Ấn phẩm mới của Deloitte Đông Nam Á, cho thấy sự thay đổi trong tâm lý và hành vi của người tiêu dùng Việt ngay trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Lạc quan về nền kinh tế
Khảo sát dựa vào khảo sát hơn 1.000 hộ gia đình tại bốn thành phố lớn. Không nằm ngoài những quốc gia chịu tác động và những hệ quả kinh tế khó khăn của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam có thể được xem là một trong những nền kinh tế kiên cường trong khu vực Đông Nam Á.
Điều tạo nên sự khác biệt tại Việt Nam là những nỗ lực chống dịch sớm, tương đối thành công, và việc người dân tuân thủ hầu hết các yêu cầu về giãn cách. Những nỗ lực chống dịch đã tạo nên những người tiêu dùng Việt Nam kiên cường, lạc quan về nền kinh tế.
Ấn phẩm Khảo sát người tiêu dùng Việt Nam lần thứ hai chỉ ra một số thay đổi quan trọng trong hành vi và mô hình mua sắm mới xuất hiện sau khi thực hiện khảo sát gần đây từ tháng 6 – 7.2020, trên hơn 1.000 hộ gia đình thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp tại bốn thành phố lớn: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM.
Các hộ gia đình tham gia khảo sát đã được cẩn thận lựa chọn để trở thành đại diện cho dân số Việt Nam, về tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, thu nhập hộ gia đình và phân bố theo địa lý. Những người tham gia được khảo sát về tâm lý người tiêu dùng, chi tiêu, cân nhắc mua hàng, kênh truyền thông và kênh mua hàng trên các danh mục sản phẩm gồm: nhu yếu phẩm, sản phẩm định hình phong cách sống (lifestyle products), phúc lợi & tiết kiệm, hàng tiêu dùng giải trí, đồ điện tử dân dụng.
Nhằm tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về hành trình tiêu dùng (consumer journey) và nêu bật những đặc điểm của các phân khúc cụ thể, nhóm nghiên cứu đã khám phá hành trình tiêu dùng khi phân tích tác động của đại dịch và các xu hướng kinh tế vĩ mô đến ba phương diện cảm tính, chi tiêu và nhận thức.
4 nhận định quan trọng rút ra từ khảo sát:
– Thứ nhất, người tiêu dùng Việt Nam nhìn chung lạc quan về nền kinh tế, dù tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Sự lạc quan này có thể được quan sát thấy ngay cả ở những người tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập thấp hơn. Đây có thể là kết quả của sự tin tưởng vào thành tích tăng trưởng kinh tế nhất quán của Việt Nam. Tuy nhiên, có sự phân hóa trong tâm lý người tiêu dùng theo hướng Bắc – Nam.
– Thứ hai, không có sự dịch chuyển rõ rệt từ kênh thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại trong đại dịch COVID-19. Đây có lẽ là kết quả của những quy định về giãn cách ít nghiêm ngặt hơn mà Việt Nam áp dụng, cũng như những điểm hấp dẫn mà các kênh thương mại truyền thống tiếp tục giữ như sự gần gũi và tiện lợi.
– Thứ ba, vẫn còn nhiều rào cản đối với việc áp dụng thương mại điện tử và thanh toán số. Vấn đề hậu cần (logistics) là mối quan tâm của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người ở thành phố cấp hai như Cần Thơ. Mặt khác, một số vấn đề khác cũng tiếp tục cản trở việc sử dụng thanh toán số như việc người tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập thấp không tiếp cận được tài khoản ngân hàng, nhóm thu nhập cao hơn lo ngại về tính bảo mật/gian lận.
– Cuối cùng, các công ty trong ngành tiêu dùng phải lưu ý rằng việc thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam lặp đi lặp lại hành vi mua hàng tại các sàn thương mại điện tử sẽ đòi hỏi nhiều hơn những chiến thuật giữa chân người tiêu dùng đơn giản như giảm giá hoặc tặng phiếu ưu đãi. Thay vào đó, người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra khá sáng suốt và ngày càng tập trung vào chất lượng của hành trình mua hàng từ khi thực hiện giao dịch và giao hàng đến trả hàng và hoàn tiền.
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư