Tin tức giả, bấm like, share là ảo, nhưng hành động đó của chúng ta có thể để lại hậu quả thật, tác động thật đến môi trường.
Sống xanh không khó là một trong số rất ít sách về môi trường
do tác giả người Việt viết cho độc giả Việt.
Được sự đồng ý của công ty sách Sống,
Zing xin trích một phần nội dung sách.
Trong thời buổi công nghệ hiện đại ngày nay, chỉ cần gõ vài chữ trên thanh tìm kiếm là bạn đã có ngay cho mình hàng loạt bài viết liên quan đến lối sống xanh.
Khi lòng tốt trở nên vô nghĩa
Nhưng giữa rừng thông tin đó, có những bài viết đúng, cũng có những bài viết sai. Lợi dụng vào đó, nhiều trang fanpage trên mạng xã hội đã tận dụng “sống xanh” để… kiếm danh, bằng cách đăng những bài viết tưởng đúng mà hóa ra sai lè.
Nổi bật nhất trên Facebook từng có một bài viết chia sẻ cách xử lý các loại pin ngay tại nhà hiệu quả. Đại ý gồm có 4 bước: Bỏ pin vô chai, bỏ cát thêm vô rồi đổ nước cho đầy chai và đem chôn xuống đất. Tác giả bài viết giải thích: “Bằng cách này, nước hấp thụ axit, cô đọng trong chai nhựa và không gây ô nhiễm”.
Ngay từ đầu bài, tác giả đã dùng giọng văn có vẻ hơi “khiêu khích”: “Trong lúc chờ dài cổ các hiệp hội bảo vệ môi trường, các nhóm kêu gào thu gom pin đưa ra quy trình xử lý pin 1 cách đúng đắn, chứ không phải tuồn pin ra làm cà phê, nấu bắp… thì chúng ta tự xử lý pin theo cách đơn giản như hình đính kèm”.
Có lẽ đánh trúng tâm lý “sống xanh” kiểu vội vàng, hay chỉ làm theo hình thức cho có để không tụt hậu so với số đông mà nhiều người đã hưởng ứng nhiệt liệt, bằng cách bấm nút like và chia sẻ.
Thậm chí, có trang fanpage còn tiên phong làm theo và chụp hình, lan truyền rộng rãi. Chưa bao giờ công thức “nhiệt tình + thiếu tìm hiểu = phá hoại” lại chính xác như trường hợp này.
Chắc chắn nhiều bạn sẽ lại ném đá tôi và bênh vực những người ở trên bằng những lời biện minh: “Đừng tránh móc vì dù sao họ cũng đã có thiện chí sống xanh rồi mà”, “Có thể họ làm sai nhưng họ không có ý xấu”, “Chừng nào hành động như họ đi rồi hẵng lên tiếng, đừng có ngồi một chỗ mà chê bai lòng tốt của người khác”…
Từ khi nào lòng tốt lại trở thành vũ khí để biện hộ cho hành động sai của con người vậy nhỉ? Tôi cần bạn phân biệt rõ ràng rằng tôi không chê bai ý tốt của họ mà chỉ đơn giản là không đồng tình với cách làm sai, cách hưởng ứng thiếu tìm hiểu của những người “sống xanh vội vã” mà thôi.
Bạn thử tưởng tượng xem, hàng trăm nghìn con người đang sử dụng Facebook sẽ nhân danh lòng tốt mà làm theo, chôn hàng trăm chai đựng pin, cát, nước xuống đất.
Dù chai nhựa có mất hàng trăm năm đến cả nghìn năm để phân hủy thì cũng không ai dám đảm bảo rằng nó sẽ không bị biến dạng, không tạo ra lỗ thủng và những chất độc hại trong pin không rỉ ra ngoài, thấm vào lòng đất gây hại đến môi trường.
Như vậy chẳng phải lòng tốt đó đang trở nên vô nghĩa sao. Không những vô nghĩa mà còn gây ra hậu quả khó lường thì còn nguy hiểm hơn gấp nghìn lần.
