6 tháng sau chuyến đi đánh cược cả mạng sống, ông Hùng vẫn còn run run khi kể lại hành trình qua châu Á và Âu, để về lại trường cũ ở Nga sau 44 năm.
Dừng xe tại cửa tiệm nhỏ của gia đình trên đường Bà Triệu, Hà Nội, người đàn ông dáng người nhỏ con, cao chừng 1,6 m, mái tóc bạc được buộc gọn gàng phía sau, dựng chiếc Honda 67 lên vỉa hè và nở nụ cười nồng hậu. Ông là Trần Lê Hùng, 66 tuổi, kỹ sư nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo về hưu – người từng “cưỡi” con xe 500 phân khối vượt qua hai châu lục, đến 39 quốc gia trong suốt 6 tháng ở tuổi 65.
Vốn có máu phượt từ thời trẻ, ông Hùng gắn bó với chiếc Honda 67 từ những năm 1976. Ông từng cùng người yêu (giờ là vợ) khám phá mọi cung đường dọc dải đất hình chữ S, từ cực Bắc đến cực Nam… “Con ngựa sắt” cũng bầu bạn với ông trong chuyến xuyên biên giới Việt – Lào.
Chỉ vào chiếc xe, ông Hùng tự hào nói: “Trông nó cũ kỹ vậy nhưng máy móc, linh kiện đều được thay và độ lại, giờ chạy không kém gì các loại xe đời mới”.
Trong một lần đọc tin về Đặng Trần Đăng Khoa – thanh niên đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, ông Hùng ấp ủ một chuyến đi của riêng mình. “Ngày ấy tôi nghĩ nếu được tận mắt ngắm nhìn thế giới trên con xe 67 thì sướng biết bao”, ông bộc bạch.
Nghĩ là làm, người đàn ông 66 tuổi tìm đến một đơn vị chuyên dẫn tour phượt nước ngoài. Sau một năm với nhiều lần lỡ hẹn, ông được giới thiệu một chuyến đi dài 6 tháng, qua hai châu lục.
Dự tính ban đầu, ông sẽ khám phá Con đường tơ lụa của Trung Quốc, nhưng khi thấy lịch trình có đi qua nước Nga – nơi 44 năm về trước ông là lứa lưu học sinh đầu tiên được cử sang Liên Xô du học, chuyên ngành tự động hóa, ông đồng ý luôn.
Ông Hùng kể, từ ngày về nước, ông từng trở lại Nga hai lần, nhưng chưa có dịp về thăm trường cũ ở Georgia. Và đây là lúc ông quyết định thực hiện chuyến hành trình 45.000 km để trở về trường xưa.
Để chuẩn bị cho hành trình dự tính xuyên qua châu Á và Âu, ông Hùng cùng vợ vào miền Nam mua chiếc Honda CB500X nặng 200 kg, sau đó chuyển máy bay ra Hà Nội. Đây là loại xe dành cho người 1,7-1,8 m, không phù hợp với những người nhỏ con như ông. Để có thể sử dụng, ông độ lại xe, hạ độ cao, thay ghi-đông, lắp thêm hộp để đồ, mua sắm đồ bảo hộ… rồi mang sang trung tâm dạy lái xe tập luyện mỗi ngày.
Suốt nửa năm chuẩn bị, ngoài tập xe, ông tích cực rèn luyện thể lực như đi bơi, đá bóng, tập võ để có sức khỏe tốt nhất.
Ngày 1/7/2019, trước ngày khởi hành, người đàn ông 66 tuổi đã lén soạn di chúc, giấu người thân gửi luật sư, đề phòng bất trắc trong chuyến đi. Ông nói: “Đó là chuyến đi tôi đánh cược cả mạng sống”.
“Với một người còn khỏe mạnh như tôi, viết di chúc để lại cho vợ con trước một chuyến đi quả khó khăn gấp trăm lần so với những cung đường sẽ phải trải qua trong 6 tháng trời”, ông Hùng tâm sự thêm.
2/7/2019, ông Hùng tạm biệt người thân, bắt đầu hành trình cùng những người bạn.
Đoàn của ông gồm bốn người, trong đó có hai hướng dẫn viên và hai khách. Ngày đầu tiên trên cung đường tại Lào, lúc đến đoạn đường hiểm trở, để tránh lao xuống vực, ông Hùng buộc phải đâm xe vào cột mốc bên đường. Chiếc xe máy gãy gập cổ nằm sát mép vực, còn ông văng ra vệ cỏ ven đường.
Bình tĩnh ngồi dậy, hít thở sâu, người dẫn đoàn hỏi dò ông có đi được tiếp hay dừng lại, không chần chừ, ông nói lớn: “Đi tiếp”.
Kéo xe lên, người dẫn đoàn liên hệ sang Thái Lan để tìm linh kiện thay thế. Xe sửa xong, đoàn xe hướng thẳng tới biên giới Trung Quốc. Chuyến đi được sắp xếp lịch trình cố định, ông Hùng và đoàn xe không có thời gian để nghỉ ngơi.
