Thị trường bán lẻ đang đối diện với thử thách lớn chưa bao giờ có, khi chủ nhà không còn là người nắm thế thượng phong. Họ cần có những biện pháp chuyển mình để sinh tồn, thích ứng với tình trạng “bình thương mới”.
Trải qua 3 đợt bùng phát Covid-19, với sự kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, phân khúc bất động sản bán lẻ tại TP.HCM tiếp tục có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực. Điều này thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy, nguồn cung mới hay việc nhiều hãng bán lẻ quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy những thương hiệu bán lẻ hoạt động trong các lĩnh vực ăn uống, cửa hàng tiện lợi, các ngành thiết yếu vẫn có kế hoạch mở rộng với những tín hiệu lạc quan. Giá thuê dần phục hồi, nhất là các mặt bằng ở vị trí trung tâm.
Tuy nhiên, đối diện với làn sóng thứ 4 của Covid-19 vào tháng 5 năm nay, một vài mặt bằng thuê dù đã dựng vách thi công cũng chấp nhận chịu lỗ và trả lại. Nhà bán lẻ thay thay đổi chiến lược nhằm thích ứng với đại dịch, đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử.
Người cho thuê nhà giảm dần sự lạc quan
Từ đó, tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường bất động sản bán lẻ. Nhà phố căn góc tại những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao có tỷ lệ được thuê tốt hơn. Trong khi đó, những khu vực khác, ngay cả những mặt bằng sầm uất như Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), tỷ lệ lấp đầy cũng bị ảnh hưởng không ít.
Có thể thấy, chênh lệch cung cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch. Đa số chủ nhà phố đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm từ 20-40% cho thời gian giãn cách xã hội nhằm giữ được hợp đồng thuê.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM cho biết: “Thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng”.
Bà Trang cho biết, giá thuê tiếp tục lao dốc khi những khảo sát của Savills gần đây cho thấy, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê. Trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20% đến 40% giá chào thuê hiện tại.
Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng.
Bên cạnh đó, một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất, họ cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới. Chủ nhà ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.
Chuyển sang kinh doanh online để giảm tổn thất
Đối diện với tình hình dịch bệnh phức tạp, các ngành hàng như y tế, ngân hàng và các chuỗi cửa hàng tiện ích vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong mùa dịch và có xu hướng mở rộng chuỗi, chi nhánh. Các doanh nghiệp trong những ngành hàng này nhanh chóng thuê được các vị trí đẹp và phù hợp với các điều khoản thuê tốt.
Bên cạnh đó, thống kê từ thị trường năm 2020 đến nay cho thấy, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí và thời trang, nhất là các chuỗi cửa hàng, đang là những ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời kì đại dịch. Nhóm ngành vui chơi giải trí dù chịu thiệt hại nặng nhưng đa số nhóm này nằm trong mặt bằng trung tâm thương mại nên cũng được các chủ đầu tư lớn hỗ trợ tương xứng hơn nếu so sánh với nhà phố.
Song, về dài hạn, để giảm tổn thất lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi kinh doanh sang hình thức trực tuyến khi thương mại điện tử tăng đột biến trong thời gian qua, đồng thời tiến hành trả nhiều mặt bằng kinh doanh không hiệu quả để giảm chi phí thuê mặt bằng và nhân công.
Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý mặt bằng thương mại bán lẻ, Savills TPHCM cho hay: “Trong khi các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, buộc phải đóng cửa hàng loạt dưới tác động của hạn chế du lịch trong và ngoài nước, ngành mua sắm thời trang, mỹ phẩm, và ăn uống cũng bị ảnh hưởng không ít”.
Tuy vậy, theo bà Quyên, nhờ tích cực đầu tư nhanh chóng cho kênh online, tỷ lệ doanh thu bán trực tuyến của một số doanh nghiệp đã bù vào sự thiếu hụt doanh thu tạo ra tại cửa hàng. Nhất là ngành ăn uống đang có tỷ trọng kênh online chiếm từ 20-60% tổng doanh thu.
Nguồn: Viet Build Forum