TP.HCM đã triển khai lập Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đây là cơ sở, bước thực hiện đầu tiên nhằm điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được phê duyệt năm 2010.
Phạm vi, ranh giới và quy mô
Phạm vi, ranh giới nghiên cứu trực tiếp: bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM, với diện tích 2.095 km2 và 28,70 km2 khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Phạm vi nghiên cứu gián tiếp: bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và các tỉnh xung quanh thuộc vùng TP.HCM (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang; với diện tích khoảng 30.404 km2.
Dự báo phát triển sơ bộ
Quy mô dân số: đến năm 2040 khoảng 13-14 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 16 triệu người);
Phân bố dân cư: được nghiên cứu phân bổ hợp lý trong quá trình lập đồ án. Dự kiến khu vực nội thành cũ từ 4,5 – 5,0 triệu người; thành phố Thủ Đức 1,9 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 3 triệu người); khu nội thành phát triển từ 2,2 – 2,9 triệu người; khu ngoại thành khoảng 4,2 – 5,6 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người) – riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230.000 người.
Quy mô đất đai xây dựng đô thị: đến năm 2040 khoảng 100.000 – 110.000 ha; trong đó: khu nội thành cũ khoảng 14.000 ha; khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha (bao gồm thành phố Thủ Đức) và khu ngoại thành khoảng 50.000 – 60.000 ha.
Yêu cầu về nội dung
Xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển đô thị: Xây dựng tầm nhìn đến năm 2060: “TP.HCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Xác định mục tiêu đến năm 2040: Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP.HCM và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TP.HCM; Phát triển không gian đô thị TP.HCM thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), theo đó định hướng phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp các chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn; Cân bằng giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu.
Hình thành các hạt nhân của các trung tâm: trung tâm tri thức, trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị mới; củng cố cấu trúc đô thị đa cực. Giữ gìn và định hình bản sắc không gian đô thị của Thành phố.
Mỗi người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng; phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu vực hiện hữu; môi trường không khí đảm bảo sức khỏe; người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ với nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao.
Đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch ổn định, đủ lượng nước và đảm bảo chất lượng nước (từ nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm), tăng tỷ lệ nước sạch được sử dụng từ nguồn nước thay thế như nước mưa.
Xác định hệ thống các chỉ tiêu phát triển đô thị: kế thừa hệ thống các chỉ tiêu theo quy hoạch chung năm 2010 và vận dụng chỉ tiêu mới theo QCVN 01-2019, cụ thể hóa mục tiêu phát triển TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 để dự báo về phát triển kinh tế – xã hội, quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Định hướng phát triển không gian: Đề xuất các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị, công trình cao tầng, bố trí các không gian công cộng cho dân cư đô thị và khách du lịch; đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội theo hướng chất lượng cao và hiện đại.
Đề xuất điều chỉnh mô hình, cấu trúc không gian toàn đô thị, có tính đến liên kết vùng trên cơ sở tầm nhìn, mục tiêu, tính chất đô thị.
Dựa trên quan điểm và mục tiêu phát triển, định hướng phát triển không gian thành phố, nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc – cảnh quan các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang trong khu đô thị cũ, các khu chức năng quan trọng; đặc biệt chú ý việc xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu theo hướng hiện đại kết hợp giữ gìn các công trình văn hoá, kiến trúc có giá trị; triển khai nghiên cứu thiết kế đô thị tại các khu đô thị quan trọng, làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng đô thị.
Đề xuất điều chỉnh định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng phát triển bền vững, tăng diện tích giao thông đường bộ, công viên cây xanh, bảo vệ hệ sinh thái đô thị, lưu ý các khu bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Định hướng phát triển cho các khu vực đô thị: Giải pháp cho khu đô thị hiện hữu: Đề xuất giải pháp tái phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở cho đô thị hiện hữu. Đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho từng khu vực (như dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…).
Giải pháp cho các khu vực phát triển mới: Đề xuất ý tưởng, các mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố (thành phố Thủ Đức – khu đô thị sáng tạo tương tác cao). Xác định vị trí, vai trò các khu vực đô thị, các khu chức năng… trong đó có lưu ý đến việc bảo tồn và phát triển khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ. Xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc phát triển đối với các khu chức năng. Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian cho các khu vực.
Đề xuất phân khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian TP.HCM:
Khu dân dụng (khu nội thành cũ, khu nội thành phát triển, khu ngoại thành; các khu dân cư nông thôn; các khu cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội); trong đó trọng tâm là thành phố Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, khu đô thị – cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
Các cụm, khu công nghiệp: theo hướng di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển; sắp xếp công nghiệp theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường.
Hệ thống các trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành kết hợp phát triển đô thị (văn hoá, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng…), trung tâm khu đô thị.
Hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là cảnh quan dọc 2 bờ sông Sài Gòn; các điểm và khu cây xanh trong khu vực nội thành cũ dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, sông nước và kênh rạch của Thành phố để thực hiện đồng thời các chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước, điều tiết nước và cảnh quan.
Các khu vực bảo tồn, đặc biệt bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh; cấm và hạn chế xây dựng trong các khu vực vành đai bảo vệ an toàn sân bay, các khu an ninh, quốc phòng; hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của Thành phố.
Định hướng không gian ngầm: xác định hệ thống công trình ngầm, tổ hợp công trình ngầm đa năng, tiến tới lập quy hoạch định hướng không gian ngầm trong thành phố và đề xuất các yêu cầu quản lý, sử dụng.
Nghiên cứu, đề xuất các khu vực tạo điểm nhấn kiến trúc (về chiều cao và đường chân trời, về các khu vực kiến trúc đặc trưng) để tạo bản sắc riêng cho TPHCM. Đề xuất các quy định quản lý, hướng dẫn kiểm soát phát triển, làm cơ sở xây dựng quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố phù hợp theo từng giai đoạn, từng bước xây dựng hình ảnh đặc trưng cho quy hoạch kiến trúc đô thị TP.HCM.
Nguồn: Viet Build Forum