Với thu nhập ngày càng tăng, người Việt Nam mạnh tay chi tiêu mua các loại mì cao cấp dù giá có đắt đỏ.
Thời gian gần đây, các đại gia ngành thực phẩm đã đẩy món ăn bình dân là mì ăn liền trở thành mặt hàng cao cấp. Giờ đây chất lượng, an toàn, tính tiện lợi quyết định sự thành bại trong kinh doanh ngành mì chứ không chỉ là chuyện giá cả như trước đây.
Mì gói siêu đắt
Ông lớn Nhật Bản Acecook vừa xây dựng hẳn một nhà hàng chuyên biệt mì ăn liền trên đất Việt. Nhà hàng này đặt tại một trung tâm thương mại ở Hải Phòng với tên gọi Acecook Buffet Mì Ly.
Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam (VN), cho biết điểm khác biệt tại nhà hàng này là khách có thể tự sáng tạo nấu ra món mì ăn liền cho riêng mình thông qua các nguyên liệu và nước súp sẵn có. Ông cũng kỳ vọng đón được nhiều khách và sẽ mở thêm nhiều nhà hàng theo kiểu này tại Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội.
Mục tiêu mà Acecook nhắm đến là phân khúc mì ăn liền cao cấp khi phát hiện thấy người tiêu dùng bắt đầu mạnh tay chi cho sản phẩm đắt tiền hơn. “Thị trường mì ăn liền VN ngày càng cạnh tranh gay gắt. Nhưng đây là động lực để các công ty nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng tốt hơn. Tiềm năng phát triển của thị trường mì ăn liền tại VN vẫn còn dư địa, điều mấu chốt là có tìm ra sản phẩm phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hay không” – ông Kajiwara Junichi nói.
Không chỉ có Acecook nhìn thấy thị trường mì ăn liền cao cấp đang phát triển mà một số tên tuổi quốc tế khác cũng thâm nhập vào phân khúc này. Hàng loạt sản phẩm mì ngoại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đang đổ bộ vào VN với giá bán trung bình 20.000-40.000 đồng/gói.
Lợi nhuận khủng Nhiều công ty đạt mức lợi nhuận khủng từ các sản phẩm mì gói. Theo thống kê năm 2019, Acecook dẫn đầu thị phần đạt doanh thu thuần 10.648 tỉ đồng, lợi nhuận ròng tương đối ấn tượng đạt 1.660 tỉ đồng; Asia Foods thu về khoảng 5.454 tỉ đồng; Masan thu về 4.968 tỉ đồng riêng từ bán mì và Uniben thu về gần 2.860 tỉ đồng.Như vậy, riêng bốn ông lớn bán mì của VN đã có tổng thu gần 24.000 tỉ đồng, tức trên 1 tỉ USD. |
Thậm chí cách đây không lâu, mì tôm có kèm hai con bào ngư thật nhập từ Malaysia đã tạo ra cơn sốt tiêu dùng dù giá bán lên tới 150.000 đồng/gói. Hiện nay trên các kệ của siêu thị, những gói mì nhập khẩu với giá trên dưới 100.000 đồng/gói không hiếm.
Đáng chú ý, Tập đoàn Masan, tên tuổi lớn đứng thứ hai thị trường mì ăn liền VN, là người chơi có đủ nguồn lực cạnh tranh với các đối thủ ngoại. Những dòng mì ăn liền cao cấp của Masan có giá lên đến vài chục ngàn đồng một gói.
Tỉ phú USD Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, đánh giá ngành này đang cạnh tranh rất khốc liệt với nhiều công ty tham gia với vô số thương hiệu cùng cạnh tranh về giá, mùi vị, thành phần và chất lượng. “Trong bối cảnh này, nhiều năm qua chúng tôi tập trung vào chiến lược cao cấp hóa ngành hàng mì ăn liền để vượt lên tăng trưởng so với các dòng sản phẩm mì gói truyền thống của VN” – ông Quang nói.
Quan niệm về mì ăn liền đã thay đổi
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại nước ta. Trong đó có nhiều tên tuổi đang nổi lên như Acecook VN, Masan, Asia Foods… Các đại gia lớn nhất trong ngành mì ăn liền đều có doanh thu và lãi ròng cực lớn. Riêng các thương hiệu vang bóng một thời như Miliket, Vifon cũng đang chật vật cạnh tranh với các ông lớn thế hệ sau.
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhìn nhận: Đô thị hóa cao, lối sống bận rộn kết hợp với tăng trưởng kinh tế dẫn đến hình thành tầng lớp trung lưu có thu nhập tốt và sẵn sàng chi mạnh tay cho mặt hàng đắt tiền. Đây là động lực để các công ty sẵn sàng tung ra những gói mì ở phân khúc cao cấp với giá rất cao mà vẫn có người mua.
Lâu nay nhiều công ty rất ngại bán các sản phẩm cao cấp, đặc biệt là món mì ăn liền gắn với hình ảnh bình dân, vì lo không có người mua. Một nỗi lo khác là sản phẩm đắt tiền cũng gắn với chi phí sản xuất cao, rất dễ có rủi ro kinh doanh nếu sản phẩm không được người tiêu dùng đón nhận. Nhưng thực tế đã chứng minh mô hình kinh doanh định vị mì ăn liền giá cao cấp đem lại nhiều lợi thế lớn so với mặt hàng phổ thông.
“Biên lợi nhuận sẽ tăng cao qua mỗi sản phẩm được bán đi. Đây là phần thưởng cho những thương hiệu sản xuất hàng cao cấp hướng đến, đồng thời loại bỏ những đối thủ bám theo sau” – ông Phương nói.
Điều này rất dễ nhận thấy qua thương hiệu vang bóng một thời Miliket đang chịu sức ép mạnh từ nhiều đối thủ. Bởi trong lúc các thương hiệu lớn chi tiền khủng cho quảng cáo, tiếp thị thì Miliket vẫn chỉ trung thành với hình ảnh xưa cũ, sản phẩm giá rẻ nhắm tới phân khúc bình dân.
Hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel lưu ý rằng, các công ty tham gia vào thị trường mì ăn liền luôn gặp thách thức lớn về mặt cạnh tranh. Vì cứ hai ngày lại có thêm một sản phẩm mì ăn liền xuất hiện với đủ loại gia vị, giá cả, bao bì…
Điều này cũng có nghĩa là càng nhiều sản phẩm, càng nhiều đối thủ tham gia thì cạnh tranh càng khốc liệt. Do đó buộc nhà kinh doanh phải đầu tư rất nhiều nguồn lực để xây dựng thương hiệu, chương trình tiếp thị nhằm thúc đẩy nhận diện sản phẩm, thu hút người mua.
Người Việt mua 5,4 tỉ gói mì trong một năm Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), VN hiện đứng thứ năm thế giới về tỉ lệ tiêu thụ mì ăn liền với 5,4 tỉ gói mì được tiêu thụ trong năm ngoái. Con số này chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nhật. Như vậy, trung bình mỗi năm người VN ăn khoảng 57 gói mì. Theo một khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen VN, tỉ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Đặc biệt, năm nay ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch COVID-19 toàn cầu. Cá biệt, khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp, có công ty của VN xuất khẩu mì tăng 300%. Đây cũng là một trong những lý do khiến cuộc đại chiến trên thị trường mì tôm trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Đáng chú ý là các sản phẩm mới cao cấp đã phá vỡ quan niệm cũ về những gói mì với mức “giá sinh viên”. |
Nguồn: Pháp luật TP.HCM