“Bạn định nghĩa thế nào về sống xanh?”. Khi tôi hỏi một vài đồng nghiệp và bạn bè xung quanh như vậy, câu trả lời đầu tiên (và đôi khi duy nhất) nhận được là: Sống xanh chính là không sử dụng nhựa. Câu trả lời này không sai, nhưng chưa đủ.
Khoảng vài năm trở lại đây, khi môi trường ngày càng bị tàn phá, ô nhiễm không khí lên đến đỉnh điểm, nhiều người bắt đầu quan tâm hơn về sống xanh. Nhưng liệu chúng ta đã hiểu đúng về sống xanh? Sống xanh thực sự chỉ là không sử dụng nhựa?
Thật ra không chỉ có nhựa mới là tác nhân tàn phá Trái Đất. Muốn cứu Trái Đất, chúng ta cần rất nhiều thời gian để tìm ra giải pháp khả thi, nhưng để phá hủy thì lại có rất nhiều cách “khả thi” mà đôi khi ta chưa ý thức được. Tuy không thể hoàn toàn thay đổi lối sống, nhưng bạn vẫn có thể thay đổi một số hành động nhỏ vì môi trường như sau.
1. Không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần
Chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ đến điều này đầu tiên. Một trong những cách để bắt đầu sống xanh chính là không sử dụng các sản phẩm từ nhựa, nhưng đúng hơn là sản phẩm dùng một lần.
Nhiều người tự đóng khung và có suy nghĩ tiêu cực về nhựa, nên khi chuyển sang lối sống xanh, họ mặc nhiên vứt tất cả các đồ vật từ nhựa và thay thế bằng các vật liệu như gỗ, inox, thủy tinh,… Tuy nhiên, không có vật liệu nào thật sự “thân thiện” với môi trường hơn vật liệu nào. Gốm từ đất sét, thủy tinh từ cát, gỗ từ cây,.. Bạn đều lấy chúng từ thiên nhiên cả.
Vật liệu không có lỗi, lỗi ở cách chúng ta sử dụng không hợp lý. Vì thế, tốt nhất là không tiêu thụ vật dụng nhựa dùng một lần. Nếu những vật dụng sẵn có tại nhà bạn thuộc loại nhựa có thể sử dụng nhiều lần (polypropylene – PP, low-density polyethylene – LDPE…), bạn có thể tiếp tục sử dụng thay vì vứt ra môi trường một lượng rác thải nhựa lớn. Vừa gây lãng phí lại đi ngược với mục đích tốt đẹp mà lối sống xanh hướng đến.
2. Sử dụng vật liệu tái chế
Chúng ta đang nói đến những sản phẩm được sản xuất từ các vật liệu cũ đã qua sử dụng và trao cho chúng cơ hội tái sinh lần nữa. Đó có thể là nhựa, vải, lưới bắt cá,… bất cứ thứ gì chúng ta có thể tái chế và kéo dài vòng đời sử dụng.
Đơn cử như việc tái chế nhựa. Đây được xem là phương pháp giúp giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng, từ đó giảm bớt lượng khí thải ra môi trường. Theo kết quả thống kê, việc sử dụng nhựa tái chế đã hỗ trợ giảm bớt 18 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.
Nhiều thương hiệu lớn từ ngành hàng thực phẩm và đồ uống, đơn cử như Coca Cola, đến sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như Love Beauty and Planet của Unilever đều cam kết tái chế 100% bao bì được hãng sử dụng trong tương lai gần. Hoặc một số các nhãn hàng sử dụng 100% nhựa tái chế thay nhựa nguyên sinh cho bao bì sản phẩm. Đây được xem là những bước đi đầu tiên trên con đường phát triển kinh tế bền vững cùng thiên nhiên mà các hãng sản xuất lớn đang quan tâm và nỗ lực hướng đến.
3. Không thử nghiệm trên động vật
Bạn đã nghe nhiều về tác hại của nhựa với môi trường và các loài động vật? Nhưng không chỉ có nhựa, nhiều loài động vật cũng đang phải chịu tác động từ một nhân tố khác ít được quan tâm hơn: thử nghiệm trên động vật.
