Trang chủ Sống Hành trình của cô gái thành phố trồng chuối để sống xanh

Hành trình của cô gái thành phố trồng chuối để sống xanh

103
0
Chia sẻ

Ở thành phố tất bật và hối hả, Phạm Thu Phương (TP.HCM) lại chọn giải pháp trồng chuối để sống xanh. Phương bán đồ ăn vặt, và món gì gói được bằng lá chuối thì cô mới chọn để bán.

Phương muốn tạo thói quen mọi người cùng sử dụng lá chuối mỗi ngày để giảm tải bớt lượng rác thải ni lông ra môi trường /// HOA NỮ
Phương muốn tạo thói quen mọi người cùng sử dụng lá chuối mỗi ngày để giảm tải bớt lượng rác thải ni lông ra môi trường. Ảnh: HOA NỮ

“Giò chả là món truyền thống trước giờ vẫn được gói bằng lá chuối và dây chuối, tuy nhiên hiện nay hầu như các hàng giò chả đều bọc chả trong túi ni lông rồi mới gói thêm lá chuối. Đơn giản là vì sử dụng lá chuối để gói thì sau khi luộc xong chả bị sậm màu nên dùng túi ni lông cho nhanh và tiện…”, Phương trăn trở, và cũng vì thế cô nàng càng quyết tâm hơn với hành trình trồng chuối để sống xanh của mình.

Chén, đĩa, muỗng… từ cây chuối

Trong một lần gặp Phương tại phiên chợ quê giữa phố dịp cuối tuần, thật ngỡ ngàng khi thấy mọi vật dụng trong gian hàng của Phương đều làm từ cây chuối. Lá chuối thì Phương dùng để gói đồ, rồi sáng chế thêm thành những cái chén, đĩa đựng thức ăn cũng bằng lá chuối. Độc đáo hơn là phần bẹ chuối, Phương làm thành những chiếc thìa nhỏ nhỏ, xinh xinh, vô cùng lạ mắt và thân thiện với môi trường.

Phương đang hướng dẫn mọi người cách gấp lá chuối thành tô, chén để đựng thức ăn. Ảnh: HOA NỮ

Ghé đến nhà Phương tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), xung quanh nhà là những bụi chuối hột rậm rạp nhìn thân quen như khung cảnh làng quê ngày xưa. Phương kể trước đây phía trước nhà tự mọc lên một bụi chuối, từ đó cũng là cơ hội để Phương được bén duyên với lá chuối. Sau này, Phương bắt đầu trồng thêm chuối, phục vụ cho lối sống xanh mà Phương đang cố gắng mỗi ngày để lan tỏa đến mọi người.

Ở thành phố tất bật và hối hả, nhưng Phương thích trồng chuối, đam mê với lá chuối và muốn lan tỏa việc sử dụng lá chuối đến tất cả mọi người. Ảnh: HOA NỮ

Kể về hành trình đến với lối sống xanh của mình, Phương cho biết lúc đầu cô nàng làm công việc văn phòng, nhưng khi phong trào khởi nghiệp mạnh lên (năm 2018) thì Phương cùng bạn tính đến chuyện khởi nghiệp. Cả hai đều thích bán đồ ăn nên mở bán đồ ăn vặt trên mạng. Sẵn với việc yêu thích lá chuối, Phương đã quyết định bán đồ ăn vặt và gói bằng lá chuối.

Lá chuối sau khi sấy xong vẫn giữ được màu xanh, đặc biệt rất dai để dễ dàng hơn trong việc tạo hình và gói đồ. Ảnh: HOA NỮ

“Mình bán rất nhiều món ăn vặt, nhưng những món nào có thể gói được bằng lá chuối thì mình mới bán. Chẳng hạn các loại bánh, hay bún gạo xào là món khô ráo nên có thể gói được bằng lá chuối là mình bán… Nói chung mình muốn vừa kinh doanh nhưng cũng vừa sống xanh và lan tỏa hành động này đến mọi người”, Phương chia sẻ.

Biến lá chuối trở nên tiện lợi nhất

Điều mà Phương trăn trở nhiều là làm thế nào để lá chuối trở nên tiện ích, chỉ có như thế thì mọi người mới quay lại sử dụng lá chuối một cách vô thức như việc sử dụng bao bì ni lông hiện tại. Chính vì thế, mà Phương đã phải nghiên cứu và tìm ra quy trình xử lý làm sao để lá chuối có thể mềm và dai nhất.

