TP.HCM vừa đề ra nhiều giải pháp phát triển nhà ở theo khu vực, cơ chế chính sách phát triển nhà ở, quản lý, vận hành dự án sau đầu tư, về tư vấn và hợp tác đầu tư.
Giải pháp phát triển nhà ở theo khu vực
Đối với khu vực trung tâm hiện hữu, bao gồm quận 1 và quận 3, TP.HCM ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, v.v. cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước 1975.
“Khu vực này hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp”, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Đối với khu vực 11 quận nội thành hiện hữu, bao gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh, thành phố tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại.
Các dự án dở dang sẽ được tập trung hoàn thiện, ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế các chung cư cũ trước 1975; các dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ở ven kênh rạch.
Tại các quận 4, 5, 6, 11, quận Phú Nhuận (là những quận có dân số giảm trong 10 năm trở lại đây), TP.HCM hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Đối với quận 8, quận 10, quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở tại những khu vực có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Ở khu vực nội thành phát triển, bao gồm TP Thủ Đức, quận 7, 12 và Bình Tân, thành phố ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại TP Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Khu vực này ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo.
Đối với khu vực 5 huyện ngoại thành, bao gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, thành phố ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính.
Các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh cũng được ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, thành phố tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị như các tuyến đường Metro, vành đai…
Đáng chú ý, địa bàn này không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
Giải pháp về cơ chế chính sách phát triển nhà ở
TP.HCM sẽ phát triển nhà ở đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật và xã hội; từng bước chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại. Thành phố luôn khuyến khích phát triển loại hình nhà ở nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê.
Thủ tục hành chính trong việc đầu tư xây dựng phát triển nhà ở sẽ được cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, dễ thực hiện và rút ngắn thời gian.
TP.HCM sẽ nâng cao chất lượng nhà ở qua việc thực hiện tổ chức điều tra, rà soát danh sách nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng được giao chủ trì chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, đảm bảo người dân có nhà ở an toàn, chống chịu được với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Về quỹ đất, TP.HCM dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt quan tâm tới quỹ đất, quỹ nhà ở để bố trí tái định cư phục vụ cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị.
Giải pháp quản lý, vận hành dự án sau đầu tư
Về việc đầu tư xây dựng khu dân cư mới, TP.HCM sẽ nhanh chóng xây dựng và ban hành chương trình phát triển đô thị thành phố.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát phát triển đối với hệ thống khu dân cư mới theo chương trình phát triển đô thị thành phố, chương trình phát triển nhà ở thành phố, kế hoạch phát triển nhà ở thành phố.
Bộ thủ tục hướng dẫn thủ tục cho từng nhóm đối tượng dự án phát triển nhà ở sẽ được ban hành: nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ,… Việc này được tiến hành trên cơ sở các quy định được nêu tại các luật, nghị định, thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác trong các lĩnh vực: phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng, đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở, xây dựng – kiến trúc,…
Thành phố sẽ xây dựng và áp dụng thí điểm hoặc nhân rộng các cơ chế huy động nguồn lực (đất đai và tài chính) trong đầu tư xây dựng khu dân cư mới, đảm bảo nguyên tắc “chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước và nhà đầu tư” và “tạo nguồn lực trên gắn quyền lợi với trách nhiệm” trong đầu tư xây dựng các khu dân cư mới.
Về việc quản lý sau đầu tư xây dựng khu dân cư mới, quy chế bàn giao và tiếp nhận các công trình kết cấu hạ tầng của khu dân cư mới trên địa bàn thành phố sẽ được xây dựng và ban hành. Bên cạnh đó là quy chế quản lý vận hành khu dân cư mới trên địa bàn thành phố.
“Thành phố sẽ tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy định quản lý sau đầu tư xây dựng khu dân cư mới, chú trọng việc áp dụng các biện pháp kinh tế và biện pháp khuyến khích”, Sở Xây dựng khẳng định.
Giải pháp về tư vấn và hợp tác đầu tư
Ở nhóm giải pháp về tư vấn, TP.HCM sẽ hợp tác với các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, trong việc tư vấn phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp, liên quan đến các khía cạnh khác nhau như: xây dựng, vốn vay, việc làm… cho người dân.
Ở nhóm giải pháp về hợp tác đầu tư, thành phố sẽ hợp tác với Compass Housing Services để xây dựng mô hình PPP nhà ở xã hội thí điểm tại TP.HCM. Bên cạnh đó, thành phố còn hợp tác với Surbana Jurong Private Limited để học hỏi kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị tại Singapore.
Ngoài ra, TP.HCM còn hợp tác với Tập đoàn nhà đất Hàn Quốc (LH) để học hỏi mô hình xây dựng, đầu tư và quản lý nhà ở xã hội đã được chính phủ Hàn Quốc thực hiện.
Nguồn: Viet Build Forum