Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng”, hoặc “bong bóng” bất động sản.
Huyện thành quận, quận lên thành phố
Riêng TP.HCM, HoREA chỉ ra nhiều động lực mới giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong năm 2021 và cả trong trung hạn, dài hạn.
Đầu tiên là việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7-8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của TP.HCM. Phát triển Thủ Đức đi đôi với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, xây dựng nền kinh tế số.
Một số công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2021, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, công trình chống ngập do triều cường. Việc khởi công xây dựng dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng, đường vành đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.
TP.HCM có đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, thành phố này hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” trong những năm sắp tới. Trong lộ trình đó, có những dự án được thực hiện như cầu Cần Giờ nối với huyện Nhà Bè, đường trên cao Rừng Sác, khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.800 ha.
Chính phủ đã quyết định cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020. Theo HoREA, thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp.
HoREA cho biết thêm, sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trên địa bàn TP.HCM còn có sự tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột lợi ích giữa các nền kinh tế lớn: “Sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế và thị trường bất động sản có sự phụ thuộc vào kết quả công tác kiểm soát hiệu quả đại dịch CoVid-19 trong nước và trên thế giới, cũng như diễn biến của tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ xung đột lợi ích giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới”.
Thành phố 10 triệu dân nhưng chỉ có 2 triệu căn nhà
Nhân tố về cơ cấu dân số và nhu cầu nhà ở cũng là động lực để phát triển thị trường bất động sản.
Theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/2019, TP.HCM có hơn 8,9 triệu dân (theo số liệu của Công an thành phố, tổng dân số thành phố khoảng gần 13 triệu người, bao gồm khách vãng lai và người cư trú ngắn hạn), tốc độ tăng dân số cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người.
TP.HCM có hơn 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú, đông nhất là người Hàn Quốc với khoảng 110.000 người, người Nhật Bản khoảng hơn 8.000 người, người Đức khoảng 1.200 người, người Italia khoảng 570 người…
Người nước ngoài cư trú tập trung tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7; phường Thảo Điền, quận 2 và khu trung tâm thành phố. Riêng quận 7 có đến 20.000 người nước ngoài thường trú.
Theo kết quả khảo sát của Sở Xây dựng TP.HCM năm 2016, trên địa bàn thành phố có 1.675.810 căn nhà, trong đó: nhà kiên cố chiếm 37,6%, nhà bán kiên cố chiếm đến 60,1%, nhà thiếu kiên cố chiếm 1,9%, nhà đơn sơ chiếm 0,4%.
Nhà ở có tuổi thọ lớn trên 30 năm chiếm tỷ lệ 29,2%, nhà ở trên 40 năm chiếm tỷ lệ 15,5%, nhà chung cư có 1.440 khối (block) nhà, với 141.062 căn hộ, chiếm 8,4% trong tổng số nhà ở toàn TP.HCM.
Có đến 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 với 573 block đã bị xuống cấp, hư hỏng, trong đó, có 15 chung cư trong tình trạng nguy hiểm, mất an toàn cho người sử dụng (cấp D) chiếm 3,2% và 115 chung cư hư hỏng nặng (cấp C) chiếm 24,3%.
HoREA dẫn khảo sát của GS.TS Nguyễn Thị Hồng Xoan (Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM) cho biết, nhà có diện tích nhỏ dưới 60 m2 chiếm tỷ lệ đến 82%, nhà có diện tích dưới 30m2 chiếm tỷ lệ 42% tổng số nhà ở của TP.HCM.
Đáng nói là đến ngày 1/4/2019, TP.HCM vẫn có đến 188.815 hộ dân sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 6 m2/người.
HoREA khẳng định: “Tất cả các nhân tố trên đây sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi, tăng trưởng của thị trường bất động sản năm 2021 và các năm tiếp theo”.
__________________
Các yếu tố vĩ mô tác động đến sự phục hồi, tăng trưởng của thị trường bất động sản năm 2021
– Định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm với tầm nhìn đến năm 2045 sẽ định hướng thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.
– Một số cơ chế chính sách mới có tính đồng bộ, tính liên thông, tháo gỡ được các vướng mắc: Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật: Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP);
Sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021;
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021;
Trong quý 1/2021, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020.
– Kế hoạch phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông liên vùng tiếp thêm nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.
Nguồn: Viet Build Forum