Trang chủ Khám phá Ngột ngạt ở ‘thiên đường nghỉ dưỡng’ Tam Đảo

Ngột ngạt ở ‘thiên đường nghỉ dưỡng’ Tam Đảo

19
0
Chia sẻ

Tam Đảo – thị trấn biển mây – không còn thơ mộng như xưa, thay vào đó là tiếng khoan, đục, máy xúc, máy ủi thi công công trình mới.

Ngột ngạt ở thiên đường nghỉ dưỡng Tam Đảo - Ảnh 1.
Có rất ít “khoảng thở” cho du khách tại thị trấn nghỉ dưỡng Tam Đảo – Ảnh: ĐỨC QUAN G

Khách du lịch đến với thị trấn du lịch Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) ngày một đông. Từ đó, các khách sạn từ bình dân đến sang trọng đua nhau mọc lên trên phố núi. Điều này làm cho thị trấn du lịch Tam Đảo luôn ngột ngạt.

Tình trạng phát triển ồ ạt, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tại Tam Đảo thời gian qua, theo các chuyên gia quy hoạch, xuất phát từ sai lầm của các nhà quản lý, định hướng phát triển Tam Đảo chạy theo mục đích kinh tế. Từ một thị trấn nổi tiếng với du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, Tam Đảo đang ít dần cây xanh và “biến hình” thành đại công trường ngổn ngang.

Tiếc cho “tiên cảnh”

Con đường cửa ngõ vào thị trấn du lịch Tam Đảo rộng khoảng 5m, những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ luôn kẹt cứng xe. Bà Nguyễn Thị Tình, người dân sống tại tổ dân phố số 1, thị trấn Tam Đảo, cho biết tình trạng tắc đường ngay cửa ngõ thị trấn du lịch Tam Đảo xảy ra thường xuyên. Từ khúc cua cách trung tâm thị trấn khoảng 1km, hàng loạt khách sạn, nhà hàng với đủ loại kiến trúc Âu, Á hỗn tạp được xây dựng san sát nhau.

Ông Nguyễn Văn Huấn (67 tuổi, quê huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), chạy xe dịch vụ gần 20 năm ở Tam Đảo, than thở: “Tôi chở đoàn từ Hà Nội lên đây nghỉ dưỡng. Vài năm trước tuy ít khách sạn, khách lên Tam Đảo thấy thích vì không khí trong lành, dễ chịu nhưng giờ không còn cảm giác đó nữa. 

Trung tâm thị trấn không còn không gian thoáng để có cảm giác chìm trong biển mây. Mấy năm nay mùa hè Tam Đảo cũng nóng, không còn cảnh mát lạnh, trong sương. Là người làm dịch vụ, chúng tôi cũng buồn lắm vì khách tham quan xong trên đường về hay phàn nàn”.

Tam Đảo là thị trấn nghỉ dưỡng cách Hà Nội khoảng 1 giờ di chuyển nên dịp cuối tuần người Hà Nội thường lên Tam Đảo để tận hưởng không khí trong lành của phố núi. Chị Lê Thị Hồng (34 tuổi, bán hàng phục vụ du khách) kể hai năm nay cứ dịp lễ, tết dân làm du lịch trên này lại thêm lo vì ùn tắc giao thông, các phương tiện không có lối thoát. Có dịp lễ xe ùn tắc cả mấy cây số ngay cửa ngõ thị trấn khiến nhiều du khách bực bội vì bị chôn chân giữa đường.

Một điều bất ngờ nữa là cả thị trấn du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, mỗi ngày đón hàng ngàn du khách từ khắp nơi đổ về nhưng không có bãi đỗ xe. Tất cả phương tiện đến đây thường phải đỗ trên vỉa hè dành cho người đi bộ hoặc trước các quán ăn, nhà hàng, khách sạn.

Ngột ngạt ở thiên đường nghỉ dưỡng Tam Đảo - Ảnh 2.
Nhà nghỉ, nhà ở san sát nhau, có rất ít “khoảng thở” cho du khách tại thị trấn nghỉ dưỡng Tam Đảo – Ảnh: ĐỨC QUANG

“Nhẹ nhàng” với Tam Đảo

Diện tích đất tự nhiên của thị trấn Tam Đảo hiện khoảng 214ha, trong đó đất xây dựng các khu chức năng đô thị 74ha, đất khác hơn 140ha. 

Theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy mô xây dựng và dân cư thị trấn sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Theo đó, thị trấn Tam Đảo được định hướng phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh với quy mô sử dụng đất khoảng 300ha, đón khoảng 300.000 lượt khách lưu trú/năm.

Về cơ sở hạ tầng lưu trú du lịch, hiện thị trấn Tam Đảo có khoảng 90 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với hàng ngàn phòng nghỉ dưỡng phục vụ du khách. 

Theo đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, khu vực trung tâm thị trấn Tam Đảo có mật độ xây dựng 45-50%, khu vực vùng ven có mật độ thấp hơn từ 15-20%. Các công trình cao tầng chủ yếu được xây dựng ở khu vực trung tâm thị trấn với tầng cao từ 1-7 tầng.

