Để quản lý tài chính thông minh, bạn có thể thực hiện các thử thách như một ngày không tiêu tiền, cùng nhau tiết kiệm, sống tối giản…
1. Thử thách một ngày không tiêu tiền
Đây là một cách thú vị để luyện tập không tiêu tiền vào những thứ không cần thiết. Trừ những nhu cầu thiết yếu như tiền thuê nhà, tiền điện nước… bạn sẽ không mua hàng trực tuyến, không mua cà phê, không quẹt thẻ tín dụng…
Đầu tiên là cần chọn một ngày phù hợp. Khởi đầu dễ nhất là ngày bạn có thể ở nhà nhiều nhất. Hãy dành cả một ngày không tiêu xài bằng các hoạt động vui chơi không tốn một đồng nào. Có rất nhiều điều thú vị mà miễn phí như đi dạo trong công viên, mời bạn bè đến nhà tự pha cafe, học chơi cây đàn guitar đã lâu không dùng hay đọc cuốn sách yêu thích mà chưa có thời gian…
2. Cùng nhau tiết kiệm
Bạn có thể đặt ra thử thách tiết kiệm, tháng sau nhiều hơn tháng trước hoặc rủ bạn bè cùng tham gia thử thách này. Việc tiết kiệm từ đó sẽ bớt nhàm chán hơn rất nhiều!
Để tránh lúc nhớ lúc quên, cách dễ nhất để tiết kiệm là tự động hóa các khoản tiền gửi. Chuyên gia tài chính thông minh khuyên mỗi người nên tiết kiệm ngay sau khi nhận lương. Sau đó đặt lệnh chuyển tiền tự đồng vào tài khoản tiết kiệm hàng tháng. Con số hợp lý sẽ là 10% thu nhập hoặc cao hơn tuỳ vào hoàn cảnh mỗi người.
3. Thay đổi thói quen mua sắm
Khi mua sắm, nhiều người thường chọn các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng. Khi đó bạn đang trả tiền cho nhãn mác chứ không phải chất lượng. Để quản lý tài chính thông minh, bạn nên tham khảo trải nghiệm sử dụng sản phẩm đó trên các diễn đàn để tìm ra thương hiệu có chất lượng ngang hàng mà giá tốt hơn.
Để tránh lãng phí khi đi siêu thị, hãy nhìn lại tủ lạnh nhà mình xem đầy đủ hay thiếu đồ gì rồi lên danh sách những thứ cần mua. Thực đơn cũng nên được vạch ra trước.
Một mẹo nhỏ khi mua sắm là hãy chịu khó tìm sản phẩm được xếp sâu bên trong hoặc trên kệ cao hơn. Nhiều khả năng chúng sẽ có hạn sử dụng dài hơn cùng mức giá ưu đãi. Ngoài ra, vào buổi tối, một số thực phẩm trong siêu thị sẽ được giảm giá mà chất lượng vẫn tốt.
4. Tìm ra quy tắc chi tiêu phù hợp
Song song với việc điều chỉnh thói quen mua sắm, bạn cũng nên thay đổi thói cách thức chi tiêu của mình. Giống như tất cả các thói quen, chi tiêu là một hành vi có thể nhìn nhận và thay đổi.
Một số lỗi thường gặp khi tiêu tiền có thể kể ra như mua sắm ngay sau khi nhận lương, tiện tay nhặt thêm đồ ở quầy thanh toán, luôn bao đồng nghiệp ăn hàng mỗi ngày… Những điều này không xấu nhưng nếu lặp đi lặp lại sẽ khiến ví tiền của bạn sớm rỗng sạch.
Chuyên gia tài chính cá nhân khuyên mỗi người nên ghi lại các khoản chi tiêu của mình mỗi ngày. Nghe có vẻ tẻ nhạt nhưng kiên trì thực hiện sẽ giúp bạn nhìn ra tiền của mình đang lãng phí ở đâu và tìm cách loại bỏ chúng. Bạn nên thử phương pháp 30/20/50, quy tắc 6 chiếc lọ…
Bên cạnh đó, dùng tiền mặt cũng giúp bạn tỉnh táo hơn trong mỗi quyết định mua sắm.
5. Tối giản lối sống, tối đa tiền bạc
Sống tối giản là một thử thách mà bạn nên thử. Tối giản ở đây là bạn sẽ bỏ đi những thứ không cần thiết quanh mình. Nhiều thứ đồ đã cũ, hỏng hóc, không thật sự cần thiết nữa nhưng bạn vẫn giữ lại vì tiếc. Điều này khiến bạn tốn thêm nhiều thời gian dọn dẹp đồng thời cũng lãng phí không gian sống.
Vì thế hãy tìm ra những món đồ này, sau đó bán lại, cho đi hoặc vứt bỏ. Điều này sẽ giúp bạn có thêm một khoản tiền nho nhỏ, đồng thời giúp không gian của bạn gọn gàng hơn.
Cấp độ cao hơn của thử thách này là tối giản trong chi tiêu bằng những cách bên trên đã đề cập. Sống tối giản cũng là tiền đề hướng đến tự do tài chính.
6. Ngừng bắt “trend”
Cảm giác thật tuyệt khi sở hữu một thứ gì đó đang nổi tiếng rần rần trên mạng. Nhưng liệu sự thoả mãn ngắn ngủi đó có xứng đáng với nỗ lực kiếm tiền của bạn mỗi ngày?
Khi thấy chiếc điện thoại dòng mới nhất, bộ sưu tập thời trang vừa ra lò… hãy tự hỏi mình có thực sự cần nó không? Trước khi mua một món đồ giá trị lớn, bạn hãy áp dụng nguyên tắc 24 giờ, tức dành 1 ngày để suy nghĩ và cân nhắc.
Chuyên gia gợi ý bạn hãy liên tục nhìn vào số dư tiết kiệm tăng lên hàng tháng để có thêm động lực. Lý tưởng nhất là mỗi người nên dành ra ít nhất 6 tháng thu nhập để phòng trừ trước những rủi ro bất ngờ trong cuộc sống.
Nguồn: Lao động