Trang chủ Sống Sống chậm thời Covid mà thứ gì cũng khoe, vẫn ‘like’ ầm...

Sống chậm thời Covid mà thứ gì cũng khoe, vẫn ‘like’ ầm ầm

57
0
Chia sẻ

Góc nhìn của TS Mai Anh Tuấn – giảng viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội, về câu chuyện tập sống chậm mùa dịch Covid-19.

Sống chậm thời cô víc mà thứ gì cũng khoe, vẫn like ầm ầm - Ảnh 1.
Một hệ thống nhà hàng chay tại Sài Gòn nấu hàng trăm phần cơm chay mỗi ngày tặng người lao động trong mùa dịch COVID-19

Nhiều người thường đồng nhất “sống chậm” với sự nghỉ ngơi, nhàn nhã rong chơi và là cách lý tưởng nhất để được chăm chút, ngắm nghía bản thân mình hết mức có thể.

Thứ gì cũng khoe, vẫn “like” ầm ầm

Theo tôi, không gian sống ngoài xã hội, nơi người ta dễ nhận thấy sự xuất hiện hay vắng mặt của nhau, chưa phải là nơi chốn để minh chứng lối sống chậm. Xe cộ có thể bớt đông, những con phố trở nên vắng lặng, bụi bẩn ngừng bay lên trời và những tạp âm ồn ào nhất đã không còn vây bủa, quang cảnh phổ biến ở nhiều thành phố lớn trong mùa COVID-19 này có lẽ chỉ làm chúng ta tạm thời tin rằng mọi người đều an tâm ở nhà, một không gian sống nhỏ và yên ắng hơn.

Nhưng nếu sống chậm mà chỉ rút lui và trở lại chính ngôi nhà của mình, nhận ra hương vị quen thuộc nơi bếp núc và ưa thích với những công việc giản đơn mà lâu nay vẫn giao cho ôsin, thì chưa chắc đã mang đến sự vỡ lẽ sâu xa trong thế giới tinh thần của mình.

Đọc sách và chăm cây, nhiều người coi đó là biểu hiện của sống chậm. Và mạng xã hội Việt Nam thời gian qua ngập tràn các lời xuýt xoa sách vở, nắng bancông và tiếng chim hót trong bụi hoa hồng.

Sách, hoa, các món ăn tự chế, các cốc cà phê tự pha, các bài thiền tự tập, các bản nhạc tự lên danh sách… không có gì là không phô ra để cộng đồng mạng biết mình đang “cảm thấy vui vẻ” trong mùa dịch gây hoang mang, lo lắng muôn nỗi.

Sống chậm nhưng vẫn thường “khoe nhanh” thì đâu có thể làm lòng mình lắng lại như chủ trương của lối sống này?

Tôi nghĩ, sống chậm cần đến khả năng tạo dựng năng lượng bình tâm đủ mạnh để không “hoắng” lên than thở, trách móc, cáu gắt với mình và xung quanh. Và cũng đủ tỉnh táo để ngăn bản thân không rơi vào trạng thái quá si mê, đắm đuối những gì mình đang có, đang làm bất luận nó có vẻ long lanh thế nào.

Khi tâm thức vẫn còn bị “lay động” chỉ bởi một nút bấm like thì về cơ bản, chẳng có gì đảm bảo rằng người ta không cuống cuồng, vội vã chuốc lấy những tất bật, bận bịu rất phù phiếm.

Sống chậm để tiến, không phải ù lì

Tìm kiếm và tự tin với những thực đơn hoàn thiện, phát triển bản thân dài hơn một tuần, một tháng một năm mới là điều khó khăn nếu theo sống chậm.

Khi đó, mỗi người vẫn phải làm việc nhưng không nhất thiết phải kể công hoặc tranh công, vẫn nên tích cực sử dụng các năng lực vốn có để cuộc sống giàu có, phong phú hơn mỗi ngày chứ không phải để giàu xổi trong chốc lát.

Cũng như sống xanh, trồng một cái cây cần đến đời người kiên trì chăm sóc, sống chậm cần một tốc độ nhanh của những hạt mầm tốt đẹp trong ý nghĩ, hành động. Biến cố dịch Covid-19 sẽ qua đi nhưng không có gì đảm bảo các biến cố tương tự không xảy đến.

Bởi thế, sống chậm không cho phép lòng chẳng nỡ được nguội lạnh quá lâu và thái độ “hòa cả làng” được nâng lên thành nghệ thuật che đậy khéo léo những sai lầm, cẩu thả và tắc trách của chúng ta.

Nếu thưởng trà, đọc sách, xem phim tại gia chỉ đem lại chút an vui tạm thời thì nghĩ ngợi về cánh đồng đang cần nước, những cánh rừng đang cần xanh, hay nhỏ hơn, những gói mì dư thừa đang cần chia sẻ, ắt hẳn làm tâm trí mỗi người thao thức thêm nhiều khắc giờ vốn dĩ đã ngắn ngủi.

Trong quá khứ, bởi tuân theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp, người Việt xưa nhìn chung là có nhiều khoảng nông nhàn với nhịp điệu sống tương đối chậm rãi, thậm chí khá trì trệ. Trạng thái sáng vác ô đi tối vác về lây sang cả tầng lớp nho sĩ dài lưng tốn vải và một bộ phận nhàn quan loăng quăng khắp chốn.

Chính vì thế, chúng ta sống chậm để thúc đẩy bước tiến của xã hội chứ không nên cổ vũ thái độ rề rà, lừng khừng, ăn no rồi lại nằm khoèo khiến bản thân và cộng đồng rơi vào những độ lùi oái oăm.

Rất nên cảnh giác với thói tính nông nhàn lẻn vào những lúc trà dư tửu hậu để Mẹ Trái đất nghỉ ngơi. Nhưng mặt khác, tôi cũng không tin rằng người sống chậm là người nhập vai kẻ sĩ lạc thời ra vẻ giữ khoảng cách với bách chúng đang nhốn nháo mưu sinh.

Chính trong những tình thế khó khăn như giai đoạn cách ly phòng chống dịch này, người sống chậm sẽ tìm cách nhanh hơn một bước khi bắt tay làm công việc nào đó, ngay lúc bình minh vừa ló rạng.

Nếu đầu óc chúng ta luôn đinh ninh rằng đang có điều gì xảy ra ở đẩu đâu đến mức lo sợ bỏ lỡ thứ gì đó (Fear Of Missing Out), một căn bệnh ngày càng trầm trọng của thời đại truyền thông số, thì chính chúng ta đang bỏ lỡ những việc làm hữu ích cụ thể trước mắt, tại đây và ngay lúc này, để cảm nhận về sự hiện hữu rõ nhất.

Cho nên, trái với thói quen “phản ứng nhanh”, sống chậm thường băn khoăn về những câu hỏi cần độ trễ của câu trả lời chín chắn, kỹ càng.

Nguồn: Tuổi Trẻ