Trang chủ Dinh dưỡng ‘Tuyệt chiêu’ luộc gà vàng ươm cho ngày Tết

‘Tuyệt chiêu’ luộc gà vàng ươm cho ngày Tết

32
0
Chia sẻ

Khi luộc, người nội trợ cần canh lửa vừa độ, om để gà ngậm nước ngọt thơm, hãm nhiệt và phết mỡ nghệ giúp da gà giòn, căng bóng, không bị rách hay tụt da.

Gà luộc cùng với bánh chưng, dưa hành, nem rán… là những món ăn truyền thống của người Việt, đặc biệt là trong dịp lễ Tết, hiếu hỉ. Gà trống hoa thường được lựa chọn trong các mâm cúng dịp này vì gắn với thần thoại xưa ”gà gọi mặt trời” với ý nghĩa đánh thức vạn vật sinh sôi, thuận hòa.

Nguyên liệu và cách làm gà luộc khá đơn giản nhưng để có thành phẩm con gà cúng Tết vàng ươm, căng bóng, da giòn bên ngoài, ngọt mềm không đỏ bên trong, đùi không bị tụt da… đòi hỏi sự tỉ mỉ và các bí quyết.

Gà trống hoa thường được lựa chọn trong các mâm cúng dịp Lễ tết vì gắn với thần thoại xưa gà gọi mặt trời với ý nghĩa đánh thức vạn vật sinh sôi, thuận hòa. Ảnh: Bùi Thủy.
Gà trống hoa thường được lựa chọn trong các mâm cúng dịp Lễ tết vì gắn với thần thoại xưa ”gà gọi mặt trời” với ý nghĩa đánh thức vạn vật sinh sôi, thuận hòa. Ảnh: Bùi Thủy.

– Tổng thời gian: 50 phút (sơ chế: 17 phút, luộc và ngâm gà: 33 phút)

– Mức độ: Dễ

– Khẩu phần: 4-5 người

– Hàm lượng calories: 1990 kcal

1. Nguyên liệu

– Một con gà trống hoa tầm 2-2,3kg (gà trống mới tập gáy, biểu tượng cho sự tinh anh, trong sạch). Chú ý chọn gà mào đỏ tươi, chân vàng, ức đầy đặn, lỗ chân lông vừa phải, đủ móng.

– Nồi luộc gà: Nồi đế dày, sâu lòng, đủ rộng chứa gà

– Gia vị nêm nếm nồi nước để giúp gà luộc thơm ngon hơn gồm:

+ 1 thìa canh bột canh/muối hạt

+ 1-2 thìa cà phê hạt nêm.

+ Một nhánh gừng nhỏ dập dập.

+ 3-4 củ hành tím.

+ 2-3 cuống trắng hành hoa.

– Các nguyên liệu khác:

+ Lạt ngâm nước cho mềm, dùng buộc gà cánh tiên

+ Nước sôi để nguội ngâm chút đá viên để ngâm gà sau khi luộc

+ Mỡ gà + 1 nhánh nghệ tươi giã nhỏ (hoặc bột nghệ) để làm mỡ nghệ

+ Khăn xô sạch ủ gà

+ Muối hạt, chanh để vệ sinh gà hết mùi hôi khi sơ chế

2. Cách làm:

a) Sơ chế gà

– Gà làm sạch, nhẹ nhàng xát với muối hạt và chanh để khử mùi, rửa lại bằng nước sạch (chú ý đừng xát mạnh làm rách da). Lòng mề bóp muối, chanh rửa sạch.

– Khéo léo dựng cổ gà lên, kẹp vào giữa hai cánh, dùng lạt mềm để buộc cánh.

b) Cách luộc gà

– Cho gà, lòng mề đã làm sạch vào nồi sâu lòng, đế dày, đổ nước lạnh vào ngập gà là tốt nhất. Không nên cho tiết gà vào lúc này vì dễ làm gà có váng đen. Cũng không nên luộc nồi đế mỏng vì dễ bén dính da gà.

– Thêm muối/bột canh, hạt nêm, hành tím, phần gốc trắng của hành lá vào nồi nước luộc gà để thơm ngon, đậm vị hơn.

– Bật lửa và đun sôi. Khi nước sôi, bạn nhanh chóng cho vào một bát nước lạnh vào để hạ nhiệt, giúp da gà không nứt, đồng thời vớt bọt, nhỏ lửa và tiếp tục luộc gà trong nước sôi lăn tăn khoảng 5-7 phút (tùy theo kích thước gà lớn hay bé). Vớt lòng, mề gà ra vì bộ phận này nhanh chín.

– Tắt bếp, đậy vung om gà từ 15-20 phút tùy vào khối lượng gà to hay nhỏ. Đây là cách giúp gà ”ngậm nước” sẽ chín đều, ngọt mềm, mọng nước, da không bị nứt, đùi không bị tụt da, xương không bị đỏ.

– Sau đó, vớt gà ra cho vào thau đựng nước sôi để nguội ngâm chút đá viên và rửa gà sạch sẽ, để ráo, thấm khô. Đây là cách giúp da gà săn, giòn.

– Để tránh gà gặp gió có thể bị thâm, nên lấy một khăn xô (vải mỏng) ẩm, ủ kín một lúc để da bóng mượt.

– Quay trở lại nồi nước luộc, lúc này mới cho tiết vào luộc chín, vớt ra.

c) Trong lúc đó làm mỡ gà nghệ

– Nghệ tươi rửa sạch, giã dập. Cho phần mỡ gà vào chảo rán cho tới khi chảy nước, thêm nghệ tươi giã dập và chút hành tím vào phi thơm và đảo đều. Sau đó, lọc qua rây lấy nước mỡ nghệ vàng ươm, Tắt bếp, để nguội.

– Dùng chổi chuyên dụng hoặc đeo găng tay nilon phết/bôi đều mỡ nghệ lên khắp mình gà sẽ giúp cho da vàng ươm Đặc biệt dù để cúng lâu thì gà vẫn mướt, căng bóng, không bị khô.

d) Bày gà ra đĩa kèm bộ lòng.

Như vậy là bạn đã có một con gà luộc cúng đẹp mắt, thơm ngon, da căng bóng, vàng ươm với ý nghĩa chào đón một năm mới nhiều tài lộc, thuận hòa.

* Một số lưu ý:

– Nếu tận dụng nước dùng để làm bún thang, phở gà thì không nên cho hạt nêm, vì hạt nêm làm từ xương dễ làm đục nước dùng.

– Nếu dùng nước luộc gà để nấu miến măng hoặc canh bóng thì không nên cho gừng vì mùi gừng sẽ lấn át các nguyên liệu khác.

Nguồn: VnExpress