Trang chủ Tiêu dùng Vì sao giá xăng giảm, giá tô hủ tiếu không đổi?

Vì sao giá xăng giảm, giá tô hủ tiếu không đổi?

26
0
Chia sẻ

Khi giá xăng giảm, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và cán cân cung cầu khiến giá hàng hóa chưa phản ánh đúng tác động từ giá xăng rẻ.

So với hồi đầu năm, giá xăng trong nước đã giảm 45% giá trị. Xăng E5 RON 92 xuống còn 10.942 đồng/lít, xăng RON 95 còn 11.631 đồng/lít.

Trong khi đó, giá một tô bún cá tại ngõ Tự Do (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn là 25.000 đồng, giá một tô hủ tiếu gần trường THPT Thăng Long vẫn là 30.000 đồng, không thay đổi.

Khi giá xăng tăng, tốc độ tăng giá của hàng hóa, dịch vụ khác rất nhanh. Ảnh: Văn Hưng.

Giá xăng tăng, hàng hóa cùng đua tăng giá

Trao đổi với Zing, PGS TS Phạm Thế Anh cho biết xăng dầu là một loại chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Khi giá xăng tăng, chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng.

Ngành nghề có ít doanh nghiệp cùng tham gia cung ứng, sản xuất thì việc tăng giá hàng hóa không gặp nhiều khó khăn. Ở trường hợp có nhiều nhà phân phối trên thị trường, nếu một doanh nghiệp nâng giá sản phẩm mà số còn lại nói không, rất khó để doanh nghiệp đó giữ chân được khách hàng.

Doanh nghiệp cũng thường phản ứng rất nhanh khi giá thành sản phẩm bị đội lên cao. Họ có lý do tăng giá chính đáng để người tiêu dùng chấp nhận; hoặc nếu không tăng, doanh nghiệp có thể chịu thiệt.

Đồng quan điểm, PGS TS Ngô Trí Long cho rằng khi giá xăng tăng, tốc độ để các loại hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo là rất nhanh. Vị chuyên gia nhận định do chi phí của những yếu tố tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ (bên cạnh giá xăng) không đổi, thậm chí tăng.

Trong khi đó, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, lấy ví dụ giá một tô hủ tiếu tăng từ 25.000 đồng lên 30.000 đồng khi giá xăng tăng để phân tích. Theo ông, chủ quán đã mượn cớ giá xăng tăng để giải thích cho khách hàng.

Thực tế, đồ ăn tự nấu nướng (không phải đồ ăn nhanh, làm đại trà) luôn ẩn chứa sự tăng giá. Kinh doanh dịch vụ ăn uống gồm nhiều chi phí: thuê mặt bằng, thực phẩm, trả lương cho người phục vụ, lợi nhuận,… nên cần đảm bảo chất lượng dịch vụ và mức sống.

PGS TS Phạm Thế Anh gọi sự biến động giá hàng hóa, dịch vụ do ảnh hưởng của giá xăng là “Sự điều chỉnh không cân xứng giữa tăng và giảm”. Ảnh: Văn Hưng.

Vì sao giá xăng giảm, giá tô hủ tiếu không giảm?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thông tin xăng chiếm 30-35% giá thành vận tải, về nguyên tắc, giá xăng giảm thì giá cước phải giảm. Tuy nhiên, giá xăng đã 8 lần giảm liên tiếp mà giá cước vẫn không đổi do dịch bệnh lây lan, phải cách ly xã hội và hạn chế giao thương, dẫn đến nhu cầu về vận tải giảm mạnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp vận tải vẫn phải chịu những chi phí cố định thường xuyên nên giá xăng giảm chưa đủ điều kiện để giảm giá cước.

“Giá xăng giảm nhưng giá cước không giảm. Giá cước không giảm nên giá hàng hóa không giảm được. Giá hàng hóa còn phụ thuộc vào cung cầu nữa”, ông Long phân tích.

PGS TS Phạm Thế Anh cho rằng giá hàng hóa, dịch vụ thường không giảm tương ứng với mức giảm của giá xăng. Mức giảm giá dịch vụ, hàng hóa phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí xăng dầu trong giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhà cung cấp muốn giữ giá hàng hóa, dịch vụ ổn định để phòng trường hợp giá xăng biến động mạnh, phải tăng hoặc giảm giá sốc gây ra phản ứng từ khách hàng. Việc không giảm giá hàng hóa cũng đem về thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Về trường hợp cụ thể giá xăng giảm, giá tô hủ tiếu không giảm, ông Thế Anh giải thích dịch vụ ăn uống là thiết yếu, nhưng phần giá giảm của tô hủ tiếu không đáng kể so với tổng chi tiêu của người tiêu dùng. Do đó, khách hàng vẫn sẽ chấp nhận mức giá cũ.

“Giá trị hàng hóa nhỏ sẽ ít giảm hơn so với hàng hóa có giá trị lớn”, vị chuyên gia này nói.

TS Đinh Thế Hiển thì nhìn nhận kinh doanh mặt hàng hủ tiếu có ít sự cạnh tranh. Người tiêu dùng vẫn chọn ăn ở quán quen, thay vì vào quán khác vì rẻ hơn 5.000 đồng/tô.

Theo ông Hiển, mức độ lan tỏa từ việc giá xăng giảm sâu giai đoạn này nhỏ hơn nhiều nếu so với khi hoạt động kinh doanh diễn biến bình thường.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến việc lưu thông hàng hóa giảm mạnh, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ít đi. Trong khi đó, chi phí vận tải giảm không nhiều do hiệu suất vận chuyển thấp, định phí vẫn cao.

“Giá hàng hóa đang chưa phản ánh đúng tác động từ việc giá xăng, dầu giảm. Một số mặt hàng giảm giá không phải vì giá xăng giảm; số khác như khẩu trang, vật tư y tế hay thực phẩm lại tăng do nhu cầu tiêu thụ quá lớn. Diễn biến giá cả đang bị méo”, ông Hiển nói.

Nguồn: Tri thức trực tuyến