Trang chủ Sống Tại sao chúng ta thường cảm thấy buồn và nhạy cảm hơn...

Tại sao chúng ta thường cảm thấy buồn và nhạy cảm hơn vào mùa mưa?

50
0
Chia sẻ

Nếu bạn nhận thấy tâm trạng của mình trở nên nhạy cảm hơn (vui, buồn thất thường…) mỗi khi trời vào Thu (và kéo dài đến hết mùa Đông) hoặc vào mùa mưa, bạn có thể mắc phải chứng SAD (Seasonal Affective Disorder – Rối loạn cảm xúc theo mùa). 

Vào mùa Thu và Đông (miền Bắc) hay mùa mưa (miền Nam), khi tiết trời âm u kéo dài, nhiều người mắc phải chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) thường bắt đầu trở nên nhạy cảm hơn (chán nản, buồn rầu, mất hứng thú với những điều từng yêu thích trước đây…). Tình trạng này tuy không có số liệu chứng minh cụ thể nhưng được cho là ảnh hưởng đến 90% dân số (nhất là nữ giới) và thường xảy ra phổ biến với những người sống ở phía Bắc hay phía Nam của xích đạo. 

“Điểm đáng lưu ý là SAD được phân vào nhóm bệnh trầm cảm. Điểm khác biệt chỉ là SAD xảy ra tại một thời điểm nhất định hàng năm. Nó khiến bạn cảm thấy tồi tệ vào mùa Thu và Đông, sau đó trở về trạng thái hưng phấn bình thường vào mùa Xuân và Hạ. Vì vậy, việc phát hiện và tìm cách chữa trị kịp thời chứng SAD là rất quan trọng, cũng giống như cách chúng ta đề phòng bệnh tim hay tiểu đường” – Tiến sĩ Kathryn Roecklein, phó giáo sư Tâm lý học tại trường đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ.   

TẠI SAO LẠI CÓ CHỨNG RỐI LOẠN CẢM XÚC THEO MÙA? 

cô gái có tâm trạng nhạy cảm vào mùa mưa

Ảnh: Unsplash/Jon Ly

Nguyên nhân sâu xa gây ra chứng bệnh này, theo Emily Manoogian (tiến sĩ tại Viện nghiên cứu sinh học Salk, bang California, Mỹ), bắt đầu từ sự gián đoạn trong chu kỳ nhịp sinh học (“đồng hồ” thực hiện các chức năng và quá trình thiết yếu cho sự sinh tồn), mà ánh sáng nhân tạo là yếu tố chính gây ra sự rối loạn này. 

“Từ hàng nghìn năm nay, nhịp sinh học của chúng ta chịu ảnh hưởng của ánh sáng tự nhiên, nghĩa là vào mùa Thu hoặc mùa Đông, khi ánh sáng giảm và bầu trời trở nên âm u hơn, cơ thể (tuyến tùng) sẽ tự tạo ra chất melatonin, gây cảm giác buồn ngủ. Tuy nhiên, với sự ra đời của ánh sáng nhân tạo, chúng ta có thể điều chỉnh ánh sáng theo ý muốn, giảm sự tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, do đó gây ra sự rối loạn giữa đồng hồ của cơ thể và lịch trình của xã hội”, Emily Manoogian giải thích. 

Ngoài ra, sự suy giảm chất serotonin hay melatonin cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh khiến tâm trạng bạn trở nên nhạy cảm hơn. 

TRIỆU CHỨNG

cô gái ôm đầu buồn bã nhạy cảm

Ảnh: Pexels/Liza Summer

Với chứng rối loạn cảm xúc theo mùa Thu – Đông (hoặc mùa mưa), các triệu chứng thường xuất hiện trong những tháng có nhiệt độ lạnh, thời tiết âm u hay những đợt mưa kéo dài (đặc biệt đối với những người làm việc trong văn phòng ít cửa sổ). 

  • Tâm trạng nhạy cảm hơn bình thường (ủ rũ, chán nản, tăng mức độ nhạy cảm từ chối – xu hướng lo âu hay phản ứng thái quá lúc bị từ chối, hoảng sợ).
  • Mất sự quan tâm, hứng thú với các hoạt động hàng ngày và thu mình với xã hội. 
  • Ngủ nhiều hơn.  
  • Thèm ăn thực phẩm có hàm lượng carbohydrates cao, tăng cân.  
  • Kiệt sức, nhức mỏi tay chân. 

Tuy nhiên, một số trường hợp mắc chứng SAD chỉ biểu hiện 1 triệu chứng, hoặc có những triệu chứng trái ngược với những dấu hiệu trên. 

BÍ QUYẾT GIÚP BẠN GIẢM CHỨNG RỐI LOẠN TÂM LÝ THEO MÙA

cô gái hạnh phúc trong nắng chiều

Ảnh: Pexels/Olya Kobruseva

Theo tiến sĩ Emily Manoogian, tùy thuộc vào mức độ bệnh bạn đang gặp (nhẹ, trung bình, nặng) mà sẽ có những giải pháp khác nhau. 

Nếu chứng rối loạn tâm lý theo mùa gây gián đoạn nghiêm trọng cuộc sống của bạn, hãy tìm đến bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý. Những biện pháp chữa bệnh như uống thuốc hay liệu pháp ánh sáng cần có sự chỉ dẫn sát sao của chuyên gia. 

Ngoài ra, mặc dù không đảm bảo có thể đẩy lùi chứng SAD, bạn vẫn có thể thực hiện những điều sau để tạo ra sự ổn định cho nhịp sinh học của mình:

  • Tạo thói quen nhất định, đặc biệt nếu bạn làm việc ở nhà

Điều này không có nghĩa là bạn phải tạo ra một lịch trình cứng nhắc. Quan trọng là bạn phải đảm bảo thực hiện thường xuyên 2 yếu tố là ăn uống và tương tác xã hội. Hãy cố gắng bổ sung thức ăn, giải lao đều đặn, và dành vài phút đi dạo hoặc nói chuyện với các thành viên trong gia đình.      

  • Tập thể dục thường xuyên vào buổi sáng

Tạo luyện thể thao luôn là một trong những cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, trong trường hợp này, nó còn là cách để bạn tăng thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. 

Tuy nhiên, bạn nên tránh luyện tập vào buổi tối, nhất là trước khi đi ngủ để tránh cơ thể hiểu lầm rằng ban đêm là giờ bạn hoạt động. 

  • Tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên.   

Lượng ánh sáng chúng ta hấp thụ vào các thời điểm khác nhau trong ngày rất quan trọng. Vì vậy, hãy cố gắng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, bạn nên tránh xa ánh sáng vào ban đêm nếu muốn đi vào giấc ngủ dễ hơn. Tiến sĩ Roecklein chia sẻ thêm: “Hầu hết những nhà sinh học nghiên cứu về nhịp sinh học và các chuyên gia về giấc ngủ mà tôi biết, khi đi ngủ, phòng của họ dường như không có một chút ánh sáng nào”.   

Nguồn: Elle