Trang chủ Dinh dưỡng Uống sữa đậu nành có tốt cho sức khỏe hay không?

Uống sữa đậu nành có tốt cho sức khỏe hay không?

191
0
Chia sẻ

Những giá trị dinh dưỡng nào được “ẩn giấu” bên trong những cốc sữa đậu nành thơm béo?

Sữa đậu nành (soy milk) là thức uống vô cùng quen thuộc đối với chúng ta. Loại sữa này có nguồn gốc từ thực vật, thường được dùng để thay thế cho sữa bò. Bên cạnh vị thơm béo quyến rũ, sữa đậu nành còn mang đến những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời cho cơ thể. Một số thương hiệu thêm vào thành phần sữa này các vitamin và khoáng chất như vitamin D hay canxi.

Ngoài ra, thức uống này còn giúp bạn bổ sung omega-3 và flavonoid. Hai chất này có tác dụng chống ôxy hóa, chống viêm và bảo vệ tim mạch. Nếu bạn là người dị ứng với thành phần lactose chứa trong sữa bò, sữa đậu nành chính là sự thay thế tuyệt vời dành cho bạn. 

Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều những thắc mắc xoay quanh công dụng của sữa đậu nành đối với sức khỏe. Liệu thức uống thơm ngon này có thật sự là một “người bạn tốt” dành cho bạn? Hãy cùng ELLE đi tìm câu trả lời bằng cách tìm hiểu thêm về món sữa này nhé.

Chén sữa đậu nành.

Nổi tiếng với nhiều lợi ích mang đến cho sức khỏe, liệu sữa đậu nành có phải là một sự lựa chọn hoàn hảo? Ảnh: Unsplash.

Giá trị dinh dưỡng của sữa đậu nành

Các thực phẩm nguyên chất từ đậu nành, bao gồm sữa đậu nành, đều chứa phytochemical và chất chống ôxy hóa. Những chất này có tác dụng ngăn ngừa các bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư và tiểu đường loại 2. Nhiều nghiên cứu uy tín cho thấy đậu nành có khả năng giảm thiểu lượng cholesterol LDL có hại trong cơ thể.

Yếu tố này giúp bảo vệ tốt sức khỏe tim mạch của bạn. Ngoài ra, nguyên liệu này cũng rất giàu protein, chất xơ, chất béo tốt và ít calo. Dưới đây là các thành phần dinh dưỡng chứa trong một cốc sữa đậu nành nguyên chất và không đường:

  • Calories: 80.
  • Chất béo: 4gr
  • Chất béo bão hòa: 0.5gr.
  • Carbohydrate: 3gr.
  • Chất xơ: 2gr.
  • Đường tự nhiên: 1gr.
  • Protein: 7gr.
Sữa đậu nành-Cô gái tóc vàng.
Công dụng nổi bật nhất của sữa đậu nành chính là bảo vệ và ngăn ngừa bện tim mạch. Ảnh: Unsplash.

Đậu nành có tăng khả năng gây ung thư không?

Một số lời đồn cho rằng uống nhiều sữa đậu nành sẽ tăng nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Giả thiết này được đặt ra từ các nghiên cứu trên động vật gặm nhấm. Thành phần của sữa đậu nành chứa một lượng isoflavones dồi dào. Một số nghiên cứu cho thấy các loài gặm nhấm có khả năng mắc ung thư vú khi tiêu thụ lượng lớn isoflavones.

Tuy nhiên, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng động vật và con người tiêu thụ đậu nành theo hai cách khác nhau. Hiện tượng ung thư xảy ra ở động vật chưa từng xảy ra với cơ thể người. 

Sữa đậu nành-Cô gái nằm nhắm mắt.
Sữa đậu nành không làm tăng khả năng gây ra ung thư vú. Ảnh: Pexels.

Trên thực tế, thực phẩm từ đậu nành đã được chứng minh có khả năng ngăn ngừa ung thư tái phát. Nghiên cứu về sức khỏe của phụ nữ Thượng Hải cho thấy phụ nữ tiêu thụ nhiều đậu nành có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thấp hơn.

Theo khuyến nghị của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (AICR), bạn nên tiêu thụ 1-2 phần thực phẩm đậu nành mỗi ngày. Trong đó bao gồm cả sữa đậu nành. Đây là lượng tiêu thụ tiêu chuẩn giúp bạn nhận được trọn vẹn những lợi ích của đậu nành. 

Những trường hợp không nên uống sữa đậu nành

Sữa đậu nành phù hợp và thân thiện với hầu hết mọi đối tượng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trường hợp ngoại lệ cần lưu ý như:

  • Những người dị ứng với đậu nành.
  • Người mắc bệnh suyễn.
  • Phụ nữ đang cho con bú không nên tiêu tụ quá nhiều đậu nành.
  • Những người có tuyến giáp hoạt động kém. 
Sữa đậu nành-Cô gái cầm tách màu trắng.
Đối với một số trường hợp đặc biệt, sữa đậu nành không phải là một sự lựa chọn thích hợp. Ảnh: Pexels.

Trong trường hợp không thể uống sữa đậu nành, bạn có thể tìm đến những loại sữa khác để thay thế. Dưới đây là một số lựa chọn tiêu biểu dành cho bạn:

  • Almond milk (sữa hạnh nhân): Ít calo, cung cấp nguồn canxi, vitamin A và vitamin D dồi dào. Sữa hạnh nhân chính là một trong những cái tên thường “góp mặt” trong những thực đơn giảm cân.
  • Rice milk (sữa gạo): Ít gây ra hiện tượng dị ứng nhất so với những loại sữa khác. Thức uống này giàu canxi, vitamin A và vitamin D. Sữa gạo có vị ngọt tự nhiên, đây chính là loại sữa khá phổ biến ở Châu Á. 
  • Coconut milk (sữa dừa): Đây là sự lựa chọn an toàn dành cho những người bị dị ứng hạt. Tương tự hai loại sữa kể trên, sữa dừa cũng chứa nhiều canxi, vitamin A và vitamin D.

Nguồn: Elle