Trang chủ Sống 5 loại rau rừng về phố ăn rất bắt cơm

5 loại rau rừng về phố ăn rất bắt cơm

26
0
Chia sẻ

Trong số những loại rau rừng này, có một số loại có thể còn mới lạ với nhiều người. Tuy vậy, điểm chung của những sản vật rừng này là ăn rất bắt cơm, càng ăn càng dễ gây ghiền.

1. Rau nhíp

Rau nhíp nghe khá lạ tai với người miền xuôi nhưng là loại rau quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên. Cây rau này mọc xanh quanh năm trong rừng, đặc biệt tươi ngon nhất vào thời điểm sau những cơn mưa mát lành đầu mùa. Lúc này, đọt rau nhíp đón mưa bật mạnh mầm lên, chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Rau nhíp vào bữa ăn gia đình thành thị. Ảnh: V.T

Rau nhíp dùng để chế biến được nhiều món ngon như rau xào, nhúng lẩu, nấu canh… Rau dùng kèm được với rất nhiều loại thực phẩm khác. Rau nhíp nhiều dinh dưỡng, chứa nhiều protein, đường, khoáng chất, vitamin A và vitamin C. Rau nhíp có vị ngọt, thơm, dẻo, ăn rất bắt cơm, đã lên bàn ăn của nhiều gia đình ở thành thị.

2. Rau dớn

Loại rau ăn lá này đang dần quen thuộc với bữa cơm trong các gia đình. Rau dớn có thể dùng để luộc; xào với tỏi, bò; nấu canh. Đặc biệt, nhiều người sành ăn còn dùng dớn ăn như rau sống. Dù nấu chín hay ăn sống, gắp rau dớn có thể chấm với bao loại nước chấm tùy thích, như nước mắm, mắm ruột, mắm ruốc…

Một gia đình ở TP.HCM làm món rau dớn xào tôm. Ảnh: V.T

Không chỉ là loại thực phẩm ngon, rau dớn còn như một loại thuốc tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe. Có thể trữ khô rau dớn để sắc nước uống, giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Rau dớn được cho là có khả năng phòng trị một số bệnh thông thường như viêm họng, ho, cảm. Ngoài ra, đặc tính mát của rau dớn còn giúp ngủ ngon, ngủ sâu, giảm đau…

3. Rau tầm bóp

Tùy từng địa phương, rau tầm bóp còn được gọi là cây thù lù, cây lồng đèn, cây bôm bốp… Nghĩa là, loài rau này có mặt ở nhiều vùng quê trên đất nước ta, nhất là vùng núi, bờ đất, ruộng lúa. Ngoài rau tầm bóp nội địa, hiện trên thị trường còn xuất hiện rau tầm bóp Nhật Bản, giá bán cao hơn nhiều.

Cây tầm bóp còn dùng để làm kiểng. Ảnh: internet

Rau tầm bóp ngon nhất khi được dùng để luộc hoặc xào, đặc biệt là xào tỏi hoặc xào thịt bò. Rau tầm bóp có một số dược tính tốt, giúp lợi tiểu, tiêu đàm, trị mụn nhọt, bệnh dạ dày… Trái tầm bóp còn xanh hay chín đỏ đều tạo hình đẹp nên loài cây này còn được dùng làm cảnh.

4. Rau lủi

Rau lủi mọc tự nhiên trong vùng rừng núi cao ở Tây Nguyên, còn có tên gọi khác là rau kim thất, rau bầu đất tím… Rau ăn hơi nhớt, có vị như mùi thuốc bắc có thể chưa quen với một số người nhưng khi đã quen thì để lại dư vị rất lâu.  

Rau lủi ăn có vị thuốc bắc. Ảnh: tingialai

Rau lủi dùng làm nguyên liệu cho nhiều món, đặc biệt ngon khi luộc chấm với thịt kho quẹt hoặc kết hợp giữa hương vị rừng với đồng ruộng là món cua đồng để nấu canh. Rau lủi được người dân dùng để trị viêm họng, giảm sưng viêm, nhức mỏi, đắp vết thương…

5. Rau cải trời

Loại rau này có mặt ở nhiều nơi nhưng phổ biến hơn tại miền Trung và miền Tây nước ta. Đây là loài cây thân thảo nhỏ, cao chừng 30 – 50 cm, nên thường khuất lẫn vào các loại cây khác. Cải trời thường được ăn sống, chấm với mắm kho, mắm cá, có vị nhân nhẩn, giòn thơm. Có thể nấu canh cải trời hoặc nấu chung thành món tập tàng với các loại rau khác, ăn ngon lúc nóng lẫn cả lúc nguội.

Rau cải trời nấu canh hến. Ảnh: canthoplus

Trong các loại rau rừng, cải trời được nhắc đến với rất nhiều công dụng về y học, rất tốt cho sức khỏe. Đáng chú ý, cải trời có nhiều chất xơ giúp hạn chế quá trình hấp thụ chất béo, nhuận tràng, nên đây là thực phẩm giá rẻ mà hữu hiệu dành cho những người muốn giảm cân.

Nguồn: VietNam Travel Life