Trang chủ Sống Nếu ít tiền thì sống ‘xanh’ thế nào?

Nếu ít tiền thì sống ‘xanh’ thế nào?

25
0
Chia sẻ

Sống “xanh” đã là một trào lưu lớn của năm 2019. Sang năm 2020, chắc chắn càng xanh hơn.

Nếu để ý, ta thấy mỗi năm đều có một màu chủ đạo. Các nhà sản xuất vốn đầy hiềm khích bỗng như đồng loạt nhất trí với nhau, cùng chọn một màu để “lèo lái” người mua. Chẳng phải đợi ngày 1-1 mỗi năm, một mẩu thông điệp phất phơ trên trời rơi xuống chỉ định “năm nay màu gì”. 

Công việc tìm ra “màu của năm” đã được các nhà sản xuất thực hiện bài bản và cẩn trọng, dựa trên tâm tư xã hội, tình trạng công nghệ, sự yêu thích của người mua… mà đoán ra màu của năm sau.

Năm nay, 2020, người ta đã chọn màu chủ là “xanh”. Có nơi từng đoán sẽ là xanh bạc hà – màu của chủ nghĩa vị lai, trong tinh thần ai cũng muốn đuổi kịp công nghệ đang tiến như tên lửa. Có nơi lại đoán là xanh lá pha xanh lơ của nước, khiến người ta vừa muốn bơi vừa muốn ăn rau…, tóm lại là về với thiên nhiên.

Và cuối cùng, Pantone – chuyên gia màu sắc của thế giới – chọn màu xanh cổ điển (classic blue) – màu của đại dương sâu thẳm, của tĩnh lặng, tự tin và kết nối gia đình – làm màu chủ đạo của năm.

Nói thế để thấy quả là không có gì tưởng bế tắc như các phong trào về môi trường, thế nhưng nhờ nỗ lực và kiên trì “ra rả” mà giờ đây chữ “xanh” đã được phổ cập rộng rãi, ngang với xóa nạn mù chữ. Hễ có “xanh” là có thêm điểm, từ rau củ tới ống hút và quần áo. Sống “xanh” đã là một trào lưu lớn của năm 2019, và sang năm 2020 chắc chắn càng xanh hơn.

Xanh kiểu gì?

Nếu như vài năm trước hỏi sống “xanh” là gì, nhiều người còn trả lời gọn lỏn là “biết phân loại tái chế” (và chỉ có thế) thì giờ đây, nhờ đi đâu cũng nghe, một học sinh cấp ba có thể gạch ra các đầu dòng, đó là:

– Tiết kiệm điện.

– Ăn thực phẩm nuôi trồng kiểu 
hữu cơ.

– Giảm dùng đồ nhựa.

– Giảm dùng chất hóa học.

– Dùng các vật liệu có thể tái chế.

Nhưng hỏi sống “xanh” để làm gì thế, tuy ai cũng có thể trả lời ngay, rất nhanh, là đỡ hại cho Trái đất, nhưng trong đầu phần lớn thấy lù mù, vô tăm tích; lại hoang mang vì thấy ở nhà phụ huynh tuy suốt ngày “săn” rau củ hữu cơ, ống hút lau sậy, rau bọc lá chuối nhưng không ở máy lạnh là không sống nổi, lại đặc biệt mua sắm nhiều: những mắm, những gạo hữu cơ, cứ gì có dán mác “xanh” là mua hết, thường là dùng một tí rồi để mốc.

Người ta từng nghiên cứu và thấy nhiều nhà sản xuất dùng “xanh” chỉ để thu hút người mua, như một sự đảm bảo “tôi thật, tôi đáng tin”. Kết quả mong đợi là người ta sẽ mua hàng. Từ thực phẩm tới thiết bị, tới chung cư… tất cả khoe mình “xanh” là để hướng tới hành vi “mua”.

Và càng mua là càng tích tụ, tiêu thụ… trong khi cốt lõi của sống “xanh” là sống tiết kiệm, hài hòa như muôn loài, không tham lam vô độ vì loài nào cũng phải có phần trên Trái đất.

Ai được sống “xanh”?

Một người có trang trại rau củ hữu cơ đợt vừa rồi than phiền cà chua bị khách chê không mua vì có vết xước, khoai lang hơi vặn vẹo cũng chê. Giá cà chua, củ cải mà cô bán đều cao hơn nhiều so với thông thường. Đó là do công bắt sâu mà không dùng thuốc, công chuẩn bị đất kỹ càng mà không bón thúc bằng phân hóa học…, tóm lại là công chiến đấu với thiên nhiên để giữ cho rau củ còn lành lặn đến ngày đem bán.

Khách của cô là những người có thu nhập khá. Họ là những người quan tâm tới sức khỏe, cuối tuần đạp xe, chạy bộ, nhưng chỉ là một hoạt động cho sức khỏe cá nhân. Họ ăn sản phẩm của nông trại hữu cơ cũng vì sức khỏe cá nhân, chứ ít ai khi gắp miếng rau “không hóa học” lên mà nghĩ: “Ồ, ta đã mua mi vì Trái đất!”.

“Xanh” vì thế thường đi kèm với đắt. Người nghèo thấy 10.000 đồng ba bó cải ở cái xe đẩy qua trước nhà, biết chắc là độc hại mà vẫn mua vì quá rẻ và được phục vụ tận cửa. Dần dần sống “xanh” thành như một phong trào đành nhường cho người khá giả thực hiện, trong khi đó người nghèo mới là số đông.

