Nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh, mở rộng vùng xanh, tiến tới kiểm soát dịch, TP.HCM triển khai kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 15/8-15/9.
Các nhóm được xét nghiệm cụ thể gồm: Bệnh nhân tại bệnh viện điều trị Covid-19-19; F0 tại các khu cách ly tập trung quận, huyện, thành phố Thủ Đức; F0 đang được cách ly, chăm sóc, theo dõi, điều trị tại nhà; F1 tại các khu cách ly tập trung của Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoặc cách ly tại nhà; Xét nghiệm cộng đồng để giải phóng vùng sạch; đánh giá vùng nguy cơ cao và nguy cơ rất cao; duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.
Đối với bệnh nhân tại bệnh viện điều trị Covid-19
Lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ sở điều trị. Đối với F0 tại các khu cách ly tập trung quận, huyện, thành phố Thủ Đức Đảm bảo phải có kết quả RT-PCR trong 24 giờ sau khi tiếp nhận vào khu cách ly.
Xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính hoặc dương tính nhưng chỉ số CT ≥ 30 thì được xuất viện theo dõi điều trị tại nhà.
Đối với F0 đang được cách ly, chăm sóc, theo dõi, điều trị tại nhà
Thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế:
– Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc PCR) cho người F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.
Đối với F1 tại các khu cách ly tập trung của thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức hoặc cách ly tại nhà:
– Lấy mẫu lần 1 vào ngày đầu tiên bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên. – Lấy mẫu lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ khi được cách ly bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Xét nghiệm cộng đồng
Giải phóng vùng sạch
* Tại các vùng bình thường mới (vùng xanh, cận xanh)
– Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10) đại diện hộ gia đình tại các Tổ dân phố, Tổ nhân dân thuộc “vùng xanh” và “cận xanh”.
– Tần suất: 02 lần, cách nhau 07 ngày. – Dựa vào kết quả xét nghiệm và các điều kiện khác để “giải phóng vùng sạch”, với các tiêu chí:
+ Không có trường hợp dương tính sau 02 lần xét nghiệm hoặc có trường hợp dương tính nhưng chỉ số CT ≥ 30;
+ Tỷ lệ tiêm chủng đạt 50% (đối tượng > 18 tuổi);
+ Có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng.
* Tại các vùng nguy cơ (vùng vàng) Thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5) đại diện hộ gia đình, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ các hộ gia đình để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”.
Đánh giá vùng nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ)
– Đối với các khu phong tỏa: Tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên theo hộ gia đình:
+ Trường hợp dương tính: Tiến hành giải gộp bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định.
+ Trường hợp âm tính: Có thể giải phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa thì tổ chức xét nghiệm lại sau 05 đến 07 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới giải phong tỏa khi đủ điều kiện. – Đối với nơi ngoài khu vực khu phong tỏa:
+ Thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2.
+ Tùy vào điều kiện thực hiện, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm theo phương pháp mẫu gộp hộ gia đình (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên).
Duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng
– Giám sát, phát hiện sớm người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì cộng với yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0 hoặc có tiếp xúc với F0):
Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn hoặc bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (nếu dương tính thì thực hiện tiếp RT-PCR trong khi xử lý như một trường hợp nghi nhiễm).
– Đối với các đơn vị đang được phép hoạt động ở một số lĩnh vực có tiếp xúc nhiều như: Y tế, Quân đội, Công an, nhà máy, doanh nghiệp, giao hàng (shipper),… ngoài các biện pháp phòng, chống dịch như quy định hoặc hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cần chủ động giám sát bằng xét nghiệm (kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR) trên nguyên tắc: Tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm, tự kiểm tra đối với nhân viên của đơn vị mình vào định kỳ mỗi 07 ngày.
– Đối với các trường hợp F0 phát hiện ở cộng đồng, được xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên:
+ Nếu không có triệu chứng: Tổ chức cho cách ly, chăm sóc, theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế.
+ Nếu có triệu chứng hoặc có yếu tố nguy cơ (như mắc các bệnh nền, béo phì hoặc ở trong khu dân cư có nguy cơ lây lan cao) thì chuyển đến các cơ sở cách ly, cơ sở điều trị để được theo dõi và xử lý kịp thời những diễn biến nặng theo hướng dẫn của ngành y tế.
Nguồn: Vietnam Travel Life