Trang chủ Dinh dưỡng Ăn uống thế nào sau khi tiêm vắc xin Covid-19?

Ăn uống thế nào sau khi tiêm vắc xin Covid-19?

31
0
Chia sẻ

Nhiều người vẫn băn khoăn về việc ăn uống như thế nào sau khi tiêm vắc xin Covid-19, nên ăn gì và không nên ăn gì…

Điều quan trọng nhất là ăn uống bình thường nhưng đầy đủ để cơ thể đảm bảo đủ dinh dưỡng, duy trì sức khỏe, tăng đề kháng. Sau đó mới tính đến việc ăn gì, không ăn gì.

Uống nhiều nước

Sau khi tiêm vắc xin nên uống nước. Nước không chỉ rất cần thiết đối với cơ thể mà còn đặc biệt quan trọng sau khi tiêm vắc xin Covid-19.

Bình thường, cơ thể con người đã luôn cần được cung cấp nước đầy đủ. Nước cần thiết cho mọi hoạt động sống, bảo vệ các mô, cơ quan và điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Nhu cầu nước của người bình thường ở mức khoảng 35-40ml/kg/ngày. Lượng nước thay đổi ít hay nhiều còn căn cứ vào tình trạng sinh lý, điều kiện thời tiết, điều kiện lao động, sinh hoạt…

Đối với người tiêm vắc xin Covid-19, bổ sung nước cho cơ thể càng quan trọng. Sau tiêm thường hay sốt, nên uống nước nhiều để cơ thể hạ nhiệt. Tuy nhiên không uống nước nhiều một lúc mà nên chia nhỏ nhiều lần, uống chậm, từ từ để cơ thể hấp thu. Ngoài nước lọc, có thể uống thêm các loại nước trái cây như nước chanh, nước cam, nước bưởi ép. Các loại nước hoa quả này nhằm giúp tăng cường vitamin C, A cần thiết cho cơ thể.

Ăn cá 3 lần/tuần

Cá chứa nhiều đạm, vitamin. Người sau tiêm vắc xin, năng lượng cơ thể suy giảm nhất thời, cần bổ sung cá do thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như vitamin A, D, magie, kẽm… Chú ý một số loại cá chứa lượng lớn omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… Các loại cá này giúp cơ thể chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch. Tần suất ăn cá được khuyên dùng là nên 3 lần/tuần.

Ăn bí đỏ, cà rốt, xoài…

Thực phẩm giàu vitamin A: Gấc, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, ớt chuông, rau bina, xoài, bông cải xanh, dầu gan cá…

Vitamin A là vi chất dinh dưỡng quan trọng, tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể. Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, tham gia vào biệt hóa tế bào miễn dịch. Đồng thời, vitamin A cũng có vai trò trong bảo vệ sự toàn vẹn của da, niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp là những hàng rào đầu tiên ngăn cản mầm bệnh.

Ăn cam, bưởi, giá đỗ…

Vitamin C có nhiều trong hoa quả tươi và rau xanh, bao gồm: Bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải,… Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.

Vitamin C là chìa khóa cho sự tăng trưởng và hoạt động hàng ngày của hầu hết các mô cơ thể. Cả vitamin C và vitamin E đều được biết đến với vai trò chất chống oxy hóa mạnh của cơ thể, có tác dụng bảo vệ sự nguyên vẹn của tế bào, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Ăn trứng, sữa

Vitamin D có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nguồn thực phẩm giàu vitamin D: Cá, trứng, sữa…

Ăn sò, hàu, tôm…

Thực phẩm giàu kẽm: Sò, hàu, tôm, cua biển, ghẹ, ngũ cốc nguyên hạt… Kẽm là một vi khoáng cần thiết cho cơ thể, có vai trò xúc tác và cấu trúc cho rất nhiều enzym chuyển hóa trong cơ thể. Kẽm có vài trò tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, giúp duy trì vị giác và khứu giác.

Không dùng rượu

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, nên tránh uống rượu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 vì rượu có thể ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước. Uống rượu làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin.

Không dùng thực phẩm nhiều chất béo bão hòa

Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng nhiều dầu mỡ như: Gà rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên… chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.

Nguồn: Vietnam Travel Life