Trung bình mỗi năm Việt Nam đón nhận xấp xỉ 12 cơn bão lớn nhỏ, cả chục trận lũ lụt, sạt lở núi. Trong đó, khu vực miền Trung – Tây Nguyên là nơi luôn phải “chịu trận” nặng nề nhất. Gần đây lại thêm các đợt dịch bệnh nghiêm trọng như COVID-19, bạch hầu, sốt xuất huyết…
Vậy nên chỉ còn cách đối mặt, sống chung. Nhưng làm thế nào để giảm thiểu những thiệt hại?
Đó là những chia sẻ của Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Phó Viện Trưởng Viện Kinh tế Du lịch nông nghiệp (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) với các nông hộ tại miền Trung, Tây Nguyên – khi tư vấn, giúp họ xây dựng các nông trại kết hợp khai thác du lịch.
Hãy về với tự nhiên
Giữa sự hoang mang và lo âu của thế giới vì đại dịch COVID-19, đã thể hiện rõ những thay đổi về các thang đo giá trị của con người hiện đại.
Những thế kỷ gần đây, thế giới đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau và đa số đều liên quan đến dầu mỏ. Tuy vậy, thời gian tới những cuộc khủng hoảng xảy ra sẽ liên quan đến vấn đề lương thực, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Trong kịch bản xấu nhất, biến đổi khí hậu sẽ làm mực nước biển dâng từ 0,55 đến gần 2m vào năm 2100. Theo đó bão, lũ sẽ nhiều và khốc liệt hơn. Thảm họa sẽ liên tục xảy ra. Mặt khác, xung đột trên thế giới ngày càng leo thang. Tuy không phải bằng súng đạn, bom mìn… nhưng sự xung đột bằng thông tin, văn hóa, sắc tộc… không kém phần khốc liệt.
Cuộc chiến về thông tin, văn hóa, các sản phẩm riêng có của từng vùng đất, từng cộng đồng khác nhau làm sự bất ổn gia tăng. Môi trường sống con người ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là trong tương lai.
Chúng ta đã chứng kiến những đoàn người từ TP.HCM và các đô thị công nghiệp phía Nam trong mùa dịch COVID-19 cuối năm 2021 di chuyển về các vùng quê. Rồi những đoàn người về quê năm 2022 khi kinh tế suy thoái, doanh nghiệp đứt đơn hàng, công nhân mất việc… Thực tế cuộc “tháo chạy”, rời bỏ đô thị để về nông thôn tương tự đã từng xảy ra, nhưng nhỏ lẻ, thầm lặng và ở đối tượng khác, có thu nhập cao và đời sống đủ đầy hơn.
Khi không còn quá lo về cơm ăn áo mặc, một căn nhà trú tránh mưa nắng, thì nhu cầu, đòi hỏi của con người cũng thay đổi theo. Đã có nhiều người rời đô thị vì chất lượng không khí kém, môi trường sống ô nhiễm. Họ tìm về các miền quê, để có một không gian sống gần gũi với thiên nhiên, để tĩnh tâm, để thiền, để giao tiếp chậm trong thanh tịnh.
Nông nghiệp sạch, du lịch sẽ giúp phát triển bền vững
Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để thực hiện xu hướng sống này. Khi lũ lụt, bão biển, dịch bệnh ngày càng gia tăng, gây hậu quả nặng nề ở đô thị, thì càng chứng tỏ xu hướng này đang rất phù hợp.
Sống gần gũi với tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên thì con người sẽ được bảo vệ. Thật ra, chân lý này đang được thực nghiệm tương đối phổ biến trên thế giới. Nhiều nơi ở Việt Nam cũng bắt đầu có xu thế sống, sản xuất, đầu tư, kinh doanh theo hướng dự vào thiên nhiên, tôn trọng môi trường để phát triển bền vững…
Những quốc gia giàu có nếu không nắm được một vùng đất để canh tác nông nghiệp, rồi họ cũng phải đối mặt với những khó khăn về an ninh lương thực. Trong khi đó, Việt Nam là một đất nước có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, nông sản phong phú, lương thực dồi dào, con người hiếu khách, thân thiện… Hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nông nghiệp, vì vậy, đây là cơ hội tốt để người dân, doanh nghiệp dần thay đổi quan niệm sống xanh, đầu tư và phát triển bền vững.
Nguồn: Lao động