Mỗi chuyến chữa lành thường ít hoạt động di chuyển, được thiết kế làm sao để du khách có thể kết nối với những hoạt động thể chất, tâm lý nhằm tìm kiếm sự cân bằng, thư giãn và niềm vui nội tại.
Nếu bộn bề cuộc sống khiến bạn mỏi mệt, hãy dành thời gian chầm chậm lại đôi chút bằng một chuyến xê dịch “chữa lành.” Không phải là vi vu khắp các cung đường đẹp, khám phá những điểm đến mới, hay thưởng thức ẩm thực độc đáo vùng miền…, mà đơn giản là làm mới cảm xúc, thư giãn thân-tâm, hướng đến những giá trị sống tích cực và bền vững…
Loại hình du lịch đó được gọi là Du lịch chữa lành (Wellness tourism), được biết đến nhờ thiên hướng cân bằng sức khỏe tinh thần và thể chất lành mạnh. Đặc biệt, từ sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xu thế này được nhiều du khách lựa chọn.
“Chữa lành” ở Việt Nam
Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu (Global Wellness Institute) đưa ra báo cáo, đến hết năm 2022, doanh thu mảng du lịch chữa lành ước đạt 919 tỷ USD, tương đương 18% tỷ trọng ngành du lịch thế giới.
Trong khi đó, khảo sát của Tổ chức Du lịch sức khỏe thế giới (Wellness Tourism Association) cho thấy có tới 76% số người được hỏi muốn chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch để cải thiện sức khỏe trong năm 2023; 55% cho hay sẵn sàng trả thêm cho các dịch vụ, hoạt động trị liệu về tâm lý.
Du khách Việt Nam và quốc tế tập Taichi đón bình minh trên du thuyền giữa vịnh Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các kết quả này cho thấy sức hút cũng như tiềm năng phát triển của “Wellness tourism.” Đánh giá cao xu hướng mới, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc nhận định thời điểm hiện nay, ngành du lịch Việt cần tập trung vào chất lượng du khách thay vì số lượng.
“Phát triển du lịch chữa lành chính là hướng đi giúp thu hút dòng khách chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần khắc phục tính mùa vụ cố hữu của du lịch nước nhà,” ông Lộc nói.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa du lịch chữa lành với du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch dưỡng sinh, du lịch tâm linh…, nhưng du lịch chữa lành tập trung vào mục tiêu chăm sóc cảm xúc, xoa dịu tâm hồn, mang đến nguồn năng lượng tích cực cho người trải nghiệm.
Cũng chính vì thế, du lịch chữa lành thường được tích hợp trong mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, kết hợp chăm sóc sức khỏe với các hoạt động như: thiền, yoga, thưởng thức ẩm thực thực dưỡng, chẩn trị y học cổ truyền, trị liệu tâm lý…
Theo đó, mỗi chuyến chữa lành thường ít hoạt động di chuyển, hay tham quan điểm đến mà được thiết kế làm sao để du khách có thể kết nối với những hoạt động thể chất, tâm lý hay tâm linh nhằm tìm kiếm sự cân bằng, thư giãn và niềm vui nội tại.
Thưởng thức trà thiền giữa một không gian duy mỹ giúp gia tăng xúc cảm cho du khách. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Nắm bắt xu hướng, thời gian qua, một số hãng lữ hành, điểm đến, doanh nghiệp du lịch đã bắt tay vào xây dựng các sản phẩm du lịch chữa lành nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đáng chú ý như khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo (Top 15 khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á), được bao phủ giữa không gian xanh mướt như ngọc. Resort này cung cấp các bài tập yoga, thanh lọc cơ thể, tư vấn dinh dưỡng, hoạt động thả rùa về biển – một cách thức chữa lành cho cả con người và thiên nhiên.
Ngoài ra, còn có Hành trình trải nghiệm lối sống tỉnh thức thuộc dự án Thành phố Càphê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gồm các trải nghiệm bắn cung, cưỡi ngựa, tập yoga, ẩm thực theo chủ đề “Ăn tỉnh thức”…; tour chữa lành ở Khu du lịch Medi Thiên Sơn (Ba Vì, Hà Nội) với các hoạt động thiền, yoga, tư vấn tâm lý, bấm huyệt, ẩm thực thực dưỡng…
Đặc biệt, nhờ sở hữu nhiều lợi thế cảnh quan, nguồn dược liệu phong phú và quý hiếm cùng kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của đồng bào các dân tộc, Lào Cai đang nổi lên như một điểm sáng với sản phẩm “Du lịch chữa lành năm 2023.”
Lãnh đạo ngành du lịch địa phương cho biết với hành trình này, du khách sẽ được “chữa lành” bằng cách kết hợp luyện tập yoga và tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe với 5 lựa chọn: Yoga trên danh thắng núi Hàm Rồng; Yoga kết hợp các phương pháp trị liệu truyền thống dân tộc Dao đỏ Tả Phìn; Yoga và danh thắng ruộng bậc thang; Yoga kết hợp giải pháp trị liệu “tắm rừng” tại suối Vàng; Yoga kết hợp khám phá văn hóa dân tộc Mông tại Hầu Chư Ngài.
Thưởng thức một bữa ăn thực dưỡng giữa thiên nhiên. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Cần chuẩn hóa sản phẩm
Dẫu là loại hình có nhiều tiềm năng, song Nhà sáng lập DiDi Travel Bùi Trí Nhã đánh giá du lịch chữa lành ở Việt Nam mới ở giai đoạn khởi đầu nên chưa đa dạng và chuyên nghiệp. Ngoài một số ít sản phẩm đã định hình tương đối rõ về yếu tố chữa lành, thì phần lớn các sản phẩm của các doanh nghiệp, địa phương mới dừng ở nâng cao sức khỏe phần thân như massage, xông hơi, ngâm chân… mà chưa chuyên sâu về các hoạt động chăm sóc phần tâm, hoặc có hướng đến tâm nhưng chưa thật đủ.
Vì thế, để phát triển loại hình du lịch thiên về chăm sóc “bên trong,” các doanh nghiệp, địa phương… của Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nguyên nhân “gốc” được Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe), Tiến sỹ Nguyễn Thu Hạnh chỉ ra là: “Do nhận thức về tầm quan trọng của du lịch chữa lành còn hạn chế, nên loại hình này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có chiến lược phát triển ở tầm quốc gia.”
Bên cạnh đó, bà Hạnh nhấn mạnh, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chữa lành thiếu về số lượng và chưa bảo đảm chất lượng do thiếu liên kết với các chuyên gia y tế, chuyên gia trị liệu tinh thần cũng chính là lực cản.
Theo các chuyên gia, muốn xây dựng sản phẩm du lịch chữa lành hoàn thiện, cần có sự phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp chữa lành tâm, thân, trí; xây dựng liệu trình, bộ tiêu chí chuẩn hóa dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại những cơ sở du lịch; cần có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý về du lịch cần có nghiên cứu chi tiết về đặc điểm loại hình và thị trường của du lịch chữa lành, đưa ra những hướng dẫn cụ thể, xây dựng tour chữa lành mang tính chuẩn mực, công bố các tiêu chí cần đáp ứng của đội ngũ chuyên gia chữa lành…
Chỉ khi sản phẩm được chuẩn hóa, lại thêm “kim chỉ nam” như vậy mới có căn cứ cho các doanh nghiệp, điểm đến, địa phương xây dựng và phát triển./.
Tập yoga dưới ánh bình minh giúp thân-tâm thanh tịnh, cân bằng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)(Vietnam+)
Nguồn: Vietnam+