Trang chủ Sống Chọn lối sống bền vững để bảo vệ môi trường: Có khó...

Chọn lối sống bền vững để bảo vệ môi trường: Có khó không?

35
0
Chia sẻ

Mua đồ thân thiện với môi trường hay dùng lại đồ cũ đều tốn kém và khá bất tiện, thành ra chúng ta thường nghĩ ai có điều kiện hoặc rảnh rỗi mới thực hành sống bền vững được. Nhưng mọi việc thực ra đơn giản hơn thế nhiều.

Chọn lối sống bền vững để bảo vệ môi trường: Có khó không? - Ảnh 1.
Dùng chai lọ thủy tinh góp phần giảm rác thải nhựa ra môi trường – Ảnh: The Minimalist Vegan

Lối sống bền vững là gì?

Lối sống bền vững được định nghĩa là cách sống nhằm giảm thiểu dấu chân carbon (carbon footprint) của mỗi người lên trái đất. Nói cách khác, lối sống bền vững là hình thức giảm thiểu những gánh nặng mà mỗi người đặt lên thiên nhiên và các tài nguyên khác của trái đất.

Những người theo đuổi lối sống này thường thay đổi thói quen hằng ngày của họ, gồm phương tiện đi lại, chế độ ăn uống và hình thức mua sắm.

Họ đặt mục tiêu “không rác thải” (zero waste), tức tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm giảm thiểu số rác thải bị mang đi chôn, đốt hay đổ xuống biển. Tuy nhiên, con số “không” tuyệt đối là gần như không thể và rất khó để thực hiện.

Bắt đầu từng bước nhỏ

Không cần phải làm những chuyện to tát để bắt đầu thực hiện lối sống xanh. Ngay cả những cử chỉ nhỏ nhất cũng có thể làm giảm thiểu dấu chân carbon của mỗi người trên trái đất. Sau đây là hai điều ai cũng có thể làm để bảo vệ môi trường.

Tái sử dụng

Mấu chốt của việc giảm thiểu dấu chân carbon là tái sử dụng những gì đã có, tránh tạo ra rác thải mới.

Nếu nhà đã có túi nilông từ lần đi siêu thị trước, các bạn có thể mang theo và tái sử dụng, không việc gì phải vội vàng đi mua những chiếc túi vải, túi canvas để đi chợ.

Thay vì mua chai nước suối mỗi khi khát nước, nhiều người mang bình nước của mình để ngay cả khi vào quán mua nước mang đi cũng có bình của mình và không cần dùng đến ly nhựa của quán.

Những người sống xanh cũng chọn cách mua sắm quần áo “bền vững”, tức tìm đến những nhãn hiệu thân thiện với môi trường, thay vì tiếp tục mua sắm tại các nhãn hiệu thời trang nhanh.

Tuy nhiên, cách này có thể tốn kém, nên nhiều bạn chọn mua quần áo đã qua sử dụng để tránh gây lãng phí, đồng thời bán những bộ quần áo của mình mà đã lâu không mặc đến.

Tránh lãng phí thực phẩm

Nhiều người cho rằng thực phẩm có thể phân hủy nên không bị xem là “rác”. Tuy nhiên, đây cũng là một quan điểm sai lệch vì chính thức ăn bị bỏ phí cũng góp phần vào sự thay đổi khí hậu.

Lãng phí thực phẩm không chỉ là sự lãng phí tiền bạc mà còn làm tổn hại đến khí hậu, thiên nhiên và môi trường. Trên thực tế, thực phẩm tác động đến môi trường ngay khi chúng được gieo hạt.

Quan trọng hơn hết, khi chúng được chôn xuống đất để phân huỷ, chúng sẽ tiết ra khí mêtan, một dạng khí gây hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần khí carbon. 

Tuy vậy, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất trên toàn thế giới không bao giờ được tiêu thụ.

COVID-19 và bài toán bảo vệ môi trường

Du lịch quá tải, con sông Venice nổi tiếng hiện nay cũng chỉ toàn… rác. Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với hạn mặn và lũ nghiêm trọng hơn bao giờ hết, ảnh hưởng đến hàng ngàn người. Ô nhiễm không khí do sản xuất công nghiệp và vận tải cũng là một vấn đề nóng bỏng được nhiều người quan tâm.

Thế nhưng, với việc guồng quay thế giới dường như chậm lại để đối phó với dịch COVID-19, các chuyên gia ghi nhận lượng khí CO2 thải ra giảm đến hàng triệu tấn.

Nhiều sông, ngòi, và vùng đất cho thấy dấu hiệu hồi phục trở lại với trạng thái ban đầu khi lệnh giãn cách xã hội được ban bố khắp nơi. Điều này cũng không quá bất ngờ vì vận tải “đóng góp” đến 23% lượng khí thải CO2 hằng năm.

Giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 mang lại cơ hội hiếm hoi cho môi trường hồi phục trước các tác động tiêu cực của con người. 

Nhưng để hiện trạng tức thời này chuyển thành lâu dài, con người cần phải thực hành lối sống bền vững.

Nguồn: Tuổi Trẻ