Trang chủ Khám phá Vẻ đẹp của vùng đất Gia Lai

Vẻ đẹp của vùng đất Gia Lai

23
0
Chia sẻ

Du khách sẽ được ngắm con đường hàng thông, rừng cao su mùa thay lá và vùng Biển Hồ trên cao nguyên.

Nằm cách trung tâm Pleiku 7 km, Biển Hồ hay hồ T’Nưng được bao quanh bởi núi và những rừng thông. Đây là một trong những hồ đẹp nhất Tây Nguyên, gắn với câu hát “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”.

Một góc Biển Hồ nhìn từ trên cao nằm trong bộ ảnh “Phong cảnh, quê hương và con người Gia Lai” của nhiếp ảnh gia Phan Nguyên.

Nắng sớm trên con đường dài khoảng 800 m với hàng thông hai bên, đi qua thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Hai bên đường là những cây thông trên 100 năm tuổi.

Chùa Bửu Minh trong sương sớm. Ngôi chùa nằm cạnh nương chè là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Tây Nguyên. Con đường qua hàng thông – Biển Hồ chè, chùa Bửu Minh đến cánh đồng Ngô Sơn, núi lửa Chư Đăng Ya được xem là cung đường du lịch đẹp bậc nhất ở Gia Lai.

Mùa hoa cà phê nở trắng trên nương rẫy và tháp chùa Bửu Minh phía xa. Mỗi năm, hoa cà phê thường nở khoảng 2-3 đợt, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, mỗi đợt kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Sáng sớm là lúc lý tưởng để du khách “săn” hoa cà phê. Nhờ đặc điểm thổ nhưỡng là đất đỏ bazan màu mỡ, mảnh đất này trở thành một trong những “thủ phủ cây cà phê” ở Tây Nguyên.

Thác Hang Én hiện lên như dải lụa trắng giữa núi rừng hoang sơ khi nhìn từ trên cao. Ngọn thác là điểm đến dành cho những người ưa khám phá thiên nhiên, nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K’bang. Thác Hang Én cao 50 m với dòng chảy thẳng đứng. Nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp sương mù và cầu vồng tại đây. Dưới chân thác là những khối đá xếp chồng lên nhau tạo thành những bậc thang giữa dòng nước xanh bạc.

Cánh đồng lúa Chư Yo, huyện Chư Pah nằm nép mình bên đồi núi cao nguyên trong mùa lúa chín vàng.

Mùa hoa muồng vàng nở rộ ven hồ ở xã Bàu Cạn. Hàng năm từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11, hoa muồng vàng nở rộ, điểm xuyết những mảng màu sắc cho vùng đồi chè Bàu Cạn rộng lớn. Ngoài Bàu Cạn, du khách có thể bắt gặp cây muồng tại các đồn điền chè, trong công viên, dưới chân đồi, ven hồ hay các nẻo đường đất đỏ…

Sắc vàng khi rừng cao su thay lá trên đập Ia Ring (hay đập Phú Mỹ) thuộc thôn Thái Hà, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê. Đập nước là công trình thuỷ lợi được khởi công xây dựng từ năm 2004, đảm bảo nước tưới cho khoảng 2.300 ha cây trồng, cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Chư Sê.

Dòng sông Sê San đoạn chảy qua địa phận huyện vùng biên Ia Grai. Khi tới đây, du khách có thể ngồi thuyền máy ngắm cảnh dòng nước mênh mông, cảnh sắc làng Jrai và đời sống của người dân địa phương.

Chân dung một bé gái người Bana. Gia Lai là nơi có đông người Bana sinh sống nhất ở Việt Nam với hơn 150.000 người, chiếm gần 70% dân số của cộng đồng dân tộc này.

Đêm hội cồng chiêng Đăk Pơ. Trong ảnh là nhóm người Bana thực hiện những điệu múa truyền thống quanh đống lửa. Tại đêm hội, âm thanh của tiếng đàn Tơ rưng, đàn Goong cùng những tiết mục diễn xướng cồng chiêng, tạo nên một không gian đa sắc màu của ngày hội văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn: VnExpress