Trang chủ Gia đình Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Mái ấm không từ trên...

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Mái ấm không từ trên trời rơi xuống

37
0
Chia sẻ

Khi yêu nhau, mỗi tuần các bạn hẹn hò 1-2 lần để nuôi dưỡng tình yêu. Nhưng sau khi kết hôn, chúng ta lại để tình yêu “chết héo” trong nhà. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa đã chia sẻ bí quyết để chúng ta “tưới tắm” cho tình yêu sau đám cưới.

Đừng đổ lỗi cho bận rộn

Hãy nhớ lại trước khi kết hôn, các bạn đã dành thời gian cho tình yêu như thế nào. Thông thường các đôi trai gái gặp nhau ít nhất mỗi tuần vài lần và chính những buổi hò hẹn ấy đã nuôi dưỡng tình yêu của bạn. Nhưng bây giờ đâu cần bạn phải hẹn hò ở chỗ nào như khi chưa kết hôn, bởi vì muốn gặp nhau chẳng cần phải đi ra khỏi nhà.

Nhưng chính vì thế có những đôi vợ chồng lại không “gặp nhau” nữa. Việc dành ra một buổi tối ở nhà với vợ thường biến thành một buổi ở nhà làm những gì mà bạn thích chứ đâu phải là dành cho nhau. Theo các chuyên gia về gia đình, vợ chồng trẻ dù có vướng bận con cái vẫn nên mỗi tuần có vài buổi cùng nhau đi dạo và trò chuyện, đó mới là thời gian dành cho nhau đúng với nghĩa của nó.

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Mái ấm không từ trên trời rơi xuống - Ảnh 1.
Vợ chồng luôn cần những lúc riêng tư để hò hẹn. Ảnh minh họa

Nếu bạn nói rằng công việc của bạn quá bận đến không thể có thời gian dành cho nhau được thì đó chỉ là cách nói. Bởi bạn nhìn vào kế hoạch riêng của mình và nhận thấy không còn thời gian nào nữa. Nhưng nếu bạn ưu tiên sự gặp nhau lên trước rồi những cái khác theo sau thì nhất định bạn sẽ làm được. Chẳng phải các bạn đã từng làm như thế khi chưa kết hôn? 

Khi đó, bạn đã xếp lại nhiều cái khác vì nhu cầu gặp nhau quan trọng hơn. Nhưng chúng ta đã hoàn toàn thay đổi từ khi chúng ta kết hôn. Điều đó giải thích vì sao có những đôi vợ chồng vẫn ăn cùng mâm, ngủ cùng giường mà đến một ngày không ai hiểu ai, chẳng khác nào hai kẻ xa lạ.

Đừng tin vào tình yêu vô điều kiện

Trung tâm tư vấn hôn nhân thường gặp những người chồng, người vợ quá thất vọng về người bạn đời của mình. Bởi vì khi mới lấy nhau ta thường tin vào cái gọi là tình yêu vô điều kiện. Đó là tôi sẵn sàng làm bất cứ cái gì để chồng tôi hạnh phúc dù là tôi phải hy sinh niềm vui của chính mình. 

Chính sự hy sinh đó dần dần sẽ làm cho bộ mặt ích kỷ của đối phương hiện nguyên hình : ngoại tình, nghiện hút, cờ bạc, lạm dụng cái gọi là “yêu vô điều kiện” của người kia. Hoá ra chính thứ tình yêu hy sinh, không nghĩ đến bản thân mình đang huỷ hoại mối quan hệ của bạn.

Trái lại, có người luôn đòi hỏi người bạn đời phải yêu mình vô điều kiện. Tức là người kia phải làm bất cứ cái gì để bạn hạnh phúc và không được làm bất cứ cái gì mà bạn không thích. 

Để tránh cả hai cách cư xử sai lầm đó, chúng ta hãy làm quen với cách ứng xử thứ ba có tính đến tình cảm của cả hai người cùng một lúc. Đó là: Làm bất cứ cái gì để bạn và người bạn đời của bạn hạnh phúc và tránh bất cứ cái gì làm hai người khó chịu. 