Nắng nóng đã khổ, nhưng có ngày ông Hùng buộc phải chạy xe hơn 600 km dưới cái rét âm 16 độ C. “Mặc đồ bảo hộ chẳng ăn thua gì. Tay chân tê buốt, mặt lạnh cứng”, ông Hùng nhớ lại.
Ông nhớ đến lần chinh phục đèo Tossor cao gần 4.000 m ở Kyrgyzstan. Khi ấy trời tối đen như mực, lạnh tê tái, người đàn ông 66 tuổi phải nằm lại trên đèo cùng người dẫn tour, xung quanh tuyết phủ trằng và đợi đội cứu hộ đến.
“Lúc đó trời lạnh tê tái, không có chăn, tôi phải quấn toàn bộ quần áo lên người, nhưng lạnh quá cũng không ngủ được. Chỉ cầu mong ôtô cứu hộ đến nhanh, nếu không khả năng sống sót rất mong manh”, ông nhớ lại.
Đối với những biker (người lái xe mô tô), số đồ đạc mang theo chỉ được gói gọn trên xe. Nếu thừa phải vứt bỏ để xe không bị chênh lệch, nặng nề, dễ gặp tai nạn. Suốt chuyến đi, đồ đạc chỉ có vứt bớt thay vì mua thêm. Nhiều món đồ vì tiếc, ông đành chụp ảnh lại như một cách lưu giữ.
Suốt quá trình di chuyển, người phượt thủ già không nhớ hết những lần mình ngã xe, người văng xa cả đến chục mét hay mệt lả đến mức ngủ giữa đường… Gian truân là thế nhưng chưa một lần ông có ý định bỏ cuộc.
Không khoe về những nơi mình đến hay số tiền khổng lồ phải bỏ ra, ông Hùng lại hào hứng nhắc về quãng thời gian được trở về mái trường xưa.
Ngày đặt chân đến nước Nga, những ký ức xưa trong trí nhớ của người học trò già ùa về. Sau hơn bốn thập kỷ, ông lại được bước trên con đường mình từng đến trường. Ông nhận ra ngôi trường không thay đổi, chỉ có cây cối là lớn vượt tầm mắt. Đỗ xe trước cổng trường, người học sinh năm nào chậm rãi bước vào trong.
Ngày trở về, người ông mong muốn được gặp là cô giáo đầu tiên dạy tiếng Nga cho ông để nói một lời cảm ơn, nhưng không may cô đã qua đời cách đây 3 năm. Nghe tin cô giáo qua đời, nước mắt ông cứ thế chảy dài.
Trước khi đi, ông nhặt một quả thông khô dưới hàng cây ngày trước mình ngồi học bài để mang về Việt Nam. Đó cũng là thứ duy nhất ông mang về nước.
Ngoài những lúc rong ruổi trên đường, tối đến ông thường facetime hoặc nhắn tin với vợ để gia đình yên tâm. Ngoài ra, ông không lên mạng xã hội vì không muốn phân tâm.
6 tháng ngồi trên xe máy, tấm hộ chiếu đóng kín các mặt giấy. Di chuyển từ nơi lạnh nhất đến nơi nóng nhất, nhưng phượt thủ già chưa một ngày than mệt.
Đến chiều 19/12/2019, ông đỗ chiếc xe phân khối lớn trước cửa nhà, kết thúc chuyến hình trình dài 45.00 km, tiêu tốn 2.000 lít xăng, hai lần thay xích, ba lần thay lốp, một lần thay đầu xe và vô số lần ngã xe chảy máu. Nhìn chuyến hành trình suốt 6 tháng, ông nói: “Thế là kết thúc”.
6 tháng trôi qua, ký ức về chuyến hành trình liều lĩnh vẫn còn nguyên trong lòng ông. Nếu hỏi thích thú không, ông sẽ gật đầu. Còn nếu hỏi có sợ không, ông Hùng tếu táo: “Có khi giờ hồn vía mới về đủ. Nghĩ lại vẫn rùng mình”.
Chuyến đi đã dừng lại, ông không muốn nhận danh “người hùng làm điều phi thường” mà nhiều người hay gọi. Ông Hùng chỉ muốn truyền cảm hứng và động lực về sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn đến với người trẻ thông qua chuyến đi. “Với tôi, đã là con người thì được quyền mơ mộng. Chỉ khi mơ mộng và có đam mê, mới có thể biến sự viển vông thành hiện thực, dù có khi phải trải giá. Và tôi chấp nhận để hoàn thành ước mơ”, ông nói.
Bạn Quang Minh, 21 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) tìm đến nhà ông Hùng sau khi nghe câu chuyện ông lão 66 tuổi chinh chiến qua hai châu lục suốt 6 tháng. Cũng đam mê phượt, nhưng Minh mới chỉ khám phá Tây Bắc, chưa dám thử sức với cung đường quốc tế. Anh tìm đến “thần tượng” để mong được truyền thêm năng lượng để theo đuổi khát khao chinh phục những chuyến đi lớn hơn.
Thấy chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết tìm gặp, ông Hùng tiếp tục kể về những chuyến đi. Trong câu chuyện của ông luôn có những tình huống cụ thể và kỹ năng xử lý tình huống – điều mà ông đã đúc rút được trong chuyến hành trình “sinh -tử”.
Nguồn: IOne