Khảo sát từ tổ chức Cruelty Free International và Tiến sĩ Hadwen Trust cho biết, ít nhất 115 triệu cá thể trên toàn thế giới bị sử dụng vào mục đích thí nghiệm. Đáng lo ngại là con số này không những không giảm đi mà còn tăng theo thời gian. Tuy đã có hơn 7000 nguyên liệu được nghiên cứu và chứng minh là an toàn với người, nhưng một số quốc gia vẫn yêu cầu kiểm tra trên động vật để chứng minh mức độ an toàn của sản phẩm.
Không chỉ vậy, việc giải quyết các vấn đề sau thử nghiệm cũng đau đầu không kém. Nếu xác động vật không được xử lý đúng cách thì sẽ gây thêm gánh nặng cho môi trường. Quá trình xử lý sẽ sản sinh ra lượng chất độc nhất định vào nguồn đất, nước và không khí, gây tác hại trực tiếp lên môi trường và sức khỏe con người. Chính vì thế, ủng hộ các sản phẩm không thử nghiệm trên động vật (cruelty-free) cũng là một yếu tố quan trọng trong hành trình sống xanh.
4. Ưu tiên sản phẩm “thuần chay”
Một khái niệm mới mẻ nhưng xứng đáng được quan tâm chính là yếu tố “thuần chay” (Vegan) trong các sản phẩm. “Thuần chay” trong thành phần cũng giống như việc chúng ta ăn chay. Điều đó có nghĩa bạn sẽ không tiêu thụ hoặc sử dụng những sản phẩm có thành phần nguồn gốc từ động vật, kể cả thực phẩm hoặc các hóa mỹ phẩm khác.
Các thành phần có nguồn gốc động vật hoặc chiết xuất động vật bao gồm mật ong, sáp ong, mỡ lông cừu, nhau thai cừu,… là những thành phần được nhà sản xuất cam kết sẽ không xuất hiện trong bảng thành phần. Hiện nay có rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm từ cao cấp đến tầm trung đều hướng đến những sản phẩm như vậy, nên yên tâm rằng lựa chọn tiêu dùng của bạn sẽ không bị thu hẹp đâu.
Lưu ý rằng sản phẩm không thử nghiệm trên động vật (cruelty-free) và sản phẩm “thuần chay” (vegan) không giống nhau. Đôi khi sản phẩm “thuần chay” chưa chắc đã không thử nghiệm trên động vật. Đáng mừng là hiện tại có rất nhiều hãng mỹ phẩm cam kết cả hai yếu tố trên. Nếu bạn quan tâm tới những sản phẩm này, hãy kiểm tra kỹ các tem chứng nhận in trên bao bì nhé.
5. Sống tối giản
Hai lối sống phổ biến và được nhiều bạn trẻ áp dụng nhất hiện nay là “tối giản” và “sống xanh” vô tình lại bổ trợ khá tốt cho nhau. Những người sống tối giản hoàn toàn có khả năng thành người sống xanh.
Việc tối giản nhu cầu trong cuộc sống và tập trung vào cảm xúc, trải nghiệm cá nhân khiến những vật dụng xung quanh được sử dụng đúng chức năng ban đầu. Nhờ đó, vật dụng không cần thiết bị vứt bỏ một cách lãng phí, hoặc hư hỏng dần vì không được bảo quản đúng cách. Có nghĩa là bạn cũng đồng thời giảm đi lượng rác thải trung bình, tránh gây thêm gánh nặng cho môi trường.
Kết
Bạn thấy đấy, sống xanh vốn không phải điều gì quá phức tạp, nhưng cũng không chỉ gói gọn trong việc giảm nhựa như suy nghĩ của nhiều người. Có rất nhiều hành động đơn giản để bạn có thể áp dụng vào cuộc sống và đỡ gánh nặng cho Trái Đất. Bạn đã thử chưa?
Nguồn: Vietcetera