Điều này có vẻ dễ hiểu và dễ áp dụng hơn. Có thể nói gọn lại: “Không bao giờ làm bất cứ cái gì mà không có một thỏa thuận nhiệt tình giữa cả hai vợ chồng”. Đây là một thỏa hiệp lành mạnh cần phải có trong hôn nhân, nếu bạn muốn có một mái ấm gia đình hạnh phúc.  

Chẳng hạn tối thứ 6 chồng bạn có đôi vé xem phim “Nhiệm vụ bất khả thi” là dạng phim hành động của Mỹ. Anh ấy muốn bạn đi xem cùng nhưng bạn là người ghét cay ghét đắng thể loại phim đó. Vậy bạn có nên đi cùng chồng không? 

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Mái ấm không từ trên trời rơi xuống - Ảnh 3.
Mỗi người cần có những khoảng riêng. Ảnh minh họa

Thật lòng, tối thứ 6 được nghỉ ngơi bạn muốn nằm nhà nghe nhạc hay đọc sách chứ nếu phải vào rạp ngồi 3 tiếng đồng hồ với bộ phim toàn những trò đấm đá, bắn nhau, đối với bạn chẳng khác gì tra tấn. Bạn nên ở nhà để chồng đi xem, cả hai sẽ cùng hài lòng. Nếu bạn cứ miễn cưỡng đi với chồng là bạn đã lệ thuộc vào anh ta. 

Nhà tâm lý học Edmund Bourne định nghĩa: “Lệ thuộc là xu hướng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của chính mình”. Nghĩa là bạn phụ thuộc vào người bạn đời tới mức mà bạn sẵn sàng hy sinh những nhu cầu của chính mình để làm vừa lòng người ấy. Niềm hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào việc bạn cảm thấy người ấy hài lòng tới mức nào. 

Có thể bạn nghĩ rằng đó là lối sống đẹp, nó vị tha, cao thượng nhưng thực ra, bạn đã sống cho họ chứ không được sống cho mình. Nếu tất cả chúng ta đều sống như vậy thì ngôi nhà của bạn có còn là mái ấm nữa không? Trong thực tế, không ít người vì nể vợ, nể chồng mà miễn cưỡng làm những việc mình không thích. 

Có người không thích khiêu vũ nhưng cũng theo vợ đến vũ trường tuần hai buổi ngồi chịu trận trong tiếng nhạc đinh tai nhức óc. Có người không thích đám bạn bè của chồng nhưng cũng cố đi dự cuộc vui với vẻ mặt đưa đám, suốt buổi không buồn nói chuyện với ai. Thậm chí có người không thích làm “chuyện ấy” vào lúc đó nhưng vì nể chồng nên cũng cố “chiều”.

Tất cả những cách ứng xử tương tự đều có tác dụng phá huỷ tình yêu mà họ từng có với nhau. Cho nên trong năm đầu tiên, đôi vợ chồng trẻ cần xây dựng cho mình mối quan hệ bình đẳng trên cơ sở thuận vợ thuận chồng và nguyên lý đó cần phải đi theo suốt cuộc hôn nhân của bạn nếu bạn muốn có cuộc sống thơải mái và thực sự hạnh phúc.

Đừng hòa tan vào nhau

Năm đầu tiên của hôn nhân còn là thời kỳ phải gian khổ vượt qua những tính cách không hợp nhau. Nếu bạn để cho chúng càng lớn lên, càng lâu dài thì sửa chữa càng khó. Sự bất đồng của đôi vợ chồng mới, là điều hoàn toàn có thể hiểu được. 

Nếu hai vợ chồng bắt đầu chung sống với nhau mà cái gì cũng hợp nhau mới là chuyện lạ còn nếu họ không hợp nhau, họ có nhiều điểm khác nhau là điều quá bình thường. Làm sao có được hai con người sinh ra và lớn lên từ hai môi trường gia đình khác nhau, được thưà hưởng những cách giáo dục khác nhau mà lại trở thành hai con người giống nhau. Đó là điều không tưởng. 

