978 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể, tồn gần 9.000 căn nhà trên thị trường, doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5%, là những con số đáng lưu ý trong năm 2020 của ngành xây dựng – bất động sản vừa được Bộ Xây dựng công bố.
Gần 1.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể
Trong năm 2020, ngành bất động sản có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Số doanh nghiệp thành lập mới là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 978 doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng cho biết trong quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản bắt đầu hoạt động trở lại. Dù thị trường còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp đã có những giải pháp tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động bàn giao sản phẩm, chuyển nhượng cổ phần dự án, thanh lý tài sản cùng sự trỗi dậy của bất động sản công nghiệp, một loạt doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận tốt hơn.
Gần 80 doanh nghiệp bất động sản lớn đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán có số liệu kinh doanh khả quan các tháng cuối năm. Hầu hết doanh nghiệp công bố báo cáo hoặc dự kiến đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Thị trường bất động sản trong quý IV/2020 tăng mạnh so với đáy suy giảm nhờ sự phục hồi nhanh của phân khúc nhà ở và khu công nghiệp. Ngành kinh doanh bất động sản vẫn duy trì được tăng trưởng dương cả năm 2020, đóng góp khoảng 4,42% GDP.
Tồn gần 9.000 căn nhà
Quý IV/2020 có gần 30.000 căn nhà được đưa ra thị trường. Lượng giao dịch vẫn khá ổn định nên số nhà ở còn tồn, chưa có giao dịch ước tính gần 3.000 căn.
Tuy vậy, tổng hợp lũy kế, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 khoảng 9.000 căn. Trong đó, Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa, Kiên Giang có số lượng bất động sản chưa được hấp thụ nhiều do chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Riêng Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như Cần Thơ, Long An, Đồng Nai,… thị trường bất động sản vẫn giữ được phát triển ổn định, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi. Trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp là điểm sáng nhờ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam…
Bộ Xây dựng nhận định: “Những dấu hiệu, kết quả tích cực sẽ là cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định”.
_____________________
Bộ Xây dựng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2020 tăng lên theo từng quý. Quý I, hơn 8.300 tỷ đồng, sang quý II lên gần 8.500 tỷ đồng, quý III lên gần 8.600 tỷ đồng, quý IV là hơn 8.800 tỷ đồng.
Điều này có được là do ngoài nguồn cung chủ yếu từ tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản còn thu hút các nguồn khác như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối, phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết, vốn FDI.
Nguồn: Vietbuild Forum