Những ngày gần đây, quả thị thơm được bày bán ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và rất hút khách, dù giá bán không hề rẻ 150.000-200.000 đồng/kg.
“Trước đây, thị thơm thơm được bán với giá siêu rẻ, chỉ vài nghìn đồng/chục quả tùy loại. Chủ yếu người ta mua thị về để trong nhà cho thơm, tạo không khí dễ chịu. Song, những năm gần đây, quả thị có màu vàng ươm, thơm nức ngày càng có giá đắt đỏ, được nhiều người lùng mua”, chị Dung, thương lái bán trái cây tại chợ Cây Gõ (quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Cũng theo chị Dung, quả thị khi chín rất thơm, mềm, khi ăn phần cơm thị có vị ngọt xen chút vị chát bên trong, vô cùng hấp dẫn.
“Hiện thị được chia thành 2 loại, một là thị sáp (loại thị quả nhỏ), hai thị muộn (quả to tròn). Mặc dù đang vào mùa chín rộ nhưng giá bán khá cao, trung bình mỗi quả có giá từ 8.000-10.000 đồng. Tức là mỗi kg lên tới 200.000 đồng (15-20 trái)”, chị Dung nói.
Ở chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) hiện rất nhiều sạp nhập trái thị về bán. Hầu hết các chủ hàng cho biết, thị bán chạy, bà nội trợ đặc biệt yêu thích loại quả này.
Theo chị Sum, thương lái tại chợ thì trung bình mỗi ngày chị chỉ nhập từ 10-15 kg, nhưng được cái là ngày nào bán hết ngày đó.
“Nếu khách mua cả kg, giá chỉ còn khoảng 120.000-150.000 đồng. Nhưng rất ít người mua thị theo kg, đa phần mua theo quả. Người mua ít thì 3-5 quả, người mua nhiều thì khoảng chục quả mỗi lần”, chị Sum nói.
Cũng theo chị Sum, cây thị ở quê giờ không có nhiều. Do đó, mỗi khi vào mùa thị chín, để có hàng bán chị đều phải gom mua từ nhiều mối khác nhau.
Theo ghi nhận, từ hàng rong, chợ online cho đến rất nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP đâu đâu cũng thấy bán thị.
“Dù giá khá cao, nhưng khách hàng vẫn ủng hộ. Nếu như trước đây chỉ có 20.000-30.000 đồng/kg, thì nay vì số lượng khan hiếm nên quả thị mới có giá đắt đỏ. Mỗi mùa tôi chỉ bán khoảng 3 đến 5 lần là hết đợt”, chị Kiều, tiểu thương chợ Xóm Mới (Gò Vấp) chia sẻ.
Là đầu mối lâu năm ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chú Trung cho biết, sở dĩ quả thị đắt là do nhu cầu mua cao, trong khi sản lượng đang giảm mạnh.
“Trồng thị mang lại lợi ích kinh tế thấp, nên giờ ở quê không mấy ai mặn mà trồng loại quả này. Chỉ một số ít nhà vườn họ trồng vì yêu thích, hoặc trồng theo đơn đặt hàng”, chú Trung nói.
Xách chiếc túi nilon có 3 quả thị nhỏ xíu bên trong, chị Dương (quận 6, TP Hồ Chí Minh) nói: “Thị sáp quả nhỏ thơm, rất thơm. Bỏ ra 30.000 đồng để mua 3 quả thị này, tôi thấy rất xứng đáng”.
Quả thị có tên khoa học là Diospyros decandra Lour. Quả tròn, sắc vàng, mọng nước và thường chia thành 6 – 8 múi. Quả thị chín ăn ngon nếu biết cách ăn (xoay quả và bóp nhẹ cho đến khi thịt quả mềm ra và nứt ra một khe nhỏ thì cho lên miệng hút). Quả thị thường chủ yếu được trồng ở miền Bắc nước ta, quả thị chín vào cuối mùa hè đến hết mùa thu. Trong một nghiên cứu gần đây, khi so sánh 19 loại trái cây trong đó có nhiều loại trái có mặt ở Việt Nam như: quả thị, trái bầu nâu, quả trứng gà, vú sữa, me keo, bồ quân, cóc rừng, vối rừng, bình bát, ổi, chuối hột, cà na, trứng cá, me rừng – chùm ruột núi thì tác giả nhận thấy hàm lượng fl avonoid tương đối cao. Flavonoid là một trong những hoạt chất tự nhiên có mặt rộng rãi nhất trong thực vật và là phân nhóm quan trọng trong các hợp chất phenol. Flavonoid có nhiều tác dụng được biết đến như chống oxy hóa, kháng viêm, kháng khuẩn, chống dị ứng và chống lão hóa. Nghiên cứu cũng chỉ ra quả thị có tác dụng chống oxy hóa nhẹ, bổ sung vitamin C và đường. Ngoài ra, trong một nghiên cứu khác đã chỉ ra quả thị có tác dụng bổ máu, kháng khuẩn, kháng nấm và kháng sốt rét. Theo DS. Trần Văn Thành |
Nguồn: Tiêu dùng