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Mái ấm không từ trên trời rơi xuống - Ảnh 2.

Nhưng tại sao khi yêu đương, tìm hiểu lại thấy hợp nhau thế? Nên nhớ rằng trong thời gian chinh phục, mỗi người có khả năng tự biến đổi đi để hoà hợp với người mình yêu. Nhưng đó là sự hoà hợp giả tạo, nó chỉ tồn tại những khi hò hẹn còn khi ai về nhà người nấy lại vẫn như cũ. Một anh có thói quen hay bày bừa ra nhà nhưng khi đến nhà người yêu thấy cái gì cũng ngăn nắp sạch sẽ, lập tức anh ta có ngay tác phong ấy.

Châm que diêm xong cũng vất vào sọt rác, gọt cái bút chì cũng lấy tờ giấy hứng từng cái vẩy gỗ nhỏ li ti. Nhưng nếu bạn chung sống với anh ta chỉ ít ngày sẽ thấy anh ta khác hẳn. Mặt khác trong con mắt của những kẻ đang yêu những nhược điểm của người yêu rất dễ bỏ qua, có khi họ còn thấy có cái gì ngồ ngộ, dễ thương là khác.

Một cô gái yêu anh hoạ sĩ thấy anh ta lấy cả bát ăn cơm ra pha màu cho đó là “tác phong nghệ sĩ” đáng yêu. Nhưng khi sống với nhau vài tháng, cô coi đó là cuộc sống “man rợ” không thể chấp nhận.

Trong năm đầu của hôn nhân mỗi bên đều bộc lộ những cái khiến bên kia phải ngỡ ngàng, thậm chí vô cùng khó chịu. Có người cho rằng yêu là sống giả, lấy nhau mới là sống thật, đơn giản vì người ta không thể giả mãi. Sự cố gắng sống khác với những thói quen cố hữu của mình để vừa lòng người yêu là rất mệt mỏi, không thoải mái một chút nào. 

Vì vậy trước sau gì con người vẫn phải trở về đúng là mình. Tình yêu có thể giúp người ta thay đổi đi chút ít nhưng không thể biến thành một người khác hẳn với con người như họ đã tồn tại từ trước đến nay. Chính vì thế sự trách móc nhau không giải quyết được gì chỉ càng gây cho nhau khó chịu. 

Nghệ thuật chung sống hiện đại không đòi hỏi người khác phải biến đổi đi cho hợp với mình, còn mình khỏi phải thay đổi cho tiện, mà là tự biến đổi mình đi trong chừng mực có thể được để hoà hợp với người bạn đời. 

Càng những ai năng động, có khả năng tự biến đổi mà không quá cứng nhắc coi mình là “khuôn vàng thước ngọc” thì người đó càng có nhiều cơ may được hưởng cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc gia đình. Cho nên trong quá trình yêu đương tìm hiểu của giai đoạn tiền hôn nhân đừng bao giờ nghĩ rằng người yêu của mình là một đối tác hoàn hảo. 

Ai cũng có những ưu điểm và những thói quen xấu của họ mà hy vọng biến đổi được đi theo ý muốn của mình là điều rất khó. Vấn đề là cần phải xác định thói xấu nào có thể chấp nhận và cái nào không thể chấp nhận. 

Nếu phát hiện nhiều điểm không thể chấp nhận thì tốt nhất là đừng đi xa hơn. Không nên để sau khi kết hôn mới than phiền luôn miệng, trách cứ chì chiết nhau. Càng mạo hiểm hơn nếu đã phát hiện những thói quen xấu mà mình không thể chấp nhận nhưng lại nghĩ rằng về với nhau sẽ cải tạo theo ý muốn của mình. 

Mái ấm gia đình là điều ai cũng mơ ứơc nhưng không thể chờ nó từ trên trời rơi xuống mà phải do chính mình tạo dựng nên.

Nguồn: Dân Việt