may là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, tạo ra lượng khí thải toàn cầu tương đương 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn tất cả chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại. Tiền đề này đã giúp một loạt nền tảng cho thuê quần áo xuất hiện để giúp tiết kiệm nhu cầu tiêu thụ quần áo mới.

Được tiên phong vào năm 2009 bởi nền tảng Rent The Runway của Mỹ, ngành cho thuê thời trang đã nở rộ trong thập kỷ qua, truyền cảm hứng cho các tên tuổi khác như My Wardrobe HQ (Anh) và GlamCorner (Australia). Tuy nhiên, những thách thức về hậu cần của Đông Nam Á đã khiến ngành này chưa phát triển.

Vì vậy, vợ chồng Lim đã thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau cho đến khi chọn cách tiếp cận là chuyển từ việc sở hữu tất cả sản phẩm sang mô hình ký gửi vào năm 2019. Theo đó, Style Theory sẽ nhận giữ đồ cho các nhà thiết kế và cá nhân, trả tiền cho họ mỗi khi món đồ đó được thuê. Với thuê bao của ứng dụng, họ thu phí 95 USD mỗi tháng trọn gói cho công quản lý, giao đồ và làm sạch sản phẩm.

Chiến lược của họ đã thu hút SoftBank, Alpha JWC Ventures và công ty bất động sản Paradise Group (Indonesia), đầu tư tổng cộng khoảng 30 triệu USD vào công ty. “Họ giải quyết được nhu cầu người dùng, đặc biệt nữ giới. Nhưng họ cũng mang lại giải pháp để các nhà cung cấp hoặc nhà thiết kế có thể tiếp cận thị trường mục tiêu một cách trực tiếp hơn”, Jefrey Joe, Đại diện Alpha JWC Ventures, nói.

Ngành công nghiệp cho thuê quần áo trực tuyến được định giá 1,2 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2019. Đến năm 2027, con số đó dự kiến tăng hơn gấp đôi lên 2,8 tỷ USD. Phần lớn sự tăng trưởng đó có thể được dẫn dắt bởi châu Á – Thái Bình Dương, nơi thị trường này còn tương đối non trẻ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Research Nester, khu vực này được dự báo chiếm gần một phần tư (22,14%) tổng thị trường trong vòng sáu năm.

“Quy mô thị trường của phân khúc này vẫn còn nhỏ nhưng chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng cao. Thị trường này đủ lớn để tạo ra ít nhất một ‘kỳ lân’ (công ty khởi nghiệp giá trị từ một tỷ USD) từ Đông Nam Á”, Jefrey Joe dự báo.

Vợ chồng Lim tận dụng cơ hội đó bằng cách điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng ở châu Á. Ví dụ như quản lý quần áo cho phù hợp với văn hóa và khí hậu địa phương, cung cấp dịch vụ tư vấn phong cách tại các địa điểm ngoại tuyến.

Tuy nhiên, triển vọng của ngành thời trang không phải là không có thách thức. Đại dịch xuất hiện từ năm 2020 đã giáng một đòn mạnh vào các nhà bán lẻ. Cùng với đó, các hoạt động giao lưu xã hội bị hủy bỏ và do việc giữ vệ sinh được ưu tiên, nên hoạt động cho thuê quần áo bị ảnh hưởng nặng nề.

“Đại dịch có lẽ là thời gian thử thách nhất đối với chúng tôi”, Halim nói hoạt động kinh doanh cho đến nay mới chỉ phục hồi được 75% so với trước dịch. Tuy nhiên, anh cũng cho biết có nhiều cơ hội khác. Thú vị nhất là mảng bán lại quần áo qua sử dụng. “Chúng tôi đã chính thức ra mắt nền tảng này vào năm ngoái và có thể phát triển lên 10 lần trong vòng 12 tháng”, anh nói.

Vợ chồng sáng lập tất nhiên vẫn tự tin mảng cho thuê thời trang. Trong 5 năm hoạt động, Style Theory đã có 2,3 triệu lượt thuê và tiết kiệm hơn 600.000 món đồ khỏi việc bị vứt bỏ quá sớm. Giờ đây, họ nhắm mục tiêu đến các thị trường mới, bổ sung thêm các dòng quần áo dành cho nam và trẻ em, cũng như mở rộng sang Hong Kong vào cuối năm nay.

Dù thách thức thế nào, vợ chồng Lim nói rằng chìa khóa của họ là hiểu nhau. “Về cơ bản, công việc kinh doanh là một đứa trẻ đối với chúng tôi. Sự tin tưởng hoàn toàn, sự đồng thuận 100%, thực sự rất hữu ích và cực kỳ quan trọng khi bạn cùng nhau đưa ra các quyết định quan trọng”, Lim nói.

Nguồn: VnExpress