Bất chấp nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, giá thịt lợn vẫn chưa giảm mạnh, hiện ở mức khá cao.
Bất chấp nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, bất chấp Chính phủ đề nghị doanh nghiệp phát huy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đồng thời yêu cầu các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính triển khai các biện pháp bình ổn, giá thịt lợn vẫn chưa giảm mạnh, hiện ở mức khá cao. Có lẽ, bên cạnh bài toán cung – cầu, câu chuyện về giá thịt lợn còn hàm chứa bài học về quản lý, quy hoạch.
Giá thịt lợn đang diễn biến bất thường khi sản lượng chỉ giảm hơn 20%, nhưng giá bán lại tăng tới hai lần. Việc giá thịt tăng phi mã không có gì khó hiểu, bởi rất khó dùng mệnh lệnh hành chính để ép thị trường, bởi với doanh nghiệp, lợi nhuận vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
Nói một cách công bằng, trước sự mất cân đối cung – cầu như hiện nay, thì không thể đòi hỏi giá thịt lợn phải giảm mạnh. Bản thân doanh nghiệp, người chăn nuôi vừa qua bị tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh, nên tâm lý muốn tận dụng giá thịt lợn cao để tranh thủ kiếm lời cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, chu kỳ tăng giá thịt lợn đã quá dài và có dấu hiệu cho thấy, một số doanh nghiệp lớn đã bắt tay liên kết thao túng giá. Chính vì vậy, đã đến lúc, cơ quan quản lý không thể chỉ kêu gọi tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp chăn nuôi có thị phần lớn.
Hiện nay, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 60% thị phần thịt lợn cả nước, khoảng 40% thị phần còn lại nằm trong tay doanh nghiệp chăn nuôi, trong đó Tập đoàn CP nắm thị phần chính. Thế nhưng, khối doanh nghiệp này, đặc biệt là một số doanh nghiệp lớn lại nắm vai trò dẫn dắt giá thịt trên thị trường.
Bài toán đặt ra là cần làm gì để đưa sản phẩm thịt lợn về đúng giá trị thực, để vừa đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, vừa bình ổn thì trường giá cả.
Để làm được điều này, trước hết bản thân người tiêu dùng phải bày tỏ chính kiến của mình bằng việc đa dạng hóa thực phẩm, chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác như thịt bò, gia cầm, trứng… từ đó giảm tiêu thụ thịt lợn. Một khi người dân giảm thói quen ăn thịt nóng, chuyển sang ăn thịt nhập khẩu và dần đa dạng hóa thực phẩm, thì doanh nghiệp chăn nuôi cũng không thể mãi neo giá thịt ở mức cao.
Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể thay đổi thói quen trong ngày một ngày hai, trong khi việc thanh kiểm tra để phát hiện sai phạm của các tập đoàn chăn nuôi lớn dày dạn kinh nghiệm pháp lý cũng không hề đơn giản. Chính vì vậy, giải pháp trước mắt để hạ nhiệt giá thịt lợn là vẫn phải đẩy mạnh nhập khẩu, bao gồm cả nhập khẩu thịt sống.
Song đây chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh tái đàn cho dù việc này không đơn giản.
Trong bối cảnh Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 khép chặt chăn nuôi nhỏ lẻ, thì việc tái đàn cũng gặp một số khó khăn do phải tuân thủ các quy định an toàn dịch bệnh và phải có quỹ đất cách xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là khâu vướng nhất ở các địa phương hiện nay, khiến việc tái đàn không nhanh như mong muốn.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi tái đàn rất cần thiết, bởi đây chính là lực lượng đóng vai trò lớn trong cân bằng cung – cầu thị trường khi chiếm trên 60% thị phần thịt lợn, qua đó có thể giảm bớt sự thao túng về giá của doanh nghiệp lớn.
Vấn đề đáng lo nhất hiện nay, là khi giá lợn đứng ở mức cao thì thị trường có nguy cơ hình thành mặt bằng giá mới.
Cụ thể, giá con giống đã được các “đại gia” chăn nuôi tăng gấp đôi, chưa kể giá thức ăn cũng có nguy cơ tăng. Như vậy, ngay cả khi số đầu lợn tăng do người dân đẩy mạnh tái đàn, thì giá thịt vẫn khó giảm, người nuôi không có lời, trong khi những doanh nghiệp chủ động từ con giống đến thức ăn lại đứng giữa hưởng siêu lợi nhuận và vẫn nắm lợi thế về giá cả.
Đáng ngại hơn là những doanh nghiệp đó có thể tiếp tục thao túng giá ngay cả khi thị trường thừa hay thiếu cung. Như vậy, hàng triệu người chăn nuôi, dù được hỗ trợ, song vẫn thua trắng tay doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà.
Rõ ràng, giải quyết bài toán giá thịt lợn hiện nay phải dựa trên dữ liệu và yếu tố cung – cầu thị trường, không thể trông chờ vào lòng tốt của doanh nghiệp. Đó phải là tổng thể giải pháp từ quy hoạch chăn nuôi, có nguồn lực đầu tư hợp lý. đến chủ động con giống, thức ăn, phát triển hệ thống phân phối, điều tiết thị trường, quản lý tình trạng thao túng giá, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lớn vào chuỗi giá trị…
Trên bình diện khác, sự leo thang về giá thịt lợn trong thời gian dài còn là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại lỗ hổng trong công tác quản lý, cũng là dịp để các doanh nghiệp trong nước nhìn rõ cơ hội gia nhập thị trường nếu đầu tư bài bản.
Nguồn: Đầu tư