Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (thay thế Nghị định 68/2019/NĐ-CP), hiệu lực từ ngày 9/2/2021, có nhiều điểm mới bổ sung, sửa đổi, được kỳ vọng giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng trong sản xuất, kinh doanh.
Quy định chi tiết về chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
Tổng mức đầu tư xây dựng được quy định gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng.
Điểm mới đáng chú ý là Nghị định này có quy định về chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm:
– Chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định.
– Các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.
– Chi phí tái định cư.
– Chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
– Chi phí sử dụng đất, thuê đất tính trong thời gian xây dựng (nếu có).
– Chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác.
Chi phí xây dựng gồm:
– Chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình của dự án.
– Công trình, hạng mục công trình xây dựng tạm, phụ trợ phục vụ thi công.
– Chi phí phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi của công tác phá dỡ giải phóng mặt bằng đã được xác định trong chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Chi phí thiết bị gồm:
– Chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ.
– Chi phí quản lý mua sắm thiết bị (nếu có).
– Chi phí mua bản quyền phần mềm sử dụng cho thiết bị công trình, thiết bị công nghệ (nếu có).
– Chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có).
– Chi phí gia công, chế tạo thiết bị cần gia công, chế tạo (nếu có).
– Chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh.
– Chi phí chạy thử thiết bị theo yêu cầu kỹ thuật (nếu có).
– Chi phí vận chuyển; bảo hiểm; thuế và các loại phí; chi phí liên quan khác.
Các loại chi phí khác cũng được quy định chi tiết gồm:
Chi phí quản lý dự án, được quy định chi tiết tại Điều 30, là chi phí cần thiết để tổ chức quản lý việc thực hiện và thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng.
Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được quy định chi tiết tại Điều 31, là chi phí cần thiết để thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng.
Ngoài ra còn có chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án. Nhóm chi phí khác gồm 15 loại chi phí cần thiết để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, cũng được quy định cụ thể.
Giúp giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp
Dự toán gói thầu xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng liên quan đến việc mời tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định hoặc yêu cầu thẩm tra dự toán xây dựng công trình… cũng được quy định chi tiết.
Trong khi đó, quy định giao chủ đầu tư thực hiện thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí các công việc chuẩn bị để lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và các chi phí tính chung cho cả dự án… đã được lược bỏ, bổ sung, giúp giảm thiếu thủ tục và giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Theo Bộ Xây dựng, Nghị định 10/2021 được ban hành không chỉ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, mà còn giúp giảm thiểu những chi phí phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính.
Tại Bộ Xây dựng, tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án khoảng 2,33 – 4,83% tổng mức đầu tư; tỷ lệ cắt giảm dự toán sau thẩm định khoảng từ 3,74 – 4,3% giá trị đề nghị thẩm định.
Tại các địa phương, tổng số hồ sơ dự án thực hiện sửa đổi sau khi thẩm định giảm còn 40%; tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm định dự án vào khoảng 1,29 – 4,25% tổng mức đầu tư.
Nguồn: Viet Build Forum