Bình luận về sự quá tải hạ tầng Tam Đảo, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội, cho rằng thị trấn Tam Đảo là khu cảnh quan thiên nhiên, khu du lịch nghỉ dưỡng. Việc cấp phép xây dựng công trình trong khu vực này phải tuân thủ nguyên tắc không phá vỡ, lấn át cảnh quan thiên nhiên. 

Hơn nữa, cần tính toán, cân nhắc khi cấp phép xây dựng công trình tại Tam Đảo để có mật độ xây dựng phù hợp, hài hòa với thiên nhiên.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, với những khu vực cảnh quan thiên nhiên, di sản thiên nhiên như Tam Đảo, việc cấp phép xây dựng không được vượt quá 9 tầng nổi. 

Công trình từ 9 tầng trở lên là công trình cao tầng sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Với các khu vực cảnh quan thiên nhiên cần tôn trọng quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế công trình với các khu chức năng khác nhau. Xây dựng công trình trong khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng phải khác với các khu đô thị bình thường. 

“Du khách đến với Tam Đảo là vì khí hậu đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên, vì vậy phải đặc biệt bảo vệ các yếu tố này”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Ngột ngạt ở thiên đường nghỉ dưỡng Tam Đảo - Ảnh 3.
Nhiều công trình được xây dựng trong thị trấn Tam Đảo chật chội – Ảnh: Đ.QUANG

Lỗi do quản lý

KTS Phạm Thanh Tùng – chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam – cho rằng vấn đề của đô thị nghỉ dưỡng Tam Đảo hiện nay là tư duy của nhà quản lý, người làm quy hoạch. Đây là đô thị nghỉ dưỡng quy mô nhỏ, từ xưa người Pháp đã quy hoạch phát triển đô thị nghỉ dưỡng này nương vào thiên nhiên, dựa vào tự nhiên giống như Đà Lạt.

“Sai lầm là các nhà quản lý, làm quy hoạch cứ nghĩ rằng Tam Đảo là phải làm ra tiền nên tư duy phát triển rất vội vã, theo kiểu làm kinh tế. Cách làm quy hoạch này đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Vì thế, Tam Đảo đang mất dần đi những đặc trưng khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đẹp và văn hóa bản địa. Việc cấp phép cho xây dựng chen chúc công trình nhà ở, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Tam Đảo là sai lầm của cơ quan quản lý địa phương”, ông Tùng chỉ rõ.

Theo ông Tùng, người làm quy hoạch Tam Đảo thời gian qua không thực hiện được mục đích bảo tồn văn hóa, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, nên sẽ phải trả giá rất đắt trong thời gian tới. Đáng buồn là nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang dẫn dắt quy hoạch đô thị. Điều này rất nguy hiểm, đi ngược xu hướng phát triển thân thiện với môi trường. 

Ông Tùng khẳng định nếu xây dựng quá nhiều công trình cao tầng, các khu khách sạn thì Tam Đảo trong tương lai sẽ không còn là một đô thị nghỉ dưỡng mà là nơi chứa đựng khách du lịch, mất kiểm soát trong phát triển.

“Cần sớm tính toán lại bài toán quy hoạch phát triển Tam Đảo theo hướng trân trọng cảnh quan thiên nhiên, đề cao việc bảo tồn giá trị thiên nhiên của cảnh quan, di sản này. Cần hạn chế xây dựng nhà cao tầng, ưu tiên phát triển các công trình hạ tầng công cộng như bãi đỗ xe, xây dựng công viên cây xanh, mở rộng đường giao thông”, ông Tùng đề xuất thêm.

_________________________

Thanh tra xây dựng sai phép

Theo ông Lê Quý Dương – phó chủ tịch huyện Tam Đảo, thời gian gần đây, UBND thị trấn Tam Đảo đã xử phạt hành chính hàng chục trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm Luật đất đai. Đội thanh tra xây dựng của huyện đang thanh tra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây không phép, sai phép, đến nay chưa kết thúc, chưa có kết luận cuối cùng về các sai phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Chưa triển khai dự án “cú hích”

Chiều 24-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo cho biết đã có quy hoạch thị trấn Tam Đảo đến năm 2030, trước mắt thực hiện giai đoạn 2021 – 2025. Huyện đã chi ngân sách để đầu tư nhiều dự án vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, chưa thể đầu tư hết ngay vì tốn rất nhiều kinh phí.

Riêng việc đầu tư bãi đỗ xe, không thể làm trên núi vì diện tích thị trấn rất chật hẹp. Nếu có chỉ làm bãi xe trung chuyển ở km13, nhưng đến nay bãi xe này vẫn đang còn nghiên cứu.

Năm 2019, thị trấn Tam Đảo đón 200.000 lượt khách du lịch, trong đó có hơn 80.000 khách lưu trú qua đêm. Năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách du lịch sụt giảm nhiều, nhưng dịp cuối tuần, nghỉ lễ vẫn rất đông du khách đến nghỉ dưỡng tại Tam Đảo.

Nguồn: Tuổi Trẻ