Những vật dụng làm từ lá chuối của Phương được giới thiệu tại phiên chợ quê giữa phố mỗi dịp cuối tuần. Ảnh: HOA NỮ

Nhưng lá chuối Phương chọn để gói phải là lá chuối hột. Vì theo Phương trong tất cả các loại lá chuối, lá chuối hột bản to và dày hơn hẳn các loại chuối khác, lá rất xanh sau khi xử lý nhiệt, không có vị chát, không ảnh hưởng đến mùi vị đồ ăn, thậm chí còn làm tăng thêm hương vị thơm ngon của món ăn.

Thìa làm từ bẹ chuối. Ảnh: HOA NỮ

Cụ thể quy trình xử lý lá của Phương gồm 4 bước. Đầu tiên là thu hái và rửa lá. Sau đó để ráo lá và lau khô, kế tiếp là sấy lá ở nhiệt độ từ 150-200 độ, trong thời gian ngắn và cuối cùng là cắt lá với kích thước cần sử dụng.

“Với mình một sản phẩm được coi là thân thiện với môi trường thì ngay từ khâu sản xuất đã phải đảm bảo tiêu chí không gây ô nhiễm môi trường, giảm tối đa hao phí những nguồn tài nguyên điện, nước sạch”, Phương bày tỏ.

Hằng ngày Phương vẫn gói đồ bằng lá chuối để ship đồ ăn đến cho khách hàng. Ảnh: HOA NỮ

Phương cũng cho biết sau quá trình xử lý, lá chuối hột rất dai và mềm mại, cách sử dụng thì có thể gói như kiểu gói xôi ngày xưa, hoặc cột túm lại tuỳ ý. Lá đã xử lý xong trữ trong tủ lạnh thì tươi trong vòng 2-3 tuần, để lâu hơn lá sẽ khô, lấy ra để môi trường thường lá mềm lại và vẫn tiếp tục sử dụng được, tuy nhiên lá sẽ mỏng hơn do mất nước. Lá đã xử lý sạch sẽ không bị mốc hay hỏng, đảm bảo an toàn cho đồ ăn.

Một mặt của lá chuối vẫn có thể viết chữ lên, thuận tiện cho việc các cửa hàng dùng đểgói đồ bán. Ảnh: HOA NỮ

“Dùng lá chuối để gói sẽ không nhanh bằng dùng hộp xốp, hộp bã mía, người gói sẽ phải khéo léo hơn, thời gian gói nhanh chậm tuỳ thuộc vào độ khéo của mỗi người. Các bạn kinh doanh đồ ăn sẽ cảm thấy “trời thật phiền phức, thế này lúc khách đông thì làm sao…?”, nhưng các bạn ơi, có điều gì là không phải đánh đổi. Nếu các bạn không muốn mất thời gian thì sẽ trả bằng tiền, hoặc trả bằng sự ô nhiễm môi trường. Hơn nữa mình nghĩ rằng nếu bạn đã quyết định kinh doanh theo hướng sống xanh bền vững, thì những khó khăn này không phải quá khó vượt qua, và mình tin rằng khách hàng tìm đến bạn cũng sẽ sẵn sàng chờ đợi thêm chút để nhận được phần đồ ăn “đẹp” cả về hình thức lẫn nội dung”, Phương gửi gắm.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là 9-3-768x1024.jpg
Lá chuối có thể ứng dụng làm nút chai. Ảnh: HOA NỮ

Không những thế, vì trăn trở làm sao để có thể khai thác lá chuối một cách bền vững nhất, Phương đã tận dụng tất cả mọi bộ phận trên cây chuối để làm thành những vật dụng khác nhau. Đối với lá chuối, thì lá tươi dùng để gói đồ, gói thức ăn, thực phẩm…, còn lá chuối khô thì công dụng cũng nhiều vô kể, như lá lành để gói bánh, gói thực phẩm, lá rách có thể dùng để chống sốc khi ship những mặt hàng dễ vỡ.

Lá chuối dùng để gói rau. Ảnh: HOA NỮ

“Mình xử lý được lá khô nhưng vẫn giữ màu xanh rất đẹp nên vẫn có thể dùng để bao gói quà, gói hoa, giảm được kha khá lượng giấy… Mặc dù lá chuối không thể thay thế hoàn toàn được bao bì ni lông, nhưng chỉ cần giảm tải được lượng ni lông thì vẫn là một giải pháp tốt hơn cho môi trường”, cô nàng đam mê sống xanh, tâm huyết.

Nguồn: Thanh Niên