Trang chủ Tiêu dùng ‘Tiêu dùng xanh’ sẽ nâng cao sức chống chịu sau Covid-19?

‘Tiêu dùng xanh’ sẽ nâng cao sức chống chịu sau Covid-19?

29
0
Chia sẻ

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, song yêu cầu tiếp tục nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế vẫn hiện hữu. Theo đó, bên cạnh việc cần thúc đẩy cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn ngay tại thời điểm này, thay vì chờ đến khi kết thúc đại dịch thì việc phát triển “tiêu dùng xanh” sẽ tạo ra một cơ hội phát triển nhanh chóng, mở rộng thị phần, cũng như tranh thủ được sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp.

Hiện nay, tiêu dùng xanh đang nổi lên như một xu hướng mới và tất yếu ở nhiều nước trên thế giới, phổ biến là ở các nước phát triển và đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình trở lên.

Xu hướng tất yếu

Tiêu dùng xanh là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Hiện nay, tiêu dùng xanh đang nổi lên như một xu hướng mới và tất yếu ở nhiều nước trên thế giới, phổ biến là ở các nước phát triển và đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình trở lên.

Nội dung này được coi là bước triển khai thực tiễn và quan trọng của khái niệm tiêu dùng bền vững nhằm làm giảm tác động của xã hội đối với môi trường. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, coi trọng hơn hành vi mua thân thiện với môi trường. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Theo kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam công bố tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.

Người tiêu dùng đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Bởi vậy, chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” – sử dụng nguyên vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra các sản phẩm “sạch”, bảo đảm môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Với xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.

Theo TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, trong đại dịch COVID-19 mới thấy doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu tốt. 

“Xem số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy, sức chống chịu của DN rất tốt dù chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ. Và hai tác động thấy rõ từ đại dịch, là sức tàn phá và cách tư duy mới về xu hướng thế giới”, ông Thành nói.  

Cụ thể, tác động tới tư duy theo xu hướng mới thể hiện ở việc quan tâm nhiều hơn tới biến đổi khí hậu, những bất định, rủi ro, dẫn tới gia tăng các xu hướng phát triển bền vững, xanh, lâu dài và trách nhiệm xã hội.

Ông Thành chia sẻ, nếu như trong quan niệm truyền thống thị trường là tăng trưởng, là hiệu quả. DN chỉ cần tối đa hoá lợi nhuận, tối thiểu hoá chi phí là sẽ có ngay hiệu quả; thì trong tư duy mới, xu hướng mới, thị trường yêu cầu nhiều hơn. “Bên cạnh điều kiện cần là hiệu quả, cạnh tranh thì một điều vô cùng quan trọng là trách nhiệm xã hội để phân bổ lại lợi ích, tăng phúc lợi xã hội”, ông Thành nói. 

Theo ông Thành, tư duy truyền thống không giải quyết được 2 vấn đề là phân phối và công bằng xã hội. Có nghĩa là chưa có điều kiện đủ vì chưa đưa chi phí cho môi trường vào sản xuất. Trong khi đó tư duy mới yêu cầu DN phải gắn với trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Một lý do cơ bản để cần thay đổi theo tư duy mới là xu hướng tiêu dùng thay đổi theo hướng xanh hơn, nhân văn hơn. “Các yêu cầu mà hiệp hội tiêu dùng châu Âu đặt ra còn mạnh hơn các cam kết trong EVFTA. Đó là áp lực để DN phải thay đổi vì nếu không đáp ứng điều kiện người tiêu dùng đề ra thì thương hiệu đó sẽ không được sử dụng”, ông Thành nói.

Ông Thành cũng cho biết, thực tế cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để chi trả cho những sản phẩm, thương hiệu hướng tới phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội. Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, các thương hiệu cam kết xanh và sạch tăng trưởng nhanh hơn các thương hiệu khác. Nhiều mô hình kinh doanh xanh, bền vững tạo nhiều giá trị gia tăng hơn cho thương hiệu đó.

Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để chi trả cho những sản phẩm, thương hiệu hướng tới phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội.

Đồng quan điểm với TS. Võ Trí Thành, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 buộc thế giới phải nghiêm túc hơn với vấn đề phát triển dài hạn, tăng cường sức chống chịu của các chuỗi giá trị thông qua cải thiện kết nối giữ DN FDI và DN trong nước.

Việt Nam còn khá chậm trong thích ứng với các yêu cầu phát triển bền vững. “Các EVFTA, CPTTP đều có các chương về phát triển bền vững, bản thân chúng ta cần chủ động cải thiện để vượt qua cả những cam kết, nhằm tuân thủ các quy định phi thuế quan gắn với phát triển bền vững. Trước đây DN chỉ nhìn các yêu cầu này theo hướng là tăng chi phí chứ không nhìn theo hướng giá sản phẩm sẽ lên mốc mới sau khi tuân thủ các quy định và mang lại nhiều lợi ích khác cho DN”, ông Dương nhấn mạnh.

Cuối cùng, ông Dương cho rằng, nếu không cải thiện được tiêu chuẩn chất lượng gắn với phát triển bền vững, rủi ro đối với thương mại sẽ lớn, nhất là trong 2021-2023 khi các nền kinh tế có thể trở lại giai đoạn “tài khóa khắc khổ” – UNCTAD. Vì vậy, Việt Nam cần chủ động phát triển bền vững từ nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp. Cần hiểu rằng đây sẽ là động lực cho phục hồi kinh tế và ưu tiên nguồn đầu tư công cho những lĩnh vực hướng tới tiêu chí nêu trên.

Tiêu dùng xanh góp phàn phá triển bền vững

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, phát triển xanh sẽ là con đường chiến lược để các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để một công ty phát triển xanh thì phải có sự đồng thuận từ lãnh đạo đến người lao động. Lãnh đạo công ty phải là người tiên phong trong định hướng phát triển xanh của công ty, từ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành động của từng cá nhân lao động trong toàn công ty. Cụ thể, các công ty cần chủ động đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường.

Đối với các doanh nghiệp ít vốn, để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị hiện đại mà có thể thông qua những hành động đơn giản như: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện và ưu tiên tiêu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp cần chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, có chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.

Để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng, với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại 4.0 hiện nay. 

Ngoài ra theo TS. Michael Krakowski – Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh – GIZ khuyến nghị, viễn cảnh trong năm 2021 vẫn chưa rõ ràng. Việt Nam dù kiểm soát đại dịch tốt song nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng. Chính phủ cần đưa ra chính sách để khôi phục ngành bị ảnh hưởng mạnh. Bên cạnh đó, hệ quả của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng sự phát triển của các ngành đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách làm, hành vi của mình để thích ứng.

“Sau Covid-19, Việt Nam cần đưa ra chính sách quản lý thích ứng và quản lý bất định. Cần tính toán, cân nhắc trong quá khứ như làm thế nào giảm phát thải CO2, nhân rộng bài học thành công. Ngoài ra có sự phối hợp, hợp tác quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chịu hệ quả của thiên tai nên cần quản trị những yếu tố bất định để nâng cao tính chống chịu của mình”, ông Michael Krakowski nói.

Nguồn: Doanh nghiệp Hội nhập