Chuyện vợ giữ tiền để thống nhất tài chính gia đình về một mối ngày nay gặp phải sự phản đối của nhiều ông chồng. Vậy trong nhà có nên giao tiền cho vợ quản hay không?
Chồng đòi ly hôn vì vợ keo kiệt
Anh Trần Văn Trung (Cao Bằng) tâm sự, hai vợ chồng anh đều là viên chức nhà nước ở tỉnh. Cưới nhau được hơn chục năm, hai đứa con, trong khi lương hai vợ chồng cộng lại khoảng 10 triệu đ/tháng. Thế mà chẳng hiểu vợ tiết kiệm kiểu gì mà có được 500 triệu đồng để mua nhà, cộng với tiền bố mẹ hai bên nội ngoại cho thì chỉ phải đi vay gần 200 triệu là đủ. Trong khi nhiều người lương tháng 15 – 20 triệu đồng mà kêu không để ra được đồng nào.
Hỏi thì vợ bảo lương của vợ để chi tiêu, lương của chồng đưa cô ấy tiêu một ít, còn lại để tiết kiệm. Nghe vợ nói anh Trung mới thực sự hiểu được ý nghĩa câu “chồng là cái giỏ, vợ là cái hom” mà các cụ dạy xưa nay. Cái hom này nó như cái phễu, cho con cua, con cáy vào thì dễ nhưng nó không thể bò ra được (nghĩa là có tiền vào mà khó có ra).
Trong khi anh Trung tự hào về “cái hom” nhà mình thì không ít ông chồng ca cẩm về sự so đo, tính toán tiền nong của vợ. Anh Phạm Văn Ba (Hà Nội) chia sẻ đang muốn ly hôn vợ vì tiền bạc dù mới cưới được 2 năm. Bố mẹ vợ muốn dạy anh học kinh doanh buôn bán để hai vợ chồng không phải xa nhau (dù đi làm xa lương anh được 15-16 triệu đ/tháng. Ở rể nên anh xác định mình là đàn ông trẻ khỏe nên việc gì cũng làm, không bạn bè bù khú, rượu chè. Hàng ngày anh phụ giúp bố mẹ vợ việc buôn bán, tiền lương ông bà trả thì đưa cả cho vợ, còn được “bao cấp sinh hoạt” hàng tháng.
Nhưng vợ thì thay đổi, không còn trân trọng chồng nữa, còn phân biệt rạch ròi nội ngoại. Nhà anh nghèo khó hơn nhà vợ, ở ngoại thành cách nhà bố mẹ vợ 20km. Khi vợ sinh con mẹ anh đã tới chăm dâu đẻ 2 tuần, khi về còn cho con dâu 3 triệu để làm đầy tháng cháu đích tôn. Anh bảo vợ đưa lại mẹ 1 triệu để đi ô tô về, vậy mà vợ khó chịu, rồi trả lại cho anh hết tiền bên nội cho em bé, chỉ giữ lại tiền bên ngoại cho để mua bỉm tã cho con.
Từ Tết tới giờ nhà nội có 2-3 lần giỗ, có báo cho anh đưa vợ con về. Nhưng vợ anh không chịu đưa con về, cũng chẳng chịu sắm lễ cho anh mang về giỗ lễ. Có bữa trúng ngày nhà vợ rất nhiều việc cần anh ở lại phụ việc, thế là anh lại không nỡ đi… thế là bố mẹ chỉ còn biết trách anh “đội vợ lên đầu, bố mẹ sinh con, cho ăn học, có việc làm rồi mà chả nhờ được gì”…
Anh Nguyễn Văn Hải (Hà Nội) cũng chia sẻ, ở với nhau 3 năm chưa bao giờ trong ví tôi có quá 500 ngàn đồng, vì vợ sợ có nhiều tiền anh sẽ sinh tật nhậu nhẹt, bồ bịch… Đi đâu cùng chồng vợ cũng không chịu chi tiền, dù lương của anh trả vào tài khoản vợ giữ tất.
Mỗi tháng anh kiếm được 13 triệu đồng, vợ chỉ phát 2 triệu để tiêu. Trung bình 1 tuần anh được phát 500 ngàn đồng, đã thế còn xé nhỏ phát 2 lần để ví anh có tối đa 200 – 300 ngàn đồng, còn dặn dò tiết kiệm dành cho con, hay khi có việc. Anh luôn có cảm giác vợ bắt anh phải ngửa tay xin tiền, phải lủi thủi ngày đi làm, chiều về ăn cơm nhà, cà phê không dám uống 1 ly mỗi ngày vì uống sẽ có ngày “nhịn” tiêu tiền, rồi phải viện đủ lý do để không tham gia nhậu nhẹt, chè nước với bạn bè…
Nhưng vợ lại hào phóng với bản thân, tủ giày dép, quần áo của bố con anh có 1 buồng thì đồ của vợ chiếm hết 3 buồng. Khi bố mẹ anh đau yếu vợ cũng so đo, đưa tiền vẻ ban ơn rất khó chịu. Vợ chồng cự cãi mấy lần nhưng vợ vẫn thế.
Đầu năm bố anh bệnh phải phẫu thuật cần 10 triệu viện phí mà vợ nhăn nhó vì tốn tiền quá. Vợ làm mẹ chồng tức giận, anh thì xấu hổ. Anh xót bố mẹ già yếu, có mình anh là con trai lẽ ra phải cáng đáng nhiều hơn thì lại chả có nổi 10 triệu đồng viện phí cho bố, dù lương anh cao gấp đôi lương vợ, lại đưa cả cho vợ giữ.
Hai vợ chồng lại cãi nhau, vợ kêu: “13 triệu đồng anh đã tiêu mất 2 triệu, còn sinh hoạt hàng tháng chứ để được bao nhiêu đâu. Chắt bóp vun vén bao lâu mới để được một ít, không biết ơn lại còn trách mắng…”. Anh Hải quyết định ly hôn, ra đi tay trắng với cha mẹ già. Nhưng anh thấy nhẹ nhõm vì không phải chịu sự so đo, tính toán của vợ, thoải mái lo cho bố mẹ… Anh muốn cho vợ biết tiền rất quý, nhưng tình cảm còn quý hơn, và anh chỉ còn rất ít cơ hội lo cho bố mẹ.
Vợ giữ tiền chưa chắc đã vì tham
Chuyện đưa tiền cho vợ giữ ngày nay gặp phải sự phản đối của nhiều ông chồng. Thực tế rất nhiều đàn ông cậy mình làm ra tiền, dè sẻn keo kiệt tiền nong với vợ, cứ thấy vợ mở miệng đòi tiền là khó chịu, cãi cọ… Thậm chí vác miệng về ăn cơm vợ nấu, nhưng tiền lương thì đưa cho bố mẹ, hoặc tự ý chi tiêu, không gánh góp cho gia đình nhỏ, trong khi gia đình nhỏ rất cần chi tiêu nhiều thứ.
Từ xưa các cụ đã dạy nên giao tiền cho vợ quản lý, rằng “chồng là cái giỏ, vợ là cái hom”, rằng đã là vợ chồng thì cần thống nhất về tài chính. Đàn ông tuy kiếm được tiền, nhưng nói để tiết kiệm thì rất khó. Đàn bà tính tiết kiệm, chi li, lo cho chồng con vừa đủ, không hoang phí. Người đàn ông tin tưởng vợ sẽ giao tay hòm chìa khóa cho vợ quản lý tiền bạc của gia đình.
Đổi lại người vợ yêu thương chồng con thì học cách cân đối chi tiêu hợp lý, có thể “mạnh chi” cho sở thích hợp lý của chồng – cũng là bí quyết giúp cuộc sống hôn nhân thoải mái, bền lâu.
Tình yêu tuổi trẻ chỉ cần hai trái tim nóng là có thể trở thành một mái ấm gia đình. Nhưng có một thực tế phũ phàng (trừ số ít những cô vợ hư hỏng) thì đa số các gia đình chồng nắm quyền kiểm soát tiền nong thì vợ con thiếu đói, gia đình bất ổn, không hạnh phúc…
Để gia đình hạnh phúc cần cả cái đầu lạnh. Cái đầu có lạnh thì đàn ông mới bớt ham vui chơi quá độ mà quên mất mình là “nóc nhà”, là “trụ cột”. Cái đầu lạnh để vượt qua cám dỗ, để không bỏ rơi và làm tổn thương người kề vai sát cánh yêu thương chăm sóc mình. Cái đầu lạnh để tự tin đứng trước mặt và lo cho vợ con mình, những người mình yêu thương. Cái đầu lạnh mới có đủ năng lực để gánh vác phụng dưỡng cha mẹ…
Người vợ gom góp những đồng tiền chồng kiếm được cũng chỉ mong sau này gia đình được yên ấm, con cái học hành đàng hoàng, anh em bạn bè của chồng không vì chữ “Tiền”, không vì cái sự hơn thua mà xích mích, xa lánh chồng mình. Và không phải vì tiền mà hạ mình làm phiền người khác.
Người vợ một đời vất vả kiếm sống, họ giữ tiền lương của chồng không phải vì tham lam, đam mê tiền, bơ chồng thành thứ yếu… mà vì họ thừa sức thấy rằng tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì vất vả lắm thay. Ở thời buổi kinh tế số, kỹ thuật số, yêu đương số… sống mà não không nhảy số về tiền thì chắc chắn sẽ khổ sở và cực nhọc lắm, thậm chí có lúc cảm thấy rất hèn.
Đàn ông nên hiểu rằng đàn bà chỉ cần được chồng yêu thương, mang tiền về cho vợ cất giúp là đủ, tình cảm chân tình đó sẽ làm đàn bà yên tâm. Chồng mang tiền về nhà cho vợ nuôi nấng con cái, chăm lo đời sống gia đình, gìn giữ, chi tiêu phù hợp thì gia đình và sự nghiệp của đàn ông ổn định, hạnh phúc, thịnh vượng, và quan trọng là có người nắm tay đàn ông đi hết cuộc đời mà không sợ rơi vào cảnh thiếu đói, không có người chăm sóc lúc về già.
Nguồn: Dân Trí