Sống tiết kiệm là bạn của sống “xanh”

Có một nghịch lý lùng nhùng: nhiều người gọi là sống “xanh” thực ra không nghĩ gì đến Trái đất, nhiều người muốn vì Trái đất thì lại không có tiền để sống “xanh”. Lại có một thành phần nữa lỡ cỡ: ăn uống thì không đủ kỷ luật và tài chính để “xanh” nhưng cũng quan tâm đến môi trường, cân bằng sinh thái. Họ là thành phần chao đảo và đông đúc.

Họ có thể là những người sống “xanh” rất tốt bằng một khía cạnh khác, đó là “tiết kiệm lại”. Tác động đến họ có lẽ không lúc nào tiện hơn là vào những ngày bắt đầu một năm (Tây) mới và sắp hết một năm Ta, là lúc họ vừa muốn có một khởi đầu mới lại vừa phải đối diện với những thứ lưu cữu trong tủ quần áo, trong chạn bếp, trong các gầm giường…

Mua ít đi, dùng gì thì dùng cho hết, ngăn nắp vào, ăn bớt lại… cũng là sống “xanh”. Người ta thấy những người sống tiết kiệm có chủ đích (chứ không phải bần tiện) là những người dễ hài lòng với cuộc sống so với người thích tiêu pha. Chưa nói đến chuyện Trái đất “xa xôi”, sống tiết kiệm đầu tiên là “xanh” với chính mình, không bắt bản thân phải chạy theo những nhu cầu quá đáng do tự mình nghĩ ra.

Câu chuyện của cô Zoe

Zoe là chủ nhân của blog ecothriftyliving, tại đấy cô chia sẻ các mẹo mực để vẫn sống “xanh” được trong khi ngân sách có hạn. Lý tưởng của Zoe rất rõ ràng: sống thân thiện với hệ sinh thái, bớt tiêu dùng, bớt thải ra thiên nhiên. Khi sinh đứa con thứ hai, cô không muốn đi làm nữa để ở nhà chăm con, trong khi mọi thứ chi tiêu lại tăng lên.

Trước kia Zoe vốn thích mua những sản phẩm thân thiện môi trường, thực phẩm hữu cơ nhưng nay nghỉ ở nhà, Zoe không thể mua thế nữa. Không thể “đầu hàng”, Zoe nghĩ ra cách làm thế nào với một ngân sách ít ỏi người ta vẫn có thể sống “xanh”. Giải pháp của cô là: “sống tiết kiệm, gần gũi sinh thái”.

Trong một bài phỏng vấn, Zoe thừa nhận với phóng viên rằng mọi việc được thực hiện rất chậm, từng bước một. Lúc đầu rất nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian thì đâu vào đấy, thành thói quen, thậm chí thành “bản chất thứ hai”. Cô phải tập dần. Khó khăn đầu tiên của Zoe là không dùng dầu gội đầu.

Thỉnh thoảng cô dùng xà phòng olive, nhưng nói chung chỉ gội nước lã. Cô thậm chí còn không dùng giấy vệ sinh, chỉ dùng vòi rửa. Cô không mua quần áo mới. Cô tự làm sữa chua, tận dụng bằng hết thức ăn thừa.

Không mua bán ở siêu thị, không mua đồ đạc mới, cố gắng kiếm ra cái gì trong nhà để cho bớt đi. Trong nhà cô không còn bóng dáng đồ nhựa dùng một lần, tuy rằng đồ nhựa bền thì vẫn còn và cô đang phấn đấu để hướng tới dùng toàn đồ không có nhựa.

Zoe kể những người trong vùng rồi cũng đến hỏi cô cách nào để sống được như cô: tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Cô bèn lập một nhóm trên Facebook để mọi người chia sẻ các sáng kiến, những thực phẩm họ không dùng, hoặc đồ đạc họ muốn cho đi.

Có cả những trang trại bán trứng, bán rau củ rẻ nhưng không giao hàng, thế là Zoe lập một câu lạc bộ thay phiên nhau đi nhặt trứng, hái rau, làm sao để rau củ địa phương dùng tại địa phương là tốt nhất.

Zoe nói càng thực hành sống theo lối này, cô càng ý thức về môi trường; và càng ý thức về môi trường, cô càng nghĩ ra nhiều việc để làm. Lối sống này, về phương diện cá nhân, giúp Zoe tiết kiệm được tiền, cô thấy lành mạnh hơn, thư thái hơn và nhất là có mục tiêu cao cả trong đời sống.

Sống như Zoe có vẻ cực đoan, nhưng các nhà môi trường hình như đều ít nhiều cực đoan. Thiên nhiên êm đềm thế nhưng bản chất là dữ dội, bảo vệ thiên nhiên càng cần những người dữ dội, kiên trì (việc giờ đây cứ thấy chữ “xanh” là chúng ta ai cũng thấm nhuần thì hiểu sự kiên trì của họ).

Nhưng như Zoe nói, mọi việc đều phải rất từ từ, thay đổi mỗi ngày một chút, nếu ụp một phát thì đã là công nghiệp, đã chả là “xanh”, hữu cơ và tuần tự. Chúng ta có thể bắt đầu sống thử “xanh tiết kiệm” một năm xem sao, bắt đầu bằng các việc nhỏ.

Những người bán hàng nghe thế hẳn sẽ buồn lòng lắm; kêu gọi bớt mua sắm, ăn tiêu thì lấy đâu phát triển. Nhưng sống đã là một cuộc đi giữa những cuộc trả giá, được cái này thì mất cái kia, nữa là sống “xanh”, khi ta chọn “xanh” cho cái chung, cho sự sống.

Nguồn: Tuổi Trẻ cuối tuần