Trang chủ Sống Người đàn ông Cần Thơ trồng rau muống, xây 6 cây cầu...

Người đàn ông Cần Thơ trồng rau muống, xây 6 cây cầu tặng dân

21
0
Chia sẻ

Sau nhiều lần trồng các loại cây nông nghiệp thất bại, ông Nguyễn Văn Bi quyết định khởi nghiệp lại với cây rau muống hạt.

Khởi nghiệp với cây rau muống

Ông Nguyễn Văn Bi (còn gọi là Tám Bi, 63 tuổi), hiện là giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát ở khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Hơn 10 năm qua, ông được biết đến là người không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn xây nhiều cầu, đường cho bà con đi lại.

Ông Nguyễn Văn Bi (còn gọi là Tám Bi).

Ông Bi kể, trước đây, vợ chồng ông trồng nhiều loại cây nông nghiệp khác nhau nhưng không ít lần thất bại, thua lỗ, nợ nần chồng chất. Năm 2000, ông thấy một số nơi làm kinh tế bằng cây rau muống hạt nên mua giống về trồng vài luống thử nghiệm.

Gieo xong số hạt giống đã mua xuống đất, hằng ngày, ông ngồi quan sát xem cây có lên không, mọc có đều không với nỗi lo lắng, thấp thỏm. Khi nhìn những mầm rau xanh mướt, mọc đều răm rắp, ông vui khôn tả. Sau 18 ngày tưới nước, bắt sâu, bón phân, những cây rau của ông cũng cho thu hoạch. 

Ông Bi cho biết, rau muống hạt ăn giòn, ngọt, giàu chất dinh dưỡng, cây dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh tấn công, thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch chỉ 18 ngày nên nhanh thu hồi vốn. Vì vậy, sau khi trồng thử nghiệm thành công, ông dần mở rộng diện tích trồng.

Cứ thu hoạch xong lứa này, ông cải tạo đất gieo hạt tiếp. Để ngày nào cũng có rau bán, đảm bảo đầu ra, ông gieo cách luống chứ không gieo đại trà, tức là 10 luống rau này gần thu hoạch ông mới gieo 10 luống khác.

Hiện, vợ chồng ông Bi có tổng cộng 5.000m2 đất trồng cây rau muống hạt. Ông cho biết, cứ 1.000m2 đất, mỗi lần thu hoạch được 2,5 tấn rau. Giá bán trung bình là 5.000 đồng/kg, các thương lái vào tận vườn mua nên ông không phải mất phí vận chuyển. Vậy là, sau khi trừ các chi phí, mỗi ngày vợ chồng ông thu được 1-2 triệu đồng tiền bán rau. Nhờ vậy, vợ chồng ông trả hết nợ, vươn lên thành hộ gia đình có kinh tế khá giả trong vùng.

Thấy gia đình ông thành công từ cây trồng này, nhiều hộ dân ở phường Thới An đến hỏi kinh nghiệm để học tập. Ai đến, ông Bi cũng sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn họ mua hạt giống và cách trồng, chăm sóc cây. 

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơ, sau khi được ông Bi chia sẻ kinh nghiệm, cũng chuyển 6.000m2 đất lúa để trồng rau muống hạt. Hiện, kinh tế nhà chị cũng thuộc hộ khá trong vùng.

Đến nay, ông Nguyễn Văn Bi đã có hơn 20 năm trồng cây rau muống hạt.

Để những lứa rau muống ở địa phương được nhiều người biết đến, tháng 7/2010, ông Bi cùng các hộ khác ở Thới Hòa thành lập HTX rau an toàn Hòa Phát nhằm ổn định đầu ra cho các hộ trồng rau. “Hiện, rau muống ở HTX được sản xuất theo quy trình sạch, cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận”, ông Bi thông tin.

Người đàn ông quê gốc Cần Thơ cho biết, dịp này, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vì vậy đầu ra của những tấn rau muống hạt do hợp tác xã sản xuất có chậm hơn, nhưng không ảnh hưởng nhiều. “Giá bán giảm hơn trước một ít, nhưng đổi lại, bà con trong HTX lại đạt năng suất tốt”, ông Bi nói.

Ông nông dân mê xây cầu, làm đường

Khi kinh tế gia đình ổn định, ông Bi giao vườn rau cho vợ con quản lý. Ông tập trung vào công việc ở HTX, giúp bà con lối xóm thoát nghèo với cây rau muống và thực hiện mong ước làm đường, xây cầu cho bà con đi lại dễ hơn.

Để thuận tiện, ông Bi cùng những người khác ở Cần Thơ thành lập một nhóm thiện nguyện với hơn 40 thành viên. Họ đều là những người nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn nhưng có chung một tâm nguyện là giúp quê hương ngày một thay đổi.

“Ngày trước, quê tôi nghèo, cầu tạm bợ, đường sá lầy lội nên đi lại rất khó khăn. Khi kinh tế ổn định, tôi muốn “bộ mặt” nơi mình sống đổi mới”, ông Bi nói.

Ông Bi bên cây cầu do ông và nhóm thiện nguyện vận động xây dựng.

Thời gian đầu, kinh phí hạn chế, nhóm ông Bi dùng cây dừa, các cây gỗ bắc cầu và đi xin gạch tại lò để lót đường. Sau này, ông chuyển sang xây cầu bê tông và đổ đường nhựa bài bản hơn. 

Đến nay, ông đã trải nhựa hơn 2,5 km đường nông thôn, bắc 6 cây cầu bê tông kiên cố và nâng cấp 3 cây cầu đã hư hỏng, xuống cấp tại địa phương. Chi phí làm đường dao động từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng, một cây cầu mới khoảng 40 – 50 triệu đồng. Phần chi phí này, nhóm thiện nguyện của ông Bi vừa kêu gọi vừa bỏ tiền túi ra làm.

Hiện, ông Bi cùng nhóm thiện nguyện hoàn thiện con đường nông thôn dẫn vào Mường Ngang ở phường Thới An dài 1,5km. “Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhóm chúng tôi đã làm được 700m. Giờ, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện”, ông Bi chia sẻ. 

Ông Đào Minh Huy – Chủ tịch UBND phường Thời An, cho biết, ông Bi là người làm kinh tế giỏi ở địa phương. Sau khi thực hiện mô hình kinh tế gia đình thành công, ông nhiệt tình giúp đỡ những ở phường và địa phương khác thoát nghèo bằng cây rau muống. 

Đến nay, kinh tế gia đình khá giả nhưng ông luôn sống giản dị nên được bà con hàng xóm yêu quý. “Tấm gương của ông đã lan tỏa tích cực, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp. Vừa qua, địa phương cũng đã kiến nghị cấp trên khen thưởng những đóng góp của ông trong nhiều năm qua”, ông Huy cho biết.

Nguồn: VietNamNet