Trang chủ Gia đình Hạn chế áp lực khi họp mặt gia đình dịp lễ Tết

Hạn chế áp lực khi họp mặt gia đình dịp lễ Tết

5
0
Chia sẻ

Nhiều bạn trẻ xem những buổi gặp gia đình, họ hàng cuối năm là “ác mộng”. Hàng loạt câu hỏi về đời tư, lương thưởng hoặc tiếng trẻ nhỏ quấy khóc khiến họ mệt mỏi, lo âu.

Không phải ai cũng thoải mái khi gặp gỡ gia đình dịp cuối năm. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Những ngày lễ hội cuối năm là dịp để gia đình quây quần bên nhau. Truyền thống và sự gắn bó, thân thiết giữa các thế hệ sẽ được duy trì nhờ cơ hội này.

Tuy nhiên, với nhiều người, việc họp mặt với người thân không thực sự mang lại niềm vui. Thay vào đó, họ chỉ cảm thấy lo âu, áp lực trước hàng loạt câu hỏi dường như mang tính săm soi, so sánh. Đây là nguyên do khiến không ít cá nhân luôn tìm cách thoái thác, né tránh hoạt động sum vầy.

Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn quản lý nỗi lo khi tham dự buổi họp gia đình dịp lễ Tết, theo Life Skills.

Lập kế hoạch trước khi đến

Thông thường, sự lo âu của bạn xuất phát từ dự đoán về những điều chưa xảy đến. Vì vậy, cá nhân dễ cảm thấy lo lắng nếu thiếu chuẩn bị cho sự kiện sắp tới. Lên kế hoạch trước khi bạn đến là một bước quan trọng để quản lý cảm xúc tiêu cực này.

Hãy dự trù những sự cố có thể phát sinh. Chẳng hạn, trẻ nhỏ nghịch ngợm dễ gây ra âm thanh chói tai, hoặc nhiều người họ hàng xấu tính sẽ muốn tọc mạch về lương thưởng, đời tư. Bạn nên chuẩn bị vài kịch bản nhằm đối phó với họ dễ dàng hơn.

Giảm mức độ phát sinh tình huống

Nhiều người thừa nhận dễ bị “tấn công” khi chỉ đang đi loanh quanh, không tham gia vào hoạt động cụ thể nào. Vì vậy, nhằm giảm khả năng dẫn đến tình huống khó xử, hãy thử sức với bất kỳ nhiệm vụ nào.

Chẳng hạn, bạn có thể xung phong phụ bếp, chuẩn bị bàn ăn hoặc bận rộn với các khâu lau chùi, dọn dẹp.

Bên cạnh đó, nếu muốn ngăn chặn những sự cố ồn ào từ trẻ nhỏ, cá nhân nên chuẩn bị vài bộ đồ chơi thú vị. Giải pháp này sẽ giữ chúng trong tầm kiểm soát, thậm chí giúp bạn trở thành người họ hàng được yêu thích.

lo au cuoi nam anh 1
Chuẩn bị vài hoạt động thú vị sẽ giúp bạn kiểm soát trẻ em trong bữa tiệc. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Cân nhắc cách phản hồi

Thực tế, không phải lúc nào bạn cũng có thể dự trù chính xác về các sự cố sẽ xảy ra và mức độ của chúng. Ví dụ, bạn biết rõ bọn trẻ sẽ làm ồn, song không ngờ chúng lại đánh nhau. Hoặc dù đoán được sẽ bị hỏi nhiều về chuyện kết hôn, cá nhân khó lường được việc họ hàng chê bai, chỉ trích.

Lúc này, bạn có quyền bày tỏ cảm xúc không hài lòng, hoặc khéo léo đối phó tùy sức mình.

Quan trọng hơn cả, hãy kìm hãm tình huống ở mức xử lý được, cũng như giành quyền chủ động. Nhờ đó, mức độ “tấn công” từ họ hàng sẽ phần nào giảm sút, giúp bạn đỡ lo âu, nặng nề.

Tự cho mình không gian yên tĩnh

Chẳng có gì sai nếu bạn tạm lui khỏi bữa tiệc ồn ào và tìm kiếm sự yên tĩnh, Điều này đặc biệt cần thiết với cá nhân sống hướng nội, hoặc thường stress khi phải họp mặt gia đình. Lúc này, hãy dành thời gian tản bộ trong vườn hay dạo quanh khu phố.

Trong trường hợp bất khả kháng, bạn nên tìm căn phòng trống để nghỉ ngơi, ổn định lại dòng suy nghĩ của bản thân.

lo au cuoi nam anh 2
Bạn có quyền yêu cầu dừng cuộc trò chuyện, nếu người họ hàng quá sỗ sàng. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Tìm kiếm “đồng minh”

Không phải người họ hàng nào cũng đủ tinh tế, nhạy bén để nhận ra động thái khó chịu, muốn từ chối. Thậm chí, họ càng sỗ sàng hơn khi bạn tìm cách thoái lui.

Trước mỗi dịp tề tựu, hãy chia sẻ về khó khăn, cũng như bày tỏ mong muốn được hỗ trợ đến bố mẹ hoặc anh chị em ruột.

Ngoài ra, bạn nên dành thời gian kết thân với một số người thân có tiếng nói khác trong dòng họ. Đây chính là những “phao cứu sinh”, giúp bạn kịp thời thoát khỏi tình huống kích hoạt cơn lo lắng.

Mạnh dạn từ chối

Nếu cảm thấy sắp vượt ngưỡng chịu đựng, bạn cần thẳng thắn chia sẻ cảm xúc và đề nghị đối phương dừng lại. Tiếp tục dồn nén, cá nhân chỉ khiến cơn lo âu trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn cũng khó tránh khỏi hành động bộc phát, gây ảnh hưởng đến nhiều người khác.

Bên cạnh đó, từ chối tham gia hội họp cũng là phương án đáng cân nhắc.

Quyết định này không đồng nghĩa với việc bạn thiếu tôn trọng gia đình. Nó chỉ đơn giản là cách giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần của cá nhân, cũng như giữ hòa khí chung trong dịp lễ Tết.

Nguồn: Zing