Hãy thực hiện theo chỉ dẫn của các tổ chức uy tín
Trong khi các nhà khoa học, cơ quan chức năng đang ra sức nghiên cứu cách xử lý tốt nhất thì thiết nghĩ nếu chúng ta không làm được như họ, không tìm ra phương án mang tính triệt để thì đừng làm cho mọi chuyện trở nên rối nùi thêm.
Nếu như chỉ xử lý số lượng pin thải ra thuần túy thì họ sẽ chỉ cần tìm ra phương án A, nhưng vì nóng vội chúng ta lại làm cho pin trở nên độc hại hơn theo nhiều kiểu khác nhau thì có khi phương án A lại trở nên vô dụng.
Mọi người lại phải đầu tư công sức, tiền bạc để bắt đầu lại và tìm ra những phương án B, C, D… phức tạp hơn, vấn đề ô nhiễm môi trường lại bị kéo dài hơn mà chẳng nên cơm cháo gì.
Việc chúng ta cần làm là hãy thực hiện theo các chỉ dẫn của các tổ chức uy tín, có sự công nhận của cơ quan chức năng, sự kiểm nghiệm của các nhà khoa học để tham gia vào quy trình của họ. Đó cũng là cách chúng ta giúp họ làm tốt và đẩy tiến độ nhanh hơn công việc của mình.
Mà muốn không bị lạc vào ma trận thông tin trên mạng, nhất là những tin đồn, tin giả về sống xanh thì bạn có thể tham khảo và thực hiện theo các bước sau:
1. Không nên đặt trọn niềm tin vào các bài viết mang tính chia sẻ cá nhân theo kiểu: “Nghe bà hàng xóm nói rằng bí kíp này hay lắm…”, “Hôm bữa gặp anh kia gần nhà chia sẻ cách làm này khá hiệu quả…”, “Tôi nghĩ rằng…” mà thiếu các con số thống kê, tài liệu dẫn chứng uy tín.
2. Luôn đặt câu hỏi lật ngược vấn đề, ví dụ: “Tại sao làm phương án A tốt hơn phương án B?”, “Cách sống xanh mọi người truyền miệng hiệu quả ra sao so với cách mà báo chí đăng tải?”…
3. Đọc comment dưới các bài viết và xem cộng đồng phản ứng thế nào. Nhớ chỉ chú tâm đến những comment mang tính chất phân tích đúng vào chủ đề, còn những comment mang tính hùa theo hoặc chỉ là “hóng chuyện” thì bỏ qua, vì nó chẳng có giá trị gì cả.
4. Tra thông tin và tìm các bài viết liên quan đến chủ đề được viết bởi ít nhất 10 người khác nhau (họ không cùng làm việc chung trong một tổ chức, không có mối quan hệ mật thiết với nhau…) để có cái nhìn khách quan. Dựa trên cơ sở đó bạn mới đánh giá xem bài viết này có đáng tin cậy và làm theo hay không.
5. Đọc và tìm hiểu về lối sống xanh đã được kiểm chứng, đăng tải trên các phương tiện truyền thông uy tín như: Đài truyền hình quốc gia, trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng phụ trách vấn đề môi trường, các tờ báo chính thống…
6. Nếu cảm thấy bài viết mình đọc có vấn đề, bạn tuyệt đối không nên chia sẻ cho người khác. Và sau khi kiểm chứng, thấy bài viết sai thì bạn có thể phản biện lại (đương nhiên bằng những dẫn chứng, số liệu cụ thể và lí lẽ thuyết phục nhé) để tác giả tự xem xét. Còn nếu cố tình gây hấn thì report, báo cáo Facebook luôn để tạm khóa bài viết này lại, tránh để tin giả lan truyền.
Tin tức giả, bấm like và share là ảo nhưng hành động của chúng ta có thể để lại hậu quả thật, tác động thật đến môi trường. Do đó, việc chọn lọc thông tin sạch – đúng cũng là cách giúp bạn sống xanh hiệu quả và thiết thực hơn. Thậm chí còn bỏ túi được nhiều thông tin, kiến thức hay về môi trường nữa đó!
Nguồn: Zing