Sinh ra đã không có đôi chân và bị bố đẻ bỏ rơi, Hồng Lợi xác định không yêu và lấy vợ nhưng buổi cà phê “định mệnh” hai năm trước đã làm đảo lộn mọi thứ.
Cửa tiệm nhỏ trong con hẻm yên tĩnh ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, treo đầy những bộ áo dài và những chiếc hoa cài áo thủ công do Phan Thị Tường Nghĩa, 27 tuổi thiết kế. Chồng cô, anh Nguyễn Hồng Lợi, 33 tuổi, trải chiếc áo dài trắng trên mặt bàn vuốt thẳng. Đôi vợ chồng trẻ ngồi vào ghế, cầm cọ vẽ. Họ bắt đầu ngày mới bằng việc hoàn thiện hình bông hoa thiên điểu để trang trí lên áo.
Tường Nghĩa được biết đến là một nữ thiết kế trẻ với những bộ sưu tập áo dài thủ công ấn tượng. Còn Hồng Lợi lại nổi tiếng trong giới bơi lội khuyết tật đã dành nhiều huy chương. Anh chàng bẩm sinh đã “không chân” và chỉ còn tay trái lành lặn, sống trong Làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ từ nhỏ. Đầu tháng 10 này, cặp đôi chính thức về chung một nhà.
Hai năm trước, Tường Nghĩa gặp Hồng Lợi trong buổi ra mắt bộ sưu tập áo dài thêu tay đầu tiên của mình trên chất liệu khăn rằn. Ban đầu, nữ thiết kế trẻ thoáng nhìn thấy trong số những khách mời có một anh chàng điển trai nhưng chỉ ngồi tại bàn. Khi buổi triển lãm sắp kết thúc, cô gái mới thấy anh chàng bước đi bằng đôi chân chỉ còn một nửa và lập tức ấn tượng với vẻ bề ngoài đặc biệt của anh.
Khoảng một tháng sau, Tường Nghĩa tình cờ thấy trang Facebook cá nhân của Lợi xuất hiện nên chủ động kết bạn. Sau những cuộc trò chuyện trên mạng, họ quyết định hẹn gặp nhau uống cà phê. Để đến buổi “hẹn hò” đầu tiên, Nghĩa chủ động chạy xe máy từ Thủ Đức đến Làng Hòa Bình ở quận 1. “Suốt quãng đường gần 8km trên đường phố Sài Gòn hôm đó, lần đầu tiên mình có thể đi một mạch mà không phải dừng chờ đèn đỏ lần nào. Lúc đó mình có cảm giác buổi gặp này thật đặc biệt”, Nghĩa nhớ lại.
Buổi hẹn đầu tiên ấy kéo dài tới 4 tiếng. Vốn không định yêu và cưới ai, chàng trai trò chuyện như một người anh trai chia sẻ với đàn em về công việc, đặc biệt là lĩnh vực vẽ áo dài nghệ thuật. Tường Nghĩa cũng xem Lợi là một người anh. Cô thẳng thắn kể về mình, những mối tình trải qua và cả những ước mơ.
“Đi cạnh anh mới thấy dù thân thể khiếm khuyết nhưng anh luôn hài hước, lạc quan. Mình còn thêm khâm phục khi biết anh có thể vẽ áo dài với một tay trái”, Tường Nghĩa tâm sự.
Cái Tết đầu tiên quen nhau, Tường Nghĩa rủ Lợi về quê mình ở Kon Tum chơi, nhưng anh từ chối. “Anh không sợ người khác nói gì làm mình buồn, nhưng sợ những lời bàn tán sẽ làm gia đình em buồn vì sao lại để con gái quen một ‘thằng cụt” như anh. Vào dịp Tết, anh không muốn gia đình em phải suy nghĩ”, chàng trai giải thích.
Khi quen nhau, không ai trong hai người nói ra rằng mình có cảm tình với đối phương nhưng họ luôn cảm thấy mình rất gắn bó. Hầu như ngày nào cặp đôi cũng gặp nhau, chỉ trừ những lúc bận công tác. Một lần nghe Nghĩa chia sẻ về ước mơ lớn nhất của mình, rằng cô sẽ có một cửa tiệm, bán những thứ mình tự làm ra sau đó mời ba mẹ ở quê xuống thăm, chụp chung với họ tấm hình.
Một cô gái không ước có nhà đẹp, xe sang hay một người chồng giàu, điều này khiến Lợi càng thêm quý mến cô nhiều hơn. Vốn bị cha từ chối từ lúc mới sinh ra, sống nhờ tình thương của mọi người ở Làng Hòa Bình, Lợi cũng ước mình có được giây phút hạnh phúc bên gia đình như Nghĩa. Ngay lúc đó anh đã tự nhủ: “Được rồi, anh sẽ cùng em thực hiện ước mơ đó”.
Nghĩa không kể nhưng anh chị em và cha mẹ của cô ở quê vẫn biết mối quan hệ của hai người. Một lần về quê, ba cô hỏi: “Có phải con đang quen một người khuyết tật không? Nghĩa trả lời: “Dạ phải”. Cô thấy ba mình khóc, nhưng ông không phản đối.
“Mình không biết ba khóc vì thương con gái, hay thương anh Lợi. Mình chỉ nói với ba rằng con hạnh phúc với sự chọn lựa của mình, anh là sự chọn lựa tốt nhất của con lúc này”, Nghĩa kể.
Dịp tết vừa rồi, sau khi cửa tiệm nhỏ đã được khai trương một thời gian. Hai bên gia đình đã biết chuyện của cặp đôi, lúc này Lợi mới lên Kon Tum ăn Tết với gia đình bạn gái. Anh chàng trước đây vốn tự tin, lạc quan nay bỗng hồi hộp.
Sáng 28 Tết, khí trời Tây Nguyên ấm áp. Lợi lần đầu đặt chân xuống trước cổng nhà người yêu. Anh nghe giọng Nghĩa gọi lớn và ba mẹ cô từ trong nhà bước ra, nở nụ cười chào đón, Lợi xúc động, cảm thấy như có một gia đình đang chờ mình. Một cảm giác mà từ trước đến nay anh chưa từng trải qua.
“Suốt một tuần ăn Tết cùng cả nhà, ba mẹ Nghĩa không hề hỏi về đôi chân, cánh tay của tôi. Mọi người đối xử với tôi như con. Tôi biết đây sẽ là gia đình của mình, giúp tôi có thêm động lực để cố gắng”, chàng trai quê Sài Gòn tâm sự.
Ngày 10/10, đôi bạn trẻ tổ chức đám cưới. Trong tiệc cưới, cô dâu Tường Nghĩa một mình xuất hiện từ cuối sảnh, vừa đi về phía sân khấu vừa hát bài “Dạ khúc” với những câu từ “hoa mỹ” để nói hộ lòng mình với chú rể: “Thế tình nhé, xin về gần. Nối thêm yêu thương vào với nhau. Tình có dậy sóng vẫn cứ xin tình nồng. Nối em vào anh chiếc hôn nồng“.
Trên sân khấu, chàng rể Hồng Lợi mang đôi chân giả, mặc vest, cài hoa hồng. Anh đến đón cô dâu của mình bằng những bước chân ngắn. Người đàn ông hai năm trước từng nghĩ mình sẽ không yêu, không lấy vợ bây giờ phải tháo chiếc kính cận, bởi anh sợ khi nhìn thấy những người thân thương bên dưới, anh sẽ khóc. Nhưng nghe bài hát cất lên, chàng trai cúi mặt, nước mắt giàn dụa. Bên cạnh anh, cô vợ trẻ hát nốt đoạn cuối, ánh mắt lấp lánh.
Là một người anh, người bạn biết Hồng Lợi suốt mười mấy năm nay, khi biết hai người nên duyên, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng đã sáng tác một bài hát dành riêng họ và hát trong buổi tiệc. Nam ca sĩ chia sẻ: “Chúng ta vẫn thường tìm kiếm những điều cổ tích trong cuộc sống, nhưng không phải đâu xa thì chuyện tình của hai bạn chính là minh chứng. Để tạo nên điều kỳ diệu này thì người phụ nữ là Tường Nghĩa phải có một trái tim vô cùng lớn, nhân văn và sâu sắc”.
“Có lẽ với Tường Nghĩa, đám cưới này, cuộc đời này, người chồng này đều là những điều hoàn hảo tuyệt vời nhất mà Nghĩa từng mong ước”, cô dâu nói, trước sự chứng kiến của gia đình và những người bạn của mình rồi cùng khoác tay chồng đi chúc rượu mừng.
Nguồn: VnExpress