Chúng tôi đến bến tàu du lịch hồ Hòa Bình, cô chủ tàu tên Nguyễn Thị Vân nở nụ cười thân thiện mời mọi người xuống tàu. Sau khi giới thiệu lịch trình di chuyển, con tàu chầm chậm rời bến đưa du khách vào một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.
Tàu du lịch của cô Vân có thể chở cùng lúc khoảng 80 du khách, nhưng nó vẫn trở nên nhỏ bé trước cảnh non nước hùng vĩ. Hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước gần 8.000ha, là công trình chứa nước cung cấp cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Dòng nước xanh mát quanh năm uốn quanh núi non trùng điệp không chỉ tạo nên cảnh sắc trữ tình mà còn nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây. Cô Vân là người gốc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Từ nhỏ, cô đã biết chèo đò cùng bố mẹ, chở du khách đi tham quan đền Thác Bờ và đền Đôi Cô. Hơn chục năm trở lại đây, hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch hấp dẫn, gia đình cô Vân đã đầu tư đóng tàu du lịch để đưa đón và phục vụ ăn uống cho du khách.
Điều đặc biệt tạo nên vẻ đẹp của hồ Hòa Bình là hệ thống 47 đảo lớn, nhỏ nằm rải rác. Từ trên tàu nhìn sang hai bên là khung cảnh của những bản làng yên bình. Người dân sống tại bản Ngòi, xóm Ké, xóm Đức Phong… luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường trong từng nếp nhà sàn với những làn điệu dân ca Mường, diễn xướng Mo Mường hay trình diễn chiêng Mường đặc sắc. Với chúng tôi, điều thích thú nhất là nhìn thấy người dân tất bật chăm sóc cá tại các lồng bè trong hồ. Chốc chốc lại thấy mấy con thuyền nhỏ chở đầy cá cập bến sau một đêm buông lưới.
Sau gần một tiếng đi tàu, chúng tôi đến được đền Thác Bờ và tham quan Di tích quốc gia động Thác Bờ. Tại đây, chúng tôi được người dân địa phương kể cho nghe truyền thuyết về bà chúa Thác Bờ đã giúp nghĩa quân của anh hùng áo vải Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh xâm lược và góp phần giữ yên bình cho cuộc sống người dân hai bên bờ sông Đà.
Kết thúc hành trình tham quan đền Thác Bờ và động Thác Bờ thì trời đã gần trưa, chúng tôi lên tàu và đi tới đảo Dừa. Cô Vân cho tàu neo đậu gần bờ và bắt đầu phục vụ du khách những đặc sản của Hòa Bình với các món hấp dẫn như: Cá ngạnh nướng riềng sả, canh cá chua, thịt lợn xào, gà luộc, rau măng rừng… Điều đặc biệt, tất cả những món ăn trên đều là “cây nhà lá vườn” của người Hòa Bình và giá cả rất phải chăng. Mỗi lần mang một món mới lên bàn ăn, cô Vân lại tận tình giới thiệu cho thực khách cách chế biến và nguồn gốc của món ăn. Cô Nguyễn Thị Vân cho biết thêm, đến du lịch hồ Hòa Bình, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị và phù hợp với mọi lứa tuổi tại bản Đá Bia, như: Chèo thuyền kayak, bơi lội, đi thuyền ngắm cảnh, câu cá, kéo tôm, thu hoạch nông sản, học nấu các món ăn truyền thống, gói bánh ốc, nhảy sạp…
Tàu cập bến kết thúc chuyến khám phá hồ Hòa Bình trong ngày, ai nấy trong chúng tôi đều hài lòng. Sự hài lòng không chỉ đến từ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đặc sản phong phú mà còn đến từ sự ân cần, chu đáo của chủ tàu du lịch. Điều đó đã góp phần lý giải vì sao những năm qua du khách gần xa đã đặt biệt danh cho hồ Hòa Bình là “Hạ Long trên cạn”.
Nguồn: Quân đội nhân dân