Với sự đa dạng của thực phẩm chay từ chế biến sẵn đến nguyên liệu tươi, khô, người tiêu dùng nên biết cách lựa chọn sao cho đúng và an toàn với sức khỏe.
Tác hại của thực phẩm chay không an toàn
Chế độ ăn chay giúp hạn chế thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (mỡ, thịt, nội tạng…) và thường có lượng rau củ nhiều. Thêm vào đó là nguồn chất béo, chất đạm đều từ nguồn thực vật nên chế độ ăn chay rất tốt trong phòng chống các bệnh mãn tính không lây có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng như: béo phì, đái tháo đường, rồi loạn mỡ máu, tăng huyết áp, sỏi mật, táo bón…
Thực chất, thực phẩm chay là những loại món ăn được chế biến từ những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, nhưng không phải vì thế mà các loại thực phẩm chay không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trên thực tế, nếu nạp đồ chay đúng cách sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Ngày nay, các loại thực phẩm chay được chế biến đa dạng, đủ chất dinh dưỡng cung cấp đủ protein, canxi, các loại vitamin và khoáng chất… cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu các thực phẩm chay có chứa các chất acid oxalic nếu sử dụng lâu dài sẽ làm cho cơ thể bị thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt ở những người có tiền sử về thận, khớp, gout… nguy cơ cao bị sỏi thận, sỏi tiết niệu, các bệnh về xương khớp và thần kinh.
Nhiều thực phẩm chay được bày bán ở chợ không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và nguồn gốc sản xuất. Nhiều loại nguyên liệu thực phẩm khô sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm chay như táo Tàu, kim châm, bạch quả, nấm đông cô, hạnh nhân… nguồn gốc nhập từ Trung Quốc được bày bán tràn lan có thể gây hại cho sức khỏe.
Nguyên liệu chế biến thực phẩm chay không được phong phú như thực phẩm bình thường nên nhiều cơ sở sử dụng các phụ gia để ướp, chế biến, bảo quản. Một số cơ sở vì chạy theo lợi nhuận, họ sẽ sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong chế biến thực phẩm, có thể gây tổn thương các cơ quan, thay đổi chức năng hoạt động của cơ thể, một số chất có thể gây biến đổi tế bào và gây ung thư. Vì vậy, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua những thực phẩm không rõ nguồn gốc, bán tràn lan.
Cách chọn thực phẩm chay đảm bảo
Tránh chất phụ gia. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm chay đảm bảo an toàn là sử dụng các loại đậu và dầu đi từ dầu thực vật và các loại protein đi từ thực vật, thì người ta buộc phải áp dụng một phương pháp công nghệ là sử dụng các chất phụ gia để tạo nên đông đặc, tạo màu, mùi, vị. Vì vậy, khi chọn mua thực phẩm chay, người tiêu dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thành phần của những thực phẩm này.
Chọn thương hiệu uy tín. Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc. Tốt nhất nên tự tay chế biến món chay từ rau củ tươi là bảo đảm nhất.
Với thực phẩm chay chế biến sẵn để ăn liền, nên chọn lựa nơi cung cấp có uy tín, thương hiệu lâu năm, có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với nguyên liệu tươi hoặc khô, gia vị mua về chế biến: Cần xem xét nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, thời hạn sử dụng, thành phần, tránh mua nhầm thực phẩm bị mốc.
Ăn chay đúng, đủ chất dinh dưỡng. Nguyên tắc của một bữa ăn đủ dinh dưỡng là phải đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng chính (chất bột, đường, chất đạm, chất béo) và các vi chất (vitamin, khoáng chất…). Để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng khi ăn chay, cần phối hợp nhiều loại thực phẩm với nhau khi chế biến bữa ăn.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày nên cố gắng ăn trên 20 loại thực phẩm chay với số lượng hợp lý thì xem như cơ thể được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ.
Nguồn: An ninh Thủ đô