Trang chủ Dinh dưỡng Ăn uống vô độ ngày Tết gây hại thế nào

Ăn uống vô độ ngày Tết gây hại thế nào

8
0
Chia sẻ

Ăn uống mất kiểm soát với tâm lý “thả ga một lần một năm” có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như tăng cân, trào ngược dạ dày, rối loạn giấc ngủ.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu của ăn uống vô độ là cảm giác quá no, đầy bụng, ợ hơi, trào ngược thực quản. Việc dùng các thuốc tiêu thực hoặc nới lỏng thắt lưng đôi khi không khiến cảm giác khó chịu, nôn nao biến mất. Thói quen này có thể để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe.

Thông thường, các đầu dây thần kinh thụ cảm trên thành dạ dày có nhiệm vụ gửi tín hiệu đến não khi dạ dày đã đầy. Nhưng quá trình này có thể mất khoảng 20 phút. Hiện tượng ăn quá độ xảy ra khi một người tiêu thụ lượng thực phẩm vượt sức chứa của dạ dày, trước khi não kịp phát cảnh báo ngừng ăn.

Ngoài ra, cơ thể người dần thích nghi với việc ăn vô độ bằng cách giải phóng dopamine, một chất hóa học tạo khoái cảm tự nhiên khuyến khích ăn nhiều hơn.

“Vì vậy, ngay cả khi ăn uống vô độ gây đau bụng và khó chịu, bạn vẫn tiếp tục ăn thêm. Đây là nguyên nhân của chứng rối loạn ăn uống hoặc nghiện ăn”, giáo sư Elizabeth Hartney, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Lãnh đạo Y tế tại Đại học Royal Roads, Canada, cho biết.

Dạ dày là một túi cơ hình chữ J, hầu như phẳng lại khi rỗng. Khi chứa đầy thức ăn, dạ dày có thể tích khoảng 4-5l, với đường kính 10 cm. “Dạ dày rỗng có kích thước bằng một quả táo cỡ trung bình. Dạ dày căng có kích thước như một quả dưa lưới”, tiến sĩ Lin Jinlin, chuyên gia tư vấn tại Khoa Ngoại tổng quát của Bệnh viện Đa khoa Changi, nói.

Các món ăn truyền thống ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam. Ảnh: NY Times
Các món ăn truyền thống ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam. Ảnh: NY Times

Trái với suy nghĩ của nhiều người, kích thước dạ dày không liên quan đến giới tính hoặc trọng lượng cơ thể. Nó không bị teo đi khi một người đang ăn kiêng. Khi dạ dày giãn nở quá mức, cơ thể không còn cảm thấy no với lượng thức ăn bình thường.

Nếu một người ăn quá sức chứa của dạ dày, thức ăn thừa và axit sẽ tràn lên thực quản, gây ra hiện tượng trào ngược, dẫn đến nôn mửa không tự chủ khi cơ thể cố gắng giải tỏa cảm giác khó chịu.

Các cơ quan tiêu hóa như tuyến tụy và ruột non cũng phải làm việc nhiều hơn. Điều này có thể làm căng thẳng hệ tiêu hóa, gây ra triệu chứng như khó tiêu, đầy bụng và tiêu chảy.

Bên cạnh đó, lượng calo dư thừa nạp vào cơ thể dịp Tết khiến nhiều người tăng cân. Chỉ một tuần ăn uống mất kiểm soát, cơ thể sẽ tích mỡ xấu. Nhiều người ăn uống vô độ không chủ ý, sử dụng lượng thịt đỏ nhiều quá mức trung bình, ăn lượng bột nếp tương đương với một tháng chỉ trong 10 ngày Tết.

Theo trang web của Trung tâm MD Anderson của Đại học Texas, thường xuyên ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

“Đồng hồ sinh học kiểm soát chu kỳ giấc ngủ của bạn, khiến mức độ hormone ngủ và đói tăng giảm trong suốt cả ngày. Ăn quá no có thể làm rối loạn nhịp độ này, khiến bạn mất ngủ suốt đêm”, trang web lưu ý.

Thói quen ăn quá nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, gây bệnh tiểu đường và ung thư ruột kết. Hiện tượng này xảy ra khi một người ăn quá nhiều calo, theo tiến sĩ Lin.

Để ngăn ngừa tình trạng ăn uống quá độ trong và sau Tết, chuyên gia khuyến cáo nên xác định khẩu phần trước khi ngồi vào mâm, thay vì ăn quá no. “Ăn đến khi nào no khoảng 80% thôi, vì não chúng ta cần thời gian để truyền đi cảm giác no”, tiến sĩ Lin nói.

Ông cũng khuyến khích người dân tập ăn trong chánh niệm, ăn chậm, uống nước trước, trong và sau bữa ăn. Mọi người nên tránh đồ ngọt, tráng miệng và uống quá nhiều rượu bia.

Nếu lỡ ăn quá đà, bạn không nên nhịn ăn các bữa sau hoặc bỏ đói bản thân trong thời gian còn lại của một ngày. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn một bữa một ngày làm tăng lượng hormone gây đói, tăng lượng đường trong máu và làm chậm phản ứng insulin.

Thay vào đó, chuyên gia khuyến nghị người dân đi dạo sau bữa ăn. Hoạt động thể chất giúp kích thích nhu động dạ dày và ruột, ngăn ngừa đầy hơi, khó chịu sau ăn.

Nguồn: VnExpress