Chạy theo đám đông là bản chất của con người. Nhưng cũng có những người ghét chạy theo đám đông, không thích “theo trend” hay hợp thời. Họ là kẻ lập dị, người thích chơi trội bằng cách đi ngược dòng, hay quan điểm đó cũng chỉ là bình thường thôi?
“Chà, trông chị thật thời thượng”. Nếu có ai đó khen Susan Snipes (Ohio, Mỹ) bằng câu nói này, cô hẳn sẽ buồn lắm. Là nghệ sĩ và nhà thiết kế, Susan không phiền nếu được khen là “ngầu”, hay bất cứ từ đồng nghĩa nào mà người ta dùng để thay thế cho “ngầu”. Nhưng hai chữ “thời thượng” lại làm cô khó chịu.
Trong một bài viết chia sẻ trên trang Medium vào tháng 2-2018, Susan tự gọi mình là một “kẻ lập dị cực kỳ phản đối việc chạy theo đám đông”. Cô sẽ không hứng thú với xu hướng thời trang đang hot, không ăn món mà mọi người sẵn sàng xếp hàng dài đợi mua và không nghe bài nhạc đang đứng đầu bảng thịnh hành.
Cách Susan nửa vòng Trái đất, bạn của người viết, một nhân viên văn phòng ở Sài Gòn, thậm chí bỏ ngang bộ phim Hàn Quốc đình đám Hạ cánh nơi anh khi phim bắt đầu trở thành đề tài phổ biến trên mạng xã hội ở Việt Nam đầu năm nay. Những quyển sách có mặt trong mọi bảng xếp hạng, hay gây sốt trong năm, cô đều đợi ít nhất một năm sau mới đọc, khi mọi cơn sốt liên quan đã hạ nhiệt.
Tâm lý người ngại thứ phổ biến
Để lý giải vì sao những “kẻ lập dị” như hai trường hợp nêu trên thích tách biệt mình khỏi đám đông, trước hết phải tìm hiểu xu hướng chạy theo đám đông được hình thành như thế nào.
Năm 1977, nhà tâm lý học người Mỹ gốc Canada Albert Bandura thực hiện một nghiên cứu với một nhóm trẻ nhỏ sợ chó. Mỗi ngày bọn trẻ được xem một cậu bé vui vẻ chơi với một con chó trong 20 phút. Sau bốn ngày thực hiện thí nghiệm này, 67% những đứa trẻ đã xem cậu bé chơi với con chó sẵn sàng tham gia vui đùa cùng con vật.
Một nghiên cứu tiếp theo được thực hiện một tháng sau đó trên một nhóm trẻ nhỏ sợ chó khác cũng cho kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng bọn trẻ xem hành vi của cậu bé khi chơi với con chó như một hình mẫu để thay đổi hành vi của chính chúng.
Trong một bài viết cũng trên Medium, tác giả Addi Tarr nhắc lại thí nghiệm trên và cho rằng cách lý giải đó cũng được áp dụng cho xu hướng chạy theo đám đông. Ắt hẳn phải có lý do nào đó mà nhiều người cùng yêu thích một món đồ hay một thứ nhất định. Và độ nổi tiếng của món đồ đó được xem như một thước đo tham khảo “đi tắt đón đầu” giúp người ta an tâm về chất lượng.
Cũng như lũ trẻ không thể tự mình thử “gần gũi” với con vật để xem nó có thật sự đáng sợ không, người tiêu dùng nói chung không phải ai cũng có thời gian tìm hiểu ưu, nhược điểm của chiếc iPhone mới hay công dụng giữ ấm tai của chiếc mũ len Carhatt. Ta cần một hình mẫu để dựa vào. Tương tự, khi nhìn thấy một học sinh mang mẫu giày Vans mới nhất đến trường và tấm tắc khen rằng nó thoải mái, nhiều học sinh cũng sẽ muốn mua một đôi.
Vì đâu ghét xu hướng?
Những lý giải trên cũng là câu trả lời cho việc vì sao có người ghét xu hướng: vì muốn trở nên khác biệt.
Trong trường hợp của Susan, nổi tiếng không phải thước đo chất lượng – tiêu chuẩn mà cô thích tự đánh giá hơn. Cô cho rằng chạy theo xu hướng khiến cô tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Làm theo đám đông, với Susan, cũng đồng nghĩa với mất đi “chất riêng”, thứ giúp cô không giống với bất kỳ ai khác. Và cô cũng tự tin khẳng định cô không muốn làm theo xu hướng để được chứng nhận rằng điều mình làm là đúng hay để hòa nhập với đám đông, bởi cô biết mình là ai và mình muốn gì.
Nhưng nói thế không có nghĩa Susan, hay những người có cách sống giống cô, cực đoan đến mức làm việc gì, trong bất kỳ tình huống nào, cũng muốn tách biệt với đám đông. Jonah Berger, nhà tâm lý học xã hội của Đại học Pennsylvania, đã tiến hành một nghiên cứu để xác định trong tình huống nào người ta sẽ muốn thực hiện hành vi khác biệt với những người khác.
Berger cho một nhóm người thuộc các lứa tuổi khác nhau tham gia khảo sát lựa chọn một loạt sản phẩm bao gồm khăn giấy, quần áo, bột giặt và âm nhạc. Trước khi quyết định, những người đồng trang lứa được tham khảo lựa chọn của nhau. Đồng thời, một nửa số người tham gia cũng được cho biết những người lớn hơn họ vài tuổi đã lựa chọn món đồ nào. Kết quả cho thấy những người tham gia có xu hướng chọn cùng một loại bột giặt và khăn giấy với nhóm lớn tuổi. Nhưng lựa chọn cho âm nhạc và quần áo thì khác biệt hẳn với nhóm hơn tuổi.
Theo Berger, sự phân hóa này dựa trên loại sản phẩm. Mọi người dễ đưa ra lựa chọn cho những sản phẩm thường nhật, không phản ảnh đặc tính cá nhân của người mua – như bột giặt và khăn giấy chẳng hạn – mà không cần bắt chước theo những khách hàng đồng lứa. Mặt khác, họ tránh chọn trùng với nhóm không đồng lứa cho các sản phẩm thể hiện nhiều đặc tính cá nhân như quần áo và âm nhạc. Tóm lại, nếu chỉ xét trong nhóm đồng trang lứa, con người thường đưa ra những lựa chọn “ngách” để trở nên khác biệt.
Trong một nghiên cứu riêng biệt, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia lựa chọn một chiếc ôtô mới để mua. Có 3 lựa chọn dành cho họ: 1 chiếc BMW màu đen, 1 chiếc BMW màu bạc và 1 chiếc Mercedes màu đen. Như nghiên cứu trước, họ được cho biết những người đồng lứa đã chọn chiếc xe nào trước khi đưa ra quyết định.
Kết quả cho thấy những người tham gia có nhu cầu thể hiện tính độc nhất cao sẽ lựa chọn chiếc BMW màu bạc. Vì sao ư? Vì lựa chọn này giúp họ đảm bảo rằng thương hiệu xe họ mua được yêu thích bởi số đông cùng nhóm, nhưng cũng đánh dấu phong cách riêng của họ thông qua màu bạc vốn ít phổ biến hơn.
Đừng tiêu cực hóa
Thích hay không thích những thứ phổ biến đều không xấu. Đó chỉ đơn giản là sở thích cá nhân của mỗi người. Không có gì bảo chứng rằng một người thích nghe nhạc cổ điển giỏi giang hơn người thích nhạc pop và bolero. Nhưng ghét một thứ nào đó chỉ đơn giản vì nó phổ biến và chê trách những người “làm theo số đông” chắc chắn là một điều không tốt.
“Hãy để mọi người tận hưởng mọi thứ” – Nychele Kemper viết trong bài chia sẻ “Từ khi nào việc ghét những thứ phổ biến trở nên phổ biến?” trên trang Odyssey năm 2018. Theo Nychele, việc ghét những thứ phổ biến vì sự nổi tiếng của chúng dẫn đến cái nhìn rất tiêu cực về cuộc sống. Và những người ghét thứ phổ biến cũng tự tạo ra rào cản cho quá trình tận hưởng cuộc sống của họ.
Bất cứ ai từng bị đánh giá chỉ vì thích một thứ gì đó đều cho biết cảm giác bị chỉ trích không hề dễ chịu. Người chỉ trích có thể cảm giác mình ngầu oách và “thượng đẳng” hơn người bị chỉ trích, nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngủi. “Hạ thấp người khác để nâng mình lên chỉ mang đến sự tự tin ảo tạm thời” – Nychele nhận xét.
So sánh một cách thực tế, Nychele cho rằng việc ghét những thứ phổ biến và chế giễu những người thích chúng là phiên bản người lớn của việc bắt nạt ở trường học. “Mỗi cá nhân đều trải nghiệm mọi thứ theo những cách riêng nhất định, không ai giống ai. Bạn là duy nhất theo cách của bạn, và những người khác cũng vậy. Hãy tự mình tận hưởng mọi thứ, ngay cả những thứ phổ biến. Cuộc sống dễ dàng và đơn giản hơn nhiều khi bạn không dành năng lượng của mình để tiêu cực hóa và ghét mọi thứ” – Kemper đúc kết.
Xu hướng ghét các xu hướng Thật trớ trêu là không biết từ khi nào, bản thân việc ghét những thứ phổ biến cũng trở thành… một xu hướng, nghĩa là một thứ để người ta chạy theo cho có vẻ hợp thời. Nhan nhản trên mạng là những bài viết chỉ để chỉ trích giày UGG cổ lông được ưa chuộng vào mùa đông là đôi giày xấu xí nhất trên đời, hay thương hiệu Starbucks nổi tiếng được đánh giá quá cao. Từ khi cuộc cách mạng trực tuyến giúp mọi người có quyền truy cập mạng xã hội, ngày càng có nhiều ví dụ về những thứ phổ biến bị tấn công hoàn toàn chỉ vì chúng phổ biến hoặc một số lý do không mấy thuyết phục, tiến sĩ khoa học thần kinh Dean Burnett viết trong bài “Phê bình những thứ phổ biến: tại sao nó lại phổ biến?” trên The Guardian năm 2013. Theo tiến sĩ Burnett, lý do hàng đầu khiến một số người công khai chỉ trích những thứ phổ biến là để tăng lượng truy cập đến trang của họ trên mạng; các quan điểm và ý kiến thiểu số, gây tranh cãi gây được chú ý khủng khiếp. Những lý do một người chỉ yêu thích những thứ ít phổ biến và công khai tấn công thứ nhiều người yêu thích là họ có bản chất nổi loạn; muốn gây ấn tượng; hoặc muốn thiết lập sự thống trị đối với những người khác. “Bằng cách cho thấy rằng thứ phổ biến thực chất là xấu và việc mọi người thích những thứ xấu cũng mặc nhiên trở thành người xấu, người thực hiện lời chỉ trích có cảm giác mình vượt trội hơn những người thích thứ phổ biến” – tiến sĩ Burnett lý giải. |
Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần