Việc các hãng xe công nghệ tăng giá khiến cả lái xe và người tiêu dùng cùng chịu thiệt. Chất lượng dịch vụ sẽ là chìa khóa cạnh tranh cho các hãng taxi.
Chất lượng dịch vụ sẽ là chìa khóa cạnh tranh cho các hãng taxi.
Thu nhập tài xế giảm mạnh
9 giờ sáng tại cổng một cơ quan tại đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), hàng chục lái xe Grab, Be đang đợi để “bắt khách”. Anh Nguyễn Văn Dũng (lái xe Grab) chia sẻ, nếu như trước đây, từ đầu giờ sáng đến khoảng 8-9h, anh đã có vài cuốc xe thì bây giờ, số lượng đặt xe đã giảm mạnh, đồng nghĩa với việc thu nhập giảm theo.
Đó là thực trạng chung của nhiều lái xe công nghệ hiện nay. Nếu như những ngày đầu xe công nghệ xuất hiện ở Việt Nam, không nhiều người tham gia lái xe nên thu nhập của tài xế tương đối tốt thì hiện nay, số lượng lái xe công nghệ ngày càng tăng, gây áp lực rất lớn cho thu nhập của lái xe. Có thể dễ dàng nhận thấy, ở cổng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, số lượng lái xe Grab, Be… tương đối đông, với nhiều hoạt động khác nhau như chở khách, chở hàng…
Chưa kể, chiết khấu cho các hãng xe công nghệ cũng được điều chỉnh tăng khá nhiều. Đơn cử, nếu như thời điểm đầu năm nay, mức chiết khấu của Grab chỉ 20%, nhưng bây giờ tăng mạnh, thu nhập giảm mạnh. Giờ rất nhiều người tham gia lái xe công nghệ nên số cuốc cũng giảm, không nhiều việc như trước đây, thu nhập của tài xế giảm thấp.
“Thu nhập của lái xe Grab bây giờ giảm thấp lắm, chỉ vào khoảng 55-60% tổng doanh thu vì ngoài 20% chiết khấu, tài xế phải tốn ít nhất 20% cho xăng, bảo hành, hao mòn xe, điện thoại… Chưa kể, với dịch vụ giao hàng, hôm nào khách hàng “boom” hàng thì xác định hôm đó lỗ vốn”, anh Dũng cho biết.
Anh Hoàng Văn Tuấn (Thường Tín, Hà Nội) cho biết thêm, do công việc ở quê không ổn định nên cuối năm trước, anh đã vay ngân hàng mua xe ô tô để chạy Grab. Nhưng không may, đầu năm nay, dịch Covid-19 bùng phát nên anh không có khách. Đến nay, khi lượng khách nhiều hơn thì chiết khấu lại tăng, thu nhập chỉ đập vào trả ngân hàng cũng vừa hết.
Cụ thể, mức chiết khấu của Grab đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe đã tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.
Chưa kể, theo Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 5-12-2020, mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của tài xế sẽ giảm 8%.
Thí dụ, một chuyến xe có cước phí 100 nghìn đồng thì tài xế nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Việc Grab tăng phí dịch vụ đã gây nên sự phản đối với các tài xế là đối tác bởi điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng chuyến xe cũng như thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Biên, lái xe Be cho biết thêm, để khuyến khích lái xe, trước đây các hãng công nghệ thường có chính sách thưởng tiền cho tài xế theo độ dài của cuốc xe. Thậm chí, chỉ cần mở ứng dụng, không chạy xe cũng có thưởng. Chính vì thu nhập khá ổn định so với nhiều ngành nghề khác nên nhiều người đã đua nhau vay tiền mua xe chạy taxi công nghệ, dẫn đến khó khăn khi giờ chiết khấu cao, ít khách.
Khách trả thêm tiền
Đi cùng với thời điểm Nghị định 126 có hiệu lực, một số ứng dụng xe ôm công nghệ đã tiến hành điều chỉnh tăng giá cước từ ngày 5-12-2020.
Cụ thể như Grab, ứng dụng này cho biết sẽ tăng giá 5 – 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Cụ thể, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5-12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.
Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tùy từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.
Việc điều chỉnh tăng giá cước của Grab khiến nhiều người dùng bất ngờ. Chị Hoàng Lan (Hoài Đức) cho biết, trước đây, quãng đường từ nhà đến cơ quan (đường Phạm Văn Đồng) chị thường trả khoảng 64.000-67.000 đồng. Nhưng giờ đây, mức giá mới sẽ vào khoảng gần 80.000 đồng. Nếu quãng đường dài hơn, số tiền phải trả đội lên sẽ nhiều hơn.
“Tôi hay dùng Grab vì sự tiện lợi. Giờ tăng giá, tôi sẽ chuyển sang các phương tiện truyền thống”, chị Thùy nói.
Thường xuyên lựa chọn xe công nghệ để di chuyển vì giá cạnh tranh, nhiều khuyến mãi nhưng gần đây, chị Anh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã dần chuyển sang các hãng xe truyền thống. Chị cho biết: “Dạo gần đây, các ứng dụng gọi xe công nghệ ít khuyến mãi hẳn, giá lại cao. Đặc biệt trong giờ cao điểm thì giá tăng vô tội vạ, nên tôi giờ chủ yếu di chuyển bằng taxi truyền thống, xe ôm, còn xe công nghệ chủ yếu để gọi cho con cái để tiện kiểm soát”.
Những năm gần đây, cạnh tranh giữa các hãng như Gojek, Be, FastGo, Now, Beamin… làm thị phần ngày càng giảm, lượng tài xế tăng đột biến khiến thị trường gọi xe khốc liệt giành khách. Hiện, mức cước phí xe công nghệ không còn hấp dẫn với người tiêu dùng, điều đó đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh của taxi công nghệ và truyền thống ngày càng quyết liệt hơn.
Để cạnh tranh, taxi truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ. Sau thành công của taxi G7, Liên minh taxi Việt cũng được ra đời trên cơ sở hợp nhất của 17 đơn vị với khoảng 12.000 đầu xe, lớn nhất cả nước. Tất cả các hãng gia nhập Liên minh taxi Việt đều được cam kết hai nội dung: Khách hàng sẽ được kết nối đến với lái xe trong vòng từ 1 đến 2 phút và không tăng giá cước trong giờ cao điểm. Cùng với việc hợp nhất để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp taxi cũng xây dựng những app riêng để đặt xe, tạo thêm một kênh kết nối khác cho khách hàng.
Nếu như trước đây, xe công nghệ được hưởng khá nhiều lợi thế như được đi vào các tuyến đường cấm taxi trong giờ quy định; không phải sử dụng mào xe… thì gần đây, những lợi thế này đã giảm mạnh. Đi cùng với việc tăng giá, “cuộc chơi” giữa xe công nghệ và xe truyền thống đang dần cân bằng.
Ông Bùi Danh Liên, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, sự cạnh tranh giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống cũng là động lực để hai bên cùng phát triển, người tiêu dùng có sự lựa chọn về dịch vụ. Để cạnh tranh hiệu quả vẫn là dịch vụ chuyên nghiệp, đơn vị nào lấy được lòng khách hàng sẽ chiến thắng trong “cuộc chơi” này. Đây chính là quy luật cạnh tranh của thị trường. Chỉ khi nào xã hội có cạnh tranh mới có thể phát triển và người dân mới có thể được hưởng lợi.
Nguồn